Yên Minh chủ động ứng phó, khắc phục thiên tai

06:52, 23/04/2015

BHG- Những năm qua, trên địa bàn huyện Yên Minh thường xuất hiện: Mưa đá, tố lốc, sạt lở đất... gây thiệt hại lớn về tài sản, thậm chí tính mạng con người. Vì vậy, huyện đã có nhiều biện pháp ứng phó, khắc phục thiên tai, giảm thiểu tối đa thiệt hại gây ra.

Lãnh đạo và các lực lượng xã Mậu Duệ kiểm tra, khắc phục thiệt hại tại một gia đình trong đợt tố lốc tháng 4.2014.
Lãnh đạo và các lực lượng xã Mậu Duệ kiểm tra, khắc phục thiệt hại tại một gia đình trong đợt tố lốc tháng 4.2014.

Chỉ tính riêng từ đầu năm 2014 đến nay, trên địa bàn huyện Yên Minh có trên 5 lần hứng chịu tố lốc, mưa đá và sạt lở đất làm sập đổ hoàn toàn 7 ngôi nhà, tốc mái gần 800 nhà, 11 nhà bị hư hại do đất đá sạt lở; hơn 50 công trình công cộng bị hư hại; gần 400 ha diện tích cây lương thực, hoa màu bị ảnh hưởng, thiệt hại và mất trắng. Tổng thiệt hại ước tính hơn 6 tỷ đồng. Rất may không có thiệt hại về người. Tuy nhiên, nhìn lại hơn 10 năm trước, trận lũ quét xảy ra ở thôn Bản Lý, xã Du Tiến, một xã phía Nam của huyện vào tháng 7.2004 đã cướp đi sinh mạng của hàng chục người, cuốn đi nhiều ngôi nhà và tài sản của người dân... Đó chỉ là một vài con số minh họa những gì thiên tai đã và vẫn đang tác động đến sự phát triển KT – XH và cuộc sống của người dân Yên Minh. Khi thiên tai đi qua, thiệt hại về tài sản có thể khắc phục trong một thời gian sau đó, nhưng mất mát về con người không thể đong đếm và khắc phục. Nó để lại nỗi đau, sự ám ảnh cả cuộc đời cho gia đình, người thân và những người chứng kiến.

Đồng chí Hoàng Quang Hoàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Minh, Phó Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB - TKCN) cho biết: “Chính vì những thiệt hại, tác động, ảnh hưởng mà thiên tai có thể gây ra cho sự phát triển KT-XH của địa phương và người dân; xác định vị trí địa lý của huyện nằm trong vùng có nguy cơ cao và hứng chịu những diễn biến bất thường của thời tiết; khi xảy ra thiên tai, chắc chắn sẽ có những thiệt hại. Vì vậy những năm qua, huyện đã chủ động cảnh báo, ứng phó khi có dự báo về diễn biến bất thường của thời tiết cho người dân và và khắc phục thiệt hại sớm nhất thiên tai xảy ra nhằm hạn chế thấp nhất các thiệt hại, ảnh hưởng, nhất là con người”. Cùng với đó, khi nắm các thông tin qua truyền hình, báo chí và các Công điện khẩn của tỉnh về tình hình, diễn biến thời tiết xấu có thể xảy ra trên địa bàn. Ban Chỉ huy PCLB - TKCN huyện chỉ đạo cơ quan thường trực: Phòng Nông nghiệp, Ban CHQS, Công an huyện và các ngành phụ trách xã thông báo cho các xã, thị trấn. Trên cơ sở đó, các xã báo lại cho các thôn, thôn thông tin cho người dân bằng cách đánh kẻng, gõ mõ hay đến tận nhà các hộ vận động thực hiện các công tác ứng phó như: Di chuyển người, tài sản những hộ nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao sang những gia đình, vị trí an toàn; che bạt, gỗ xung quanh nhà chắn gió kết hợp nẹp mái ngói, tấm lợp hoặc đặt bao cát, đá lên trên mái nhà tránh tố lốc làm tốc mái; khuyến cáo các hộ không ra ngoài mà chọn một vị trí an toàn trong nhà để tránh trú khi gió giật, tố lốc đi qua, đặt an toàn tính mạng lên hàng đầu. Ngoài ra, trước, trong và sau công tác ứng phó, các cơ quan thường trực Ban Chỉ huy PCLB – TKCN của huyện cùng các địa phương cắt cử người trực 24/24 giờ để kịp thời báo cáo, khắc phục ngay khi có thiệt hại xảy ra; chủ động trích nguồn ngân sách của địa phương và huy động lực lượng theo phương châm “4 tại chỗ” hỗ trợ gia đình bị thiệt hại, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống.

Ông Nguyễn Văn Tuy, thôn Nà Ngoa, xã Mậu Duệ, gia đình bị thiệt hại nặng nề nhất trong trận mưa đá, tố lốc xảy ra tháng 4.2014 cho biết: “May mắn chúng tôi được xã cảnh báo sớm, cả gia đình kịp di chuyển sang bên nhà hàng xóm, nếu không trong lúc tố lốc đi qua mà vẫn còn ở nhà thì không biết 4 người trong gia đình sẽ ra sao”. Qua chia sẻ của ông Tuy có thể thấy từ những chỉ đạo sát sao, quyết liệt, công tác ứng phó, khắc phục thiên tai của huyện Yên Minh đã cho thấy sự hiệu quả nhất định. Người dân nhận thức được việc đảm bảo an toàn tính mạng là trên hết và chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại. Và hơn 1 năm qua, trên địa bàn huyện dù nhiều lần hứng chịu thiên tai nhưng đều không có thiệt hại về người, thiệt hại về tài sản cũng giảm đáng kể. Đây là kết quả lớn nhất từ những cố gắng của huyện.

Duy Tuấn


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Chung tay tiêm chủng bảo vệ cộng đồng

BHG- Cục Y tế dự phòng cho biết, hưởng ứng "Tuần lễ tiêm chủng" năm 2015 do Tổ chức Y tế thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương phát động từ 24-30.4.2015 với chủ đề "Chung tay cùng tiêm chủng bảo vệ cộng đồng", nhằm tăng cường truyền thông, thu hút sự quan tâm hơn nữa của các nhà lãnh đạo, các tổ chức xã hội và cộng đồng về công tác tiêm chủng mở rộng (TCMR).

23/04/2015
Hội nghị đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh

BHG- Ngày 22.4, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với 713 điểm cầu trên toàn quốc về "Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh". 

22/04/2015
Quản Bạ đẩy mạnh truyền thông Dân số – KHHGĐ

BHG- Công tác Dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và là một nhiệm vụ quan trọng phải thực hiện tích cực, thường xuyên, lâu dài, bền vững. 

22/04/2015
Viettel Hà Giang tặng bò cho các hộ nghèo huyện Hoàng Su Phì

BHG- Ngày 21.4, Chi nhánh Viettel Hà Giang phối hợp với Ủy ban MTTQ, BCH Biên phòng, Sở NN-PTNT và Hội Chữ thập đỏ tỉnh tổ chức trao tặng bò giống cho các hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thuộc xã biên giới Thàng Tín, Pố Lồ (Hoàng Su Phì). Dự buổi lễ có đại diện lãnh đạo BCH Biên phòng tỉnh, lãnh đạo huyện Hoàng Su Phì, các hộ dân xã Thàng Tín, Pố Lồ...

21/04/2015