Quy tụ dân cư gắn xây dựng Nông thôn mới: Nhìn từ Đề án 105
BHG- 4.186 hộ dân sống ở các vùng thiên tai, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn... được di rời về nơi ở mới xen ghép với cộng đồng dân cư ở hàng trăm thôn, bản; gần 400 công trình cơ sở hạ tầng được xây mới, nâng cấp, sửa chữa hỗ trợ cộng đồng nơi các hộ về quy tụ. Đó là những con số về kết quả thực hiện Đề án 105 của tỉnh trong 4 năm qua. Đề án đã giúp hàng chục nghìn người dân và con em họ yên tâm phát triển kinh tế, thụ hưởng các dịch vụ y tế, giáo dục tốt nhất...; góp phần tạo điều kiện thuận lợi trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM) ở các địa phương trên địa bàn tỉnh những năm qua.
Anh Phàn Chỉn Sáng (người ở giữa), thôn Na Pô, xã Na Khê (Yên Minh) vui mừng giới thiệu về ngôi nhà mới xây từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Đề án 105. |
Trong ngôi nhà cấp 4 kiên cố của gia đình anh Phàn Chỉn Sáng, thôn Na Pô – một trong các thôn biên giới của xã Na Khê (Yên Minh) được xây dựng năm 2013 từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Đề án 105; anh Sáng vui mừng tâm sự: “Từ khi lập gia đình và ra ở riêng hơn 10 năm qua, 2 vợ chồng tôi chỉ có ngôi nhà trình tường được bố mẹ, anh em làm giúp. Điều kiện kinh tế khó khăn, vẫn là một hộ nghèo của thôn nên không thể xây dựng được một ngôi nhà kiên cố hơn. Năm 2013, gia đình tôi may mắn là 1 trong 4 hộ được Nhà nước hỗ trợ 50 triệu đồng để di chuyển về trung tâm thôn. Từ động lực đó, chúng tôi quyết định vay mượn thêm của anh em, hàng xóm và mạnh dạn xây dựng ngôi nhà cấp 4, với 3 gian kiên cố như thế này”. Đây chỉ là 1 chia sẻ đại diện cho hơn 4.000 hộ dân được được hỗ trợ kinh phí di rời nhà ở từ Đề án 105 của tỉnh trong 4 năm qua.
Đặc thù là tỉnh miền núi, địa hình bị chia cắt mạnh, cùng với phong tục tập quán của đồng bào dân tộc trong tỉnh thường định cư ở lưng chừng núi nên dân cư phân bố rải rác. Vì vậy, trình độ canh tác của người dân thấp, bà con chủ yếu sống theo kiểu tự cung tự cấp, khiến đời sống khó khăn, thiếu thốn, nghèo đói; điều kiện thụ hưởng các dịch vụ y tế, giáo dục rất hạn chế... Từ những yếu tố trên, việc sắp xếp, bố trí lại dân cư là rất cần thiết nhằm ổn định cuộc sống lâu dài của các hộ dân, giúp họ yên tâm sản xuất vươn lên thoát khỏi đói nghèo, nâng cao đời sống. Đây là một trong 15 chương trình trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã đề ra. Cụ thể hóa nhiệm vụ này, căn cứ vào Quyết định 120/2003/QĐ-TTg ngày 11.6.2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chiến lược phát triển KT – XH tuyến biên giới Việt – Trung đến năm 2020”; Quyết định 193/2006/QĐ-TTg và Quyết định 78/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các chương trình, chính sách hỗ trợ bố trí dân cư các vùng thiên tai, biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn...; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV cùng các Thông tư hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT... Năm 2011, UBND tỉnh đã xây dựng Đề án quy tụ dân cư sống rải rác ở các sườn núi cao, vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới về sống tập trung tại các thôn, bản gắn với xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 – 2015 (gọi tắt là Đề án 105) và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho thực hiện để quy tụ 4.119 hộ dân về sống xen ghép tại các thôn bản. Với mức hỗ trợ thời điểm ban đầu cho các hộ di chuyển là 10 triệu đồng/hộ ở nội địa, 30 triệu đồng/hộ vùng biên giới. Sau đó tăng lên 20 triệu đồng và 50 triệu đồng (Quyết định 1779/QĐ-TTg). Kinh phí thực hiện từ nguồn ngân sách Trung ương và lồng ghép từ các nguồn vốn khác của địa phương.
