Kết quả bước đầu trong việc triển khai thực hiện quy định của pháp luật về đội mũ bảo hiểm đối với trẻ em
BHG - Việc đội mũ bảo hiểm (MBH) khi điều kiển mô tô, xe máy, xe đạp điện và ngồi trên các phương tiện đó khi tham gia giao thông không chỉ là việc tuân thủ Luật Giao thông, ứng xử văn hóa mà đó là quyền lợi và bảo vệ chính bản thân người tham gia giao thông. Việc đội MBH không chỉ đối với người lớn mà còn là quy định bắt buộc đối với trẻ em (đối với người ngồi trên phương tiên mô tô, xe máy, xe đạp điện khi tham gia giao thông) và để vấn đề này đang đi vào cuộc sống. Theo đó, Ban An toàn giao thông tỉnh đã xây dựng Kế hoạch hành động về thực hiện quy định của pháp luật trong việc thực hiện đội MBH đối với trẻ em năm 2015, chỉ đạo các ban ngành, lực lượng chức năng tập trung triển khai tuần cao điểm (từ ngày 06-10.4.2015) tuyên truyền, tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm quy định của pháp luật về đội MBH cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên. Từ khi triển khai đến nay đã tạo được sự chuyển biễn rõ nét về việc chấp hành đội MBH cho trẻ em với nhiều biện pháp triển khai tuyên truyền hiệu quả.
Học sinh trên địa bàn tỉnh đã chấp hành đội mũ bảo hiểm. |
Đối với Công an tỉnh đã chỉ đạo lực lượng CSGT, Công an các huyện, thành phố đồng loạt ra quân trong ngày 6-10.4 để tuyên truyền, nhắc nhở trực tiếp người tham gia giao thông phải đội MBH cho trẻ em trong đó tập trung chính vào khu vực cổng trường học, nơi đông dân cư để mọi người biết, chấp hành và sau ngày 10.4 tiến hành xử phạt hành chính đối với học sinh không đội MBH khi đi mô tô, xe máy, xe đạp điện với mức xử phạt từ 100.000 – 200.000đ (Theo Nghị định 171, trẻ em từ 6 tuổi trở lên khi ngồi trên xe gắn máy bắt buộc đội MBH cài quai đúng quy cách. Nếu người điều khiển xe gắn máy không đội MBH có cài quai đúng quy cách cho trẻ em ngồi trên xe từ 6 tuổi trở lên sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng). Trong đó, chỉ đạo Phòng Cảnh sát giao thông xây dựng, triển khai kế hoạch phối hợp với Phòng Giáo dục và đào tạo, các trường phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Giang, huyện Quản Bạ và huyện Bắc Quang tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ và Quy định về đội MBH cho trẻ em tại các trường THCS xã Phương Thiện (TPHG); Trung tâm Giáo dục thường xuyên và phổ thông Dân tộc Nội trú (Quản Bạ); THCS xã Đông Thành (Bắc Quang) bằng các hình thức tuyên truyền miệng, “sân khấu hóa”, với các thông điệp truyền thông: Trẻ em phải đội MBH khi đi mô tô, xe máy; Đội mũ cho con, trọn tình cha mẹ; Nhớ lời cô dặn, đội MBH khi đi xe máy, xe đạp điện, hưởng ứng đợt tuyên truyền có 749 giáo viên, học sinh tham gia. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền còn được thực hiện đa dạng, phong phú thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền trực quan như: áp phích, tờ rơi, băng zôn được treo tại khu vực xung quanh trường. Cùng với việc tuyền truyền, lực lượng Cảnh sát giao thông đã tuần tra lưu động, thành lập các chốt chặn tại xung quanh trường để kịp thời nhắc nhở, xử lí vi phạm. Qua đó phần lớn phụ huynh học sinh đã ý thức và nghiêm chỉnh chấp hành đội MBH cho con em mình, bên cạnh đó vẫn còn những trường hợp vi phạm và đưa ra lý do như nhà gần, tiện đi làm rồi đưa con đi học... để tránh bị phạt. Trao đổi với chúng tôi về việc thực hiện quy định của pháp luật về đội MBH cho trẻ em, Trung tá Hoàng Anh Đức, Đội trưởng Đội tuần tra kiểm soát Phòng CSGT Công an tỉnh cho biết: Tính đến thời điểm ngày 15.4 trên địa bàn tỉnh, lực lượng Cảnh sát giao thông đã kiểm tra, nhắc nhở 224 trường hợp không đội MBH cho trẻ em khi tham gia giao thông, trên địa bàn TPHG sau tuần cao điểm phần lớn những trường hợp tái vi phạm đều là những học sinh đã đến tuổi đi xe đạp điện, xe máy, các trường hợp vi phạm đều đã bị nhắc nhở, ghi sổ theo dõi. Còn trên địa bàn thị trấn Vị Xuyên có 5 trường hợp bị xử phạt hành chính, ngoài ra hầu hết phụ huynh đã nghiêm chỉnh chấp hành đội MBH cho con mình, tuy nhiên còn một số trường hợp chưa chấp hành, khi được lực lượng chức năng nhắc nhở tuyền truyền thì hôm sau đã chấp hành nghiêm túc. Để tạo “thói quen” đội MBH cho trẻ em, lực lượng Cảnh sát giao thông huyện phối hợp với nhà trường, thường xuyên tuyền truyền về tác dụng của MBH thông qua các giờ giảng dạy trên lớp, hoạt động ngoại khóa... để chính bản thân các em học sinh cũng ý thức được tác dụng của việc đội MBH là bảo vệ chính mình khi tham gia giao thông, từ đó tạo được sự đồng thuận cao trong mọi tầng lớp nhân dân.
Để tăng tỷ lệ đội MBH cho trẻ em, góp phần giảm hậu quả tai nạn giao thông đến với trẻ em trên toàn tỉnh ngoài việc phụ huynh tự ý thức chấp hành cần nâng cao hiệu lực nhà nước, hoạt động thống nhất của các cơ quan quản lý nhà nước từ tỉnh đến địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội trong công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, tuần tra kiểm soát, nhắc nhở và xử lí vi phạm quy định của pháp luật về đội MBH cho người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện đối với trẻ em.
MẠNH TƯỜNG
Ý kiến bạn đọc