Đặc sản sông Gâm cần được bảo tồn triệt để
BHG - Là nơi cư ngụ của “Ngũ quý hà thủy” bao gồm: Cá Anh vũ, Dầm xanh, Chiên, Bỗng, Lăng...; hàng thập kỷ qua, sông Gâm trở thành nơi mưu sinh của nhiều người dân trên địa bàn huyện Bắc Mê với nghề đánh bắt thủy sản. Nhưng những năm gần đây, với độ ngon, sự quý hiếm và giá trị kinh tế cao, hàng trăm người đã lao vào cuộc săn lùng các loài cá quý hiếm từ lòng sông để đưa lên... bàn tiệc, khiến đặc sản sông Gâm ngày càng cạn kiệt.
Săn lùng “thủy quái” trên sông Gâm:
Hò hẹn mãi, cuối cùng tôi cũng có được cái gật đầu của anh Trần Văn Tường, ở thị trấn Yên Phú, một thợ săn cá đã có kinh nghiệm đánh bắt thủy sản trên sông Gâm gần 20 năm cho theo cùng trong một cuộc săn lùng “thủy quái”, tên người dân gọi loài cá Chiên với sự hung dữ và hình thù kỳ dị của nó. Trời vừa rạng đông, chúng tôi bắt đầu hành trình lên phía thượng nguồn sông Gâm, địa phận giáp với huyện Bảo Lâm (Cao Bằng) để bắt đầu cuộc chinh phục loài cá hoang dã. Theo nhiều thợ săn cá thì các loài cá quý hiếm của sông Gâm thường sống ở khu vực chân thác, hang hốc, nơi có dòng nước chảy xiết; chúng lừ lừ nằm chờ đón mồi là những con cá bé, bởi vậy, muốn đánh được loài cá này, người thợ săn cá vừa phải có sức khỏe, sự dũng cảm mới dám ngụp lặn xuống dòng nước sâu, chảy xiết.
Anh Trần Văn Tường chăm sóc cá Chiên nuôi lồng với nỗi lòng “trả nợ” sông Gâm. |
Sau khi xác định được vị trí có ghềnh đá chìm, anh Tường rít một hơi thuốc dài như để lấy thêm can đảm, rồi lặn xuống vùng nước chảy xiết để quan sát, tìm kiếm sự xuất hiện của sinh vật “kỳ dị”. Cuộc ngụp lặn như thế diễn ra nhiều lần, trong suốt cả buổi sáng khiến những người chờ đợi trên thuyền vô cùng nóng lòng. Chị Mạch Thị Phượng, vợ anh Tường kể: Trước đây, vì lao vào những vùng nước xiết, nguy hiểm để đánh bắt cá quý nên có người đã gặp nạn; nhưng vì cuộc sống, vì nguồn lợi kinh tế, nhiều người vẫn tiếp tục cuộc mưu sinh... Sau khi lên khỏi dòng nước xiết, vợ chồng anh bắt đầu thả lưới; dừng đôi tay chèo điêu luyện, anh Tường chia sẻ: “Trước đây, cứ thả lưới, buông câu là đánh được cá, giờ thì có quá nhiều người cùng đánh bắt, có cả những người từ Tuyên Quang, Cao Bằng sang đây lùng sục nên loài cá quý này ngày càng hiếm, có khi là cơ may mới gặp được. Những con cá Chiên với trọng lượng trên 40 kg giờ không còn nữa, may mắn thì cánh thợ săn cá vẫn gặp được cá Chiên khoảng 20 – 30 kg. Ngày trước đi đánh cá một mình, nhiều hôm gặp được cá Chiên to, phải vật lộn cả tiếng đồng hồ mới mang được lên thuyền”.
Với kinh nghiệm nhiều năm săn lùng cá trên sông Gâm, anh Tường cho biết sẽ có cá Chiên sa mẻ lưới này. Quả thật thành công khi chúng tôi kéo lưới lên, một con cá Chiên gần 20kg đang cố vùng vẫy để thoát thân. Những con cá Chiên bé được anh Tường cẩn thận cho lên thuyền để không làm nó bị thương, chầy xước rồi như phân trần với tôi: “Những con cá bé này để làm giống đấy, cần phải tái tạo nguồn thủy sản cho sông Gâm...”.
Cá Chiên nặng gần 20 kg, được người dân săn lùng đang ngày càng khan hiếm. |
Kết thúc chuyến hành trình săn cá trên sông Gâm, tôi tìm đến nhà hàng Anh Tú, một trong những nhà hàng có lượng tiêu thụ các loài đặc sản sông Gâm lớn trên địa bàn huyện Bắc Mê. Mùi thơm từ món cá Dầm xanh nướng hấp dẫn, có thể chinh phục mọi thực khách khó tính. Anh Chu Minh Vạn, chủ nhà hàng Anh Tú dẫn tôi ra bể cá của gia đình bày tỏ: “Hôm nay còn một con cá Chiên trên 20kg nhưng đã có khách đặt rồi, hôm qua nhà hàng vừa bán về Hà Nội con cá Anh vũ nặng 2kg; các loài cá này ngon, quý hiếm nên người dân đánh bắt được bao nhiêu cũng tiêu thụ được hết, dù giá rất cao”.
