Làm báo ở miền núi
Ở Hà Giang, huyện gần nhất cách trung tâm thành phố khoảng 20km, xa thì đến 150km. Đối với phóng viên trẻ mới vào nghề việc đi tác nghiệp là một thử thách. Những cung đường nguy hiểm như khu vực Công viên địa chất Toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn khiến cho những ai chưa từng đi trên loại đường này gặp không ít khó khăn. Với bất kỳ phóng viên nào ở Báo Hà Giang đều cần đầy đủ phương tiện tác nghiệp như: Xe máy, máy ảnh, máy ghi âm, máy tính... Những ngày đầu hăm hở với tinh thần “xách ba lô lên và đi”, đi rồi mới biết, đường từ huyện đến các xã đều được rải nhựa hoặc cấp phối thì đỡ, còn đi từ xã đến các thôn, bản mới thực là ác mộng. Không chỉ có đường đi khó, mà thời tiết thay đổi thất thường giữa các xã cũng là một cản trở. n tượng với tôi là khi đi lên các xã vùng cao chuyên trồng chè của huyện Quang Bình. Con đường mòn từ trung tâm xã đến một thôn vùng 3 khó khăn vắt qua sườn núi chênh vênh, một bên là ta luy, một bên là vực sâu. Ngày tôi đi làm trời lất phất mưa phùn, đường đất trơn trợt và đá to làm pan xe nhiều lần, thỉnh thoảng lại phải dắt xe lội qua suối. Rồi vượt qua đoạn dốc dựng đứng, hẹp và trơn mà ngay cả anh cán bộ UBND xã cũng phải lắc đầu, cố gắng mãi đoàn mới đi được đến một thôn trồng chè. Công sức bỏ ra nhiều nhưng thành quả thu được cũng khá, tôi đã có một bài viết sát với tình hình thực tế về trồng chè ở đây và hiểu hơn nỗi khổ của người dân vùng cao. Sau này, tôi có rất nhiều chuyến đi khác, trèo đèo lội suối, vượt qua những cung đường hiểm trở hơn nữa, song kỷ niệm lần đầu đi vào con đường “gian khổ” đó vẫn làm tôi nhớ mãi. Một kỷ niệm nữa, đó là lần tác nghiệp trong mùa mưa bão. Nghe được tin nhà dân bị nước lũ cuốn trôi là tôi áo mũ lên đường tới ngay nơi xảy ra thiên tai. Trực tiếp chứng kiến sự tàn phá của thiên nhiên khiến tôi bàng hoàng, và còn bối rối hơn khi đối diện với những con người đang đau xót vì mất đi tài sản tích góp cả đời.
Mỗi chuyến đi cơ sở giúp phóng viên có thêm những trải nghiệm thú vị về cuộc sống. Trong ảnh: Tác nghiệp tại xã Chiến Phố, Hoàng Su Phì. Ảnh: HOÀNG NGUYỄN |
Với tôi, mỗi chuyến đi là một trải nghiệm khác nhau, trên đường đi được tiếp xúc với đủ kiểu người, mọi tình huống. Qua những chuyến đi đó, có lúc cảm nhận được sự nhiệt tình, ấm áp của tình người trong lúc khó khăn, đôi khi lại bức xúc với sự lạnh lẽo của con người. Trước những rung động của bản thân, khiến tôi từng bước hòa nhịp với cuộc sống ở vùng quê mình để rồi quan sát ra những hiện tượng trong đời sống, nhạy cảm với những tin tức sôi động hàng ngày.
Trong gần 3 năm làm báo là môi trường tốt để cho tôi được va chạm, trải nghiệm và trưởng thành. Thế giới quan dần mở rộng, hiểu biết về các lĩnh vực được nâng lên để hiểu rằng có được hạt thóc chắc mẩy trên đồng ruộng người nông dân phải vất vả thế nào. Trong cuộc sống thường ngày có những con người nghị lực phi thường vượt lên số phận và thấy rằng tỉnh mình hãy còn nghèo. Có nhà báo đã từng viết “đi, yêu và viết”. Trên đường đi công tác tôi được ngắm nhìn phong cảnh quê hương ở nhiều thời khắc khác nhau, từ lúc trời tờ mờ sáng cho đến khi hoàng hôn chìm dần xuống thung lũng. Cảm nhận được sự độc đáo ở xứ mình, vừa đi qua vùng thấp hãy còn nắng nóng đấy mà khoảng hơn 1 tiếng sau lại rét co ro khi di chuyển đến xã vùng cao mây mù giăng phủ. Thế mới thấy làm báo ở một tỉnh miền núi thật độc đáo, có nhiều vất vả, thử thách song cũng đầy thú vị.
Lê Hải
Ý kiến bạn đọc