Nhọc nhằn những nữ phụ hồ
BHG- Xưa nay, nghề phụ hồ được xếp vào loại công việc nặng nhọc, thường do đàn ông đảm nhiệm. Bởi, nó đòi hỏi sức khỏe và sự dẻo dai. Thế nhưng, vì mưu sinh, ngày càng nhiều phụ nữ chọn nghề này. Người làm công việc phụ hồ phải phơi mình ngoài nắng, mưa, chưa kể những bụi bặm từ cát, đá, xi măng mà chị em còn phải thường xuyên di chuyển.
Giữa cái nắng chang chang đầu mùa hạ, nơi công trình đang thi công, những người phụ nữ vẫn tất bật với công việc thường ngày của mình, từ việc xách nước, cắt sắt, xúc cát, khiêng đá, gạch, trộn vữa,... cho đến trèo lên giàn giáo để đổ sàn. Những công việc đòi hỏi phải có sức mạnh của cơ bắp, vậy mà ở đây lại có hình ảnh người phụ nữ đảm nhiệm. Đi dọc các tuyến đường trên địa bàn thành phố Hà Giang, ở mỗi công trình đều thấy bóng dáng của những người phụ nữ, đa phần phụ nữ chọn nghề phụ hồ là những người ở tuổi trung niên, vì ở tuổi của họ không xin được vào các doanh nghiệp. Nhiều chị cho biết, có được việc làm là mừng rồi, với lại lâu nay đã quen với công việc tay, chân, ngoài nắng gió nên không thích nghi được với những công việc của công nhân phải đứng ngồi yên một chỗ.
Chị Lê Thị Sen đội trên đầu từng thúng đá nặng gần 20kg đổ vào máy trộn bê - tông. |
Chị Lê Thị Sen, 43 tuổi, ở thôn Quang Húc, xã Tam Nông (Phú Thọ), đã có gần 8 năm trong nghề phụ hồ tại các công trình xây nhà ở tư nhân trên địa bàn thành phố Hà Giang, hễ công trình này làm xong, chị lại đi các công trình khác. Trước đây, gia đình chị làm nông nghiệp và buôn bán nhưng giá cả cứ bấp bênh, thường hay bị lỗ, nên chị theo chồng đi làm phụ hồ. Chị tâm sự: “Lúc đầu mới theo nghề, không quen nên mệt rã cả người. Nhưng phải cố gắng, chứ ở nhà lấy gì mà nuôi 2 đứa nhỏ ăn học. Được ở dưới đất khiêng vác còn đỡ, chứ sợ nhất là phải leo lên giàn giáo, có khi lên đến tầng 4, tầng 5 để đổ sàn, ai không quen bị chóng mặt là chuyện thường”.
Chị Lương Thị Huệ, dáng người nhỏ nhắn nhưng chị thoăn thoắt xúc cát, bê các bao xi măng đổ ra, rồi trộn hồ tại công trình xây dựng nhà ở trên địa bàn phường Nguyễn Trãi. Lau những giọt mồ hôi đẫm trán, chị vừa trò chuyện với chúng tôi vừa vội vã làm việc vì sợ không kịp đủ hồ cho thợ làm. Chị tâm sự: Nhà tôi ở xã Ngọc Đường, thành phố Hà Giang, không có nhiều đất để canh tác hay trồng trọt, chăn nuôi, cuộc sống gia đình luôn túng thiếu, không đủ ăn nên tôi chọn cái nghề làm phụ hồ này. Có những hôm phải làm từ 6 giờ sáng đến 8 giờ tối để cho xong một phần công trình, mệt lắm nhưng được trả tiền công cao hơn chị cũng thấy vơi bớt mệt nhọc. Thường mức lương của phụ hồ nữ dao động từ 150 - 200 nghìn đồng/ngày, tùy vào khả năng lao động của mỗi người. Nếu trừ chi phí, mỗi tháng cũng tiết kiệm được mấy triệu đồng. “Làm nghề phụ hồ tuy rất cực, nhưng vì bản thân không có công ăn việc làm nên đành phải chịu”. Mỗi người phụ nữ làm nghề phụ hồ đều có một hoàn cảnh khác nhau, nhưng tất cả họ đều có một điểm chung, đó là sự khó khăn trong cuộc sống, sức chịu đựng bền bỉ và sự nguy hiểm do tai nạn nghề nghiệp luôn rình rập. Thế nhưng cái khó hơn của những người phụ nữ làm phụ hồ là do sức không bằng nam giới, nhiều chủ công trình không muốn thuê thợ hồ là nữ. Các chị nhận số tiền thù lao chỉ khoảng 70% của các thợ xây chính. Đã vậy, các chị bận bịu hơn đàn ông, bởi phải thêm vai trò “anh nuôi”. Sáng, các chị phải dậy sớm đi chợ, nấu cơm, rửa bát. Tối đến, thu dọn, rửa đồ đạc mà thợ bỏ lại trong khi tiền lương không tăng. Thế nhưng, họ vẫn âm thầm làm việc không phàn nàn. Họ nén lại những cực nhọc thành tiếng thở dài và sự im lặng. Nhìn các chị với khuôn mặt sạm nắng, đôi bàn tay chai sần đang bị xi măng ăn rỗ, chúng tôi phần nào hiểu được những nỗi nhọc nhằn không thể nói thành lời của những nữ phụ hồ.
Vẫn biết phụ nữ làm nghề phụ hồ sẽ vất vả, nhọc nhằn gấp nhiều lần so với đấng “mày râu”, song vì mưu sinh nên họ vẫn chấp nhận lam lũ với nghề. Dù cuộc sống khó khăn nhưng những người như chị Sen, chị Huệ... vẫn cố gắng vượt qua bằng chính sức lao động của mình, điều đó rất đáng trân trọng.
VĂN QUÂN
Ý kiến bạn đọc