Theo anh Vạn, cá Anh vũ có giá trên 4 triệu đồng/kg, cá Dầm Xanh trên 800 nghìn đồng/kg, các loài các quý hiếm khác có giá trên 500 nghìn đồng/kg... Điều này có thể lý giải vì sao hàng trăm người dân bất chấp hiểm nguy, lao vào cuộc săn lùng loài cá quý hiếm và lòng sông Gâm với các loài thủy sản phong phú đang hàng ngày bị vét cạn.
“Trả nợ” dòng sông:
Chảy qua địa phận huyện Bắc Mê với chiều dài gần 50km, sông Gâm không chỉ thuận lợi cho việc giao thông đường thủy mà còn là lợi thế để phát triển ngành nuôi trồng thủy sản. Thực tế nhiều năm qua, huyện Bắc Mê đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân khai thác lợi thế sông Gâm để đầu tư nuôi trồng thủy sản. Hiện nay, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện là 130ha, ước tính mỗi năm, sản lượng khai thác thủy sản đạt khoảng trên 106 tấn (Trong đó chủ yếu là nguồn thủy sản từ sông Gâm). Tuy nhiên, từ khi Nhà máy thủy điện Na Hang (Tuyên Quang) đi vào hoạt động (năm 2006), nước sông Gâm lên xuống theo mùa, mùa nước lên vào khoảng từ tháng 8 đến tháng 2 năm sau, thời gian còn lại là khi thủy điện xả nước phục vụ đổ ải vùng hạ du, sông Gâm trơ dòng khiến cho việc nuôi trồng thủy sản gặp nhiều khó khăn, người dân vẫn chủ yếu đánh bắt thủy sản tự nhiên, chỉ có một số hộ di chuyển xuống khu vực giáp ranh với Tuyên Quang, nơi có mực nước khá ổn định để đặt lồng nuôi cá.
Món cá Dầm xanh nướng ngon và hấp dẫn, xuất hiện nhiều trên các bàn tiệc. |
Bên cạnh việc nguồn nước không ổn định, vào mùa mưa, lũ thượng nguồn đổ về làm thay đổi dòng chảy, môi trường sinh thái khiến nhiều loài thủy sản “mất nhà”, đặc biệt các loài cá quý hiếm vốn thích sống nơi nước chảy xiết, hang đá... đã phải di chuyển lên phía thượng nguồn sông Gâm.
Trong khi hàng trăm người dân vẫn lao vào cuộc săn lùng các loài các quý hiếm trên sông Gâm một cách cạn kiệt, chính quyền địa phương loay hoay với “bài toán” phát triển ngành thủy sản, thì một số hộ dân bên bờ sông Gâm đã mạnh dạn chinh phục loài sinh vật hoang dã của tự nhiên này về trong không gian chật hẹp của lồng nhà. Hiện nay, trên địa bàn huyện Bắc Mê có 5 hộ dân đang đầu tư nuôi cá Chiên trong lồng.
Dẫn tôi bước qua những cây tre già làm cầu nối xuống lồng cá của gia đình, nhìn đàn cá hơn 200 con, với trọng lượng 2 – 3kg/con đang quẫy nước, anh Trần Văn Tường chia sẻ: “Những con cá Chiên nhỏ do người dân đánh bắt được, tôi đều mua hết về nuôi, với mong muốn tái tạo nguồn thủy sản quý hiếm của sông Gâm. Tuy loài cá này nuôi rất chậm lớn, khoảng 2 – 3 năm mới được trọng lượng 2 – 3kg và có thể bán; cá Chiên chỉ ăn các loài cá con nên hàng ngày tôi vẫn phải đi đánh cá về làm thức ăn cho chúng, cá Chiên thường hay mắc bệnh lúc giao mùa, trong khi những người nuôi cá Chiên như chúng tôi hầu như chưa được tập huấn về kỹ thuật, cách phòng bệnh cho cá và lai tạo nguồn giống, tất cả đều phải tự học hỏi qua các phương tiện truyền thông, vừa nuôi vừa rút kinh nghiệm, chi phí đầu tư cũng lớn... Nhưng nhìn đàn cá quý hiếm ngày càng cạn kiệt, mình xót lắm; bên cạnh việc đánh bắt, phải nuôi để bảo tồn, vừa có nguồn thu nhập ổn định, không phải vật lộn với hiểm nguy ngoài sóng nước và cũng là cách để mình “trả nợ” với dòng sông.
Trao đổi với lãnh đạo huyện Bắc Mê, được biết: Việc người dân nuôi cá Chiên trong lồng là một hướng phát triển ngành thủy sản bền vững được huyện khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi. Tuy nhiên, với những khó khăn về nguồn vốn, kỹ thuật... nên rất cần sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, các ngành để có giải pháp bảo tồn nguồn thủy sản sông Gâm một cách hiệu quả nhất.
Dòng sông Gâm vẫn ầm ào cuộn chảy và ẩn chứa trong lòng mình nỗi niềm của các loài “Ngũ quý hà thủy”; cùng với sự xuất hiện của các nhà máy thủy điện và khi việc khai thác ồ ạt, tận diệt, thiếu quản lý, không đi cùng với việc bảo tồn thì sự biến mất các loài cá đặc sản của dòng Gâm là điều có thể xẩy ra trong tương lai gần...
BIỆN LUÂN
Ý kiến bạn đọc