Chi Cục trưởng Chi cục hợp tác và PTNT, Nguyễn Chí Hướng cho biết: “Sau 4 năm thực hiện, với sự nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương, đến thời điểm này, Đề án đã hoàn thành trước 1 năm so với kế hoạch. Đã có 4.186 hộ trên địa bàn toàn tỉnh được di rời, quy tụ về nơi ở mới, vượt 67 hộ với kế hoạch Đề án. Cùng với đó, để tạo điều kiện cho các hộ và cộng đồng dân cư nơi các hộ dân quy tụ về có môi trường sinh sống tốt hơn, yên tâm phát triển kinh tế; 388 công trình đã được xây mới, sửa chữa, nâng cấp. Trong đó có: 109 công trình nhà lớp học; 61 công trình thủy lợi; 90 công trình đường giao thông; 113 công trình cấp nước; 15 trụ sở thôn... Tổng mức đầu tư thực hiện là trên 230 tỷ đồng, tổng định mức đầu tư bình quân cho mỗi hộ là 50 triệu đồng”.
Là huyện có tới 678 hộ được di rời theo Đề án 105, chiếm 16% tổng số hộ trong Đề án, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Minh, Hoàng Quang Hoàn đánh giá: Đề án 105 thực sự đã giúp các hộ dân yên tâm ổn định cuộc sống và mang lại niềm vui cộng đồng nơi họ về quy tụ với những công trình phúc lợi được đầu tư xây dựng, nâng cấp và bảo dưỡng tạo điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống. Bên cạnh đó, khi bà con yên tâm ổn định cuộc sống, cộng đồng dân cư đông đúc sẽ tạo điều kiện thuận phát huy sự đoàn kết, thi đua sản xuất, phát triển kinh tế và chung tay xây dựng làng bản sạch đẹp. Cùng với đó, sự đầu tư của nhà nước vào các công trình NTM sẽ dễ dàng thực hiện, không bị dàn trải, tốn kém. Từ đó, tiếp thêm động lực góp phần đẩy nhanh thực hiện Chương trình xây dựng NTM ở các địa phương. Đây cũng chính là mục đích của Đề án.
Trong buổi kiểm tra, làm việc của Đoàn công tác liên Bộ với tỉnh ta vào cuối tháng 12.2014, sự hiệu quả khi gắn quy tụ dân cư với chương trình xây dựng NTM càng được khẳng định thêm khi Đoàn công tác nhận định: Đề án 105 của Hà Giang đã cụ thể hóa những chủ trương, chính sách quan tâm của Đảng, Chính phủ đối với đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới, thiên tai để phù hợp với điều kiện của tỉnh nhà và đã đem lại những kết quả cao. Đề án đã cho thấy sự phù hợp, hiệu quả về tạo điều kiện phát triển KT – XH cho người dân. Đồng thời tạo điều kiện cho các thôn, xã có thêm điều kiện, kinh phí cho xây dựng NTM. Hơn nữa, Đề án thực hiện với số kinh phí không lớn, trung bình tổng kinh phí đầu tư cho 1 hộ chỉ khoảng 50 triệu đồng, trong khi để bố trí dân cư theo Dự án tập trung theo Quyết định 193/2006/QĐ-TTg (nay là Quyết định 1776/QĐ-TTg), Quyết định 570/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thì kinh phí đầu tư cho mỗi hộ khoảng trên, dưới 300 triệu đồng. Điều này giúp tạo điều kiện thuận lợi cho thực hiện Chương trình xây dựng NTM ở các địa phương và của tỉnh. Vì vậy, Hà Giang cần tiếp tục xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án trong giai đoạn tiếp theo.
DUY TUẤN
Ý kiến bạn đọc