Thực trạng và giải pháp quản lý lao động sang Trung Quốc làm việc ở Đồng Văn
BHG- Những năm gần đây, tình trạng lao động tự do (LĐTD) vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm việc trên địa bàn huyện Đồng Văn ngày một diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho công tác quản lý, ảnh hưởng đến tình hình ANTT trên địa bàn. Điều này đặt ra cho cấp ủy, chính quyền huyện cần có những giải pháp hữu hiệu, mang tính lâu dài để từng bước giải quyết.
Theo số liệu tổng hợp gần đây nhất, trên địa bàn huyện Đồng Văn hiện có 5.768 lượt LĐTD vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm việc. Số lao động (LĐ) này chủ yếu là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, đi theo đường mòn, lối mở không qua các cửa khẩu, không có giấy tờ hợp lệ chiếm 94%, tập trung nhiều nhất ở các xã như: Phố Cáo, Thài Phìn Tủng, Sính Lủng, Sủng Là. LĐ đi theo hình thức này đa số là LĐ phổ thông làm các công việc như vận chuyển hàng hoá, làm thuê tại các trang trại trồng cây lương thực, cây ăn quả, làm vườn, xây dựng, khai thác mỏ với thời gian làm việc rất đa dạng, bằng nhiều hình thức có thể là sáng đi, tối về; sang định kỳ theo tuần, tháng, năm hoặc sang làm ăn theo mùa vụ. Mức thu nhập trong các nghề, công việc ở mức khá hấp dẫn, trung bình mỗi ngày có thu nhập từ 150-300 nghìn đồng; cá biệt có công việc được trả 500 nghìn đồng/người/ngày tùy thuộc vào từng lĩnh vực công việc cụ thể. Có nhiều nguyên nhân để người lao động (NLĐ) Việt Nam tự do vượt biên sang Trung Quốc làm việc, song nguyên nhân chính là do trên địa bàn huyện một năm chỉ có 1 vụ sản xuất nông nghiệp chính nên thời gian lúc nông nhàn không có việc làm, trong khi người dân sinh sống hai bên biên giới có khoảng cách về địa lý gần, NLĐ Việt Nam có thể sang Trung Quốc làm việc đi về trong ngày và có công việc đều, thu nhập ổn định. Mặt khác, do nhu cầu sử dụng LĐ của doanh nghiệp, cá nhân bên phía Trung Quốc yêu cầu về trình độ tay nghề LĐ không cao nên thu hút nhiều LĐ Việt Nam sang làm việc. Thực tế đã có nhiều LĐ trên địa bàn huyện Đồng Văn sang Trung Quốc làm việc có thu nhập ổn định, thoát nghèo và trở thành hộ khá, giàu. Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố tích cực thì còn có hạn chế tồn tại như một bộ phận NLĐ phải làm việc trong điều kiện không đảm bảo, không được trả tiền công, nhiều người bị trục xuất về nước do không có đủ giấy tờ hợp pháp làm ảnh hưởng đến công tác quản lý dân cư, ANTT trên địa bàn. Đặc biệt có trường hợp NLĐ bị chết gây thiệt hại cho gia đình và NLĐ... Thực trạng trên đang đặt ra cho cấp ủy, chính quyền huyện Đồng Văn cần có những giải pháp hữu hiệu nhằm quản lý, đưa NLĐ sang Trung Quốc làm việc, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ.
Để từng bước giải quyết những hạn chế tồn tại, UBND huyện Đồng Văn đã tổ chức đoàn công tác sang thăm và hội đàm với huyện Phú Ninh, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) để bàn các giải pháp, ký thỏa thuận trong việc quản lý, đưa LĐ sang huyện Phú Ninh làm việc với những nội dung: NLĐ Việt Nam khi sang huyện Phú Ninh lao động phải có giấy tờ hợp pháp (sổ thông hành), đi qua cửa khẩu quy định (cửa khẩu Săm Pun - Điền Bồng) và phạm vi làm việc giới hạn trong khu vực huyện Phú Ninh. Huyện Phú Ninh sẽ thiết lập 3 điểm làm thủ tục tiếp nhận cho NLĐ do các lực lượng Công an, Biên phòng và Công ty 3311 đảm nhận tại các địa điểm Điền Bồng, Mộc Cương, Láng Hằng. Kết thúc thời gian làm việc tại huyện Phú Ninh, Công ty 3311 sẽ có trách nhiệm đưa LĐ Việt Nam xuất cảnh về nước. Cơ quan quản lý LĐ thuộc 2 huyện Đồng Văn, Mèo Vạc có trách nhiệm làm thủ tục đón công dân tại các điểm đã quy định. Cấp ủy, chính quyền địa phương hai bên biên giới kiên quyết không nhận vào làm việc, trục xuất về nước đối với những LĐ đi làm chui, không có giấy thông hành, đồng thời có hình thức xử lý các trường hợp không chấp hành các quy định của Nhà nước, địa phương về quản lý công dân xuất, nhập cảnh; thống nhất đặt đường dây nóng để nắm bắt thông tin trực tiếp nhu cầu NLĐ, diễn biến tình hình NLĐ Việt Nam làm việc tại Trung Quốc... Thực hiện thỏa thuận trên, từ cuối năm 2014 và đầu năm 2015, huyện Đồng Văn đã và đang tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn tuyên truyền vận động LĐ có độ tuổi từ 18 - 50, sức khỏe tốt để tham gia đăng ký, lập danh sách làm sổ thông hành. Trước mắt lựa chọn mỗi xã, thị trấn từ 30 - 50 LĐ để đưa đi làm việc thí điểm tại huyện Phú Ninh. Đây có thể xem là bước đột phá mới trong việc quản lý, đưa NLĐ sang Trung Quốc làm việc, đồng thời mở ra cơ hội cho người dân huyện Đồng Văn có thêm cơ hội việc làm, tăng thu nhập, thực hiện mục tiêu XĐGN bền vững. Cùng với việc đưa LĐ sang Trung Quốc làm việc, huyện Đồng Văn cũng đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo, hướng nghiệp dạy nghề, tạo việc làm mới, nhất là đối với LĐ là người địa phương, khu vực giáp biên. Chú trọng đầu tư, lồng ghép có hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập; có kế hoạch liên kết với các công ty, doanh nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp trong và ngoài tỉnh đưa LĐ đi làm việc nhằm giảm áp lực về việc làm lúc nông nhàn, hạn chế tối đa LĐTD vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm việc.
Với cách làm mới, cùng giải pháp triển khai đồng bộ, hy vọng người lao động trên địa bàn huyện Đồng Văn sẽ có nhiều hơn cơ hội tìm được việc làm mới với thu nhập ổn định, được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.
Hoàng Ngọc
Ý kiến bạn đọc