Nhớ lời dạy của Bác về cách viết báo

06:57, 19/05/2015

BHG- Trong thư gửi các học viên lớp học báo chí đầu tiên được Bác cho mở trong rừng Việt Bắc, tại trường Huỳnh Thúc Kháng, Người khuyên các học viên: “Muốn viết báo khá, thì cần: 1. Gần gũi quần chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực. 2. Ít nhất cũng phải biết một thứ tiếng nước ngoài, để xem báo nước ngoài và học kinh nghiệm của người ta. 3. Khi viết xong một bài, tự mình phải xem lại ba bốn lần, sửa chữa lại cẩn thận. Tốt hơn nữa là đưa nhờ một vài người ít văn hóa xem và hỏi họ những câu nào, chữ nào họ không hiểu thì sửa lại cho họ hiểu. 4. Luôn luôn gắng học hỏi, luôn luôn cầu tiến bộ...”. Trong bài nói chuyện tại Đại hội lần thứ III, Hội Nhà báo Việt Nam, ngày 18/9/1962, Bác nói: “Kinh nghiệm của tôi là thế này: mỗi khi viết một bài báo thì tự đặt câu hỏi: Viết cho ai xem; Viết để làm gì; Viết thế nào cho phổ thông, dễ hiểu, ngắn gọn, dễ đọc”. Những lời dạy trên của Bác vô cùng giản dị, cụ thể nhưng hết sức sâu sắc và luôn mang tính thời sự đối với mỗi người làm báo cách mạng Việt Nam nói chung.

Hoạt động ở một tỉnh miền núi có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, dân trí còn thấp..., những năm qua, nhớ lời Bác dạy, đội ngũ làm công tác báo chí của tỉnh ta đã có rất nhiều cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ của những người cầm bút – những chiến sỹ xung kích trên mặt trận văn hóa – tư tưởng. Có thể nói, báo chí Hà Giang đã góp phần quan trọng trong việc chuyển tải những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân các dân tộc trên địa bàn bằng nhiều hình thức phong phú; Phát hiện, tổ chức tuyên truyền nhiều điển hình, nhân tố mới trong các phong trào thi đua lao động sản xuất; Đấu tranh chống lại những biểu hiện tiêu cực, những tập quán lạc hậu cản trở sự phát triển tiến bộ của xã hội. Qua đó, báo chí đã có những đóng góp không nhỏ, làm cho đời sống văn hóa – kinh tế của nhân dân các dân tộc ngày càng phát triển. Những kết quả đó bắt nguồn từ mỗi bài báo, mỗi tấm ảnh, mỗi thước phim mà hàng ngày những phóng viên vẫn cần mẫn lặn lội tới từng xóm bản từ vùng thấp đến vùng cao, vùng sâu đến vùng xa mang lại.

Tuy nhiên, suy ngẫm về những điều Bác dạy, thấy còn nhiều khiếm khuyết mà mỗi người làm báo chúng ta cần tiếp tục cố gắng hơn nữa để hoàn thiện mình, cho mỗi tác phẩm báo chí thực sự đến được với đông đảo công chúng. Một trong những khiếm khuyết đối với phần đông những người làm báo của tỉnh là rất yếu hoặc không biết thêm một ngoại ngữ. Điều này đã hạn chế chúng ta trong việc khai thác thông tin, học kinh nghiệm làm báo của các nước hoặc chuyển tải những thông tin cần thiết của đất nước, của tỉnh đến với thế giới, làm cho thế giới hiểu hơn về đường lối, chính sách, hiểu hơn về tiềm năng thế mạnh của tỉnh nhà. Nếu như ngoại ngữ là một khiếm khuyết đòi hỏi mỗi người làm báo, mỗi cơ quan báo chí cần phải xây dựng cho mình một kế hoạch, một chiến lược để hoàn thiện trong quá trình phát triển thì cũng có những điểm yếu mà việc khắc phục nó chỉ phụ thuộc vào trách nhiệm của mỗi phóng viên, biên tập viên trong cơ quan báo chí. Là một tỉnh miền núi, biên giới có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống, việc thể hiện các tác phẩm báo chí ngắn gọn, có văn phong cụ thể, dễ hiểu phù hợp với tâm lý và nhận thức của đông đảo người dân là vô cùng quan trọng. Thực tế, thời gian qua, ở mỗi loại hình báo chí cũng còn xuất hiện không ít những tác phẩm hoặc dài dòng chung chung mà thiếu những thông tin cần thiết hoặc dùng câu chữ giật gân, những ngôn từ khó hiểu..., đánh mất cái tính phổ thông vốn có của báo chí. Bác khuyên: “Khi viết xong một bài, tự mình phải xem lại ba bốn lần, sửa chữa lại cẩn thận...” là để mỗi tác phẩm báo chí luôn chứa đựng trong nó cái tâm của người làm báo với đối tượng công chúng mà tác phẩm báo chí ấy hướng đến. Trong suốt những năm qua, trên mỗi loại hình báo chí của tỉnh đã có không ít những tác phẩm để lại ấn tượng khó quên với người đọc, người xem. Đó là những tác phẩm của những tác giả luôn say mê, trách nhiệm với nghề, luôn bám nắm cơ sở để phản ánh những vấn đề, những sự kiện thời sự sinh động được đông đảo người dân và các cấp lãnh đạo quan tâm. Song bên cạnh đó cũng còn không ít tác phẩm được hình thành từ sự sao chép các báo cáo, thiếu tính thực tế làm cho độc giả nhàm chán. Đó thực sự cũng là những khiếm khuyết với nghề mà khi nhận thức được mỗi người làm báo cần suy ngẫm, khắc phục...

Kỷ niệm 125 năm – Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là dịp cả nước nói chung, tỉnh ta nói riêng tổng kết 4 năm thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; đồng thời tổng kết và trao giải đợt 2 (giai đoạn 2013 – 2015) cuộc thi sáng tác và quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Đánh giá 4 năm thực hiện Chỉ thị 03 của tỉnh nhấn mạnh, về cơ bản việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cùng với thực hiện 8 điều Bác căn dặn Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Hà Giang đã trở thành việc làm thường xuyên, nền nếp trong thực hiện nhiệm vụ chính trị và các phong trào thi đua yêu nước. Qua đó, góp phần quan trọng vào việc đổi mới phong cách, lề lối làm việc của cấp ủy, chính quyền các cấp, của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức...; Tuy nhiên, vẫn còn một số cán bộ, đảng viên thiếu ý thức tự giác phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện, “làm theo” tấm gương đạo đức của Người. Chính vì vậy, việc nhớ lại lời Bác dạy về cách viết báo và nhìn nhận lại những việc đã làm được, chưa làm được là một cách thiết thực để những người làm báo Hà Giang tưởng nhớ đến Bác kính yêu; đồng thời cũng là để tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn nữa Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị và cuộc thi sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”./.

MINH CHÂU


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hội nghị người lao động Công ty CP Cao su Hà Giang

BHG- Ngày 16.5, Công ty CP Cao su Hà Giang tổ chức Hội nghị người lao động năm 2015. Đến dự có lãnh đạo các đơn vị: Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam; Sở NN&PTNT, Lao động TB&XH, Liên Đoàn lao động tỉnh, Công an tỉnh…

18/05/2015
Nguy hiểm tính mạng do bị rắn độc cắn sau 3 ngày mới đến bệnh viện

BHG - Ngày 18.5, Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện đa khoa Vị Xuyên tiếp nhận và cấp cứu bệnh nhân Đặng Văn Hải (18 tuổi), thôn Lùng Chang, xã Linh Hồ (Vị Xuyên), với chẩn đoán: Hoại tử cánh tay phải do rắn cắn ngày thứ 3.

18/05/2015
Hội nghị điển hình tiên tiến Công đoàn tỉnh lần thứ III và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba

BHG- Ngày 15.5, Liên đoàn lao động (LĐLĐ) tỉnh tổ chức Hội nghị điển hình tiên tiến công đoàn tỉnh lần thứ III (giai đoạn 2010 – 2015) và Lễ đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba. Dự hội nghị có đồng chí Trần Đức Quý, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đông đảo đoàn viên tiêu biểu.

17/05/2015
Công tác an sinh xã hội, nhân đạo, từ thiện của Công ty Xăng, dầu Hà Giang

BHG- Từ năm 2010 đến hết năm 2014, Đảng uỷ Công ty Xăng, dầu đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với Công đoàn vận động mỗi cán bộ, đảng viên, người lao động quyên góp ủng hộ 33 ngày lương được tổng số tiền trên 1.422 triệu đồng. Đồng thời làm cầu nối cho các đơn vị trong Tập đoàn Xăng, dầu Việt Nam, các đơn vị khác ủng hộ cho các xã thuộc huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Xín Mần là 713 triệu đồng. 

16/05/2015