Để người có thu nhập thấp tiếp cận gói vay 30.000 tỷ đồng
BHG-Gói cho vay của Nhà nước 30.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi 5%/năm kéo dài trong 15 năm là một cơ hội đối với những người thu nhập thấp có điều kiện tiếp cận với nguồn vốn này để xây dựng, sửa chữa nhà ở, nhằm giải quyết những khó khăn, nhất là đối với những cán bộ, CCVC, LLVT và những người lao động ở thành phố, thị trấn các huyện lỵ. Song từ khi triển khai thực hiện gói vay này, các đối tượng trên địa bàn tỉnh ta vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn này.
Thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 7.1.2013 của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 11/2013/TT-NHNN ngày 15.5.2013 về cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội và Thông tư số 32/2014/TT-NHNN ngày 18.11.2014 về sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 11/2013/TT-NHNN ngày 15.5.2013 về cho vay hỗ trợ nhà ở. Theo Thông tư này, NHNN thực hiện giải ngân khoản vay tái cấp vốn khoảng 30.000 tỷ đồng cho một số ngân hàng được chỉ định để hỗ trợ lãi suất vay vốn đối với các đối tượng thuê, mua nhà ở xã hội. Tại tỉnh ta có 3 chi nhánh ngân hàng thực hiện giải ngân nguồn vốn này, đó là: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển, Ngân hàng Công thương, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh. Hiện các ngân hàng đã nhận được các văn bản chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Hà Giang; từng ngân hàng đã có hướng dẫn riêng dành cho hệ thống của mình dựa trên các quy định khung. Việc triển khai cũng đã được chuẩn bị để sẵn sàng phục vụ khách hàng, nhưng thực tế chưa có ngân hàng nào tiếp nhận được hồ sơ vay vốn của khách hàng, nhất là cán bộ CCVC, LLVT và người dân có thu nhập thấp ở thành phố Hà Giang và thị trấn các huyện, thành phố.
Tìm hiểu vấn đề trên chúng tôi được biết: Theo Thông tư số 32/2014/TT-NHNN ngày 18.11.2014, những đối tượng được vay vốn hỗ trợ phù hợp với các nội dung của Thông tư này trên địa bàn tỉnh ta gồm: Cán bộ CCVC, LLVT, người lao động tại đô thị đã có đất ở phù hợp với quy hoạch đang khó khăn về nhà ở nhưng chưa được Nhà nước hỗ trợ dưới mọi hình thức được vay để xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa lại nhà ở của mình, tối đa được vay 700 triệu đồng, tối thiểu 70% giá trị ngôi nhà. Đồng chí Nguyễn Xuân Thịnh, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết: Thực hiện chủ trương cho vay theo chương trình này, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn tổ chức triển khai cho vay đối với những đối tượng theo Thông tư của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Đặc biệt ngày 7.1.2015, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Hà Giang đã có Công văn số 21/HAG- TH chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn “báo cáo tình hình triển khai Thông tư số 32.2014” để các ngân hàng thương mại báo cáo tình hình triển khai tại đơn vị, kết quả triển khai thực hiện và những khó khăn vương mắc để Ngân hàng Nhà nước nắm bắt được báo cáo với cấp ủy, chính quyền địa phương.
Mặc dù Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Hà Giang đã có Công văn chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn triển khai thực hiện gói vay này, nhưng cho đến nay các ngân hàng vẫn chưa thực hiện giải ngân được. Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đều cho biết: Các ngân hàng đã nhận được Công văn của Ngân hàng Nhà nước về triển khai cho vay gói 30.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 02 của Chính phủ, hiện nay các ngân hàng đang triển khai tuyên truyền đến các đối tượng. Việc cho vay theo chủ trương này là một yếu tố rất quan trọng nhằm giúp người có thu nhập thấp có cơ hội xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở yên tâm lao động sản xuất và công tác. Mọi thủ tục cho vay đều nhanh gọn khi khách hàng có đủ hồ sơ, được các cấp có thẩm quyền xác định rõ ràng. Tuy nhiên, để cho vay đúng đối tượng, đúng mục đích sử dụng ngân hàng phải thẩm định cụ thể, rõ ràng, tránh việc cho vay sử dụng không đúng mục đích.
Qua tìm hiểu được biết, nhu cầu vay vốn ưu đãi của cán bộ CCVC và người dân có thu nhập thấp trên địa bàn tỉnh ta để xây dựng, sửa chữa nhà ở khá nhiều. Nhiều cán bộ CCVC, giáo viên, cán bộ trong LLVT ở dưới xuôi lên Hà Giang công tác chắt chiu đồng lương mua được mảnh đất, làm được ngôi nhà tạm để ở cũng đang rất mong chờ nguồn vốn ưu đãi này. Tuy nhiên để tiếp cận được nguồn vốn này ngoài việc hướng dẫn chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, tỉnh cũng cần chỉ đạo cụ thể để các ngân hàng thương mại trên địa bàn khẩn trương triển khai cho người dân và những cán bộ CCVC có thu nhập thấp được tiếp cận nguồn vốn này, giúp họ có nhà ở, yên tâm lao động, học tập và công tác...
Như vậy nguồn vốn hỗ trợ để xây dựng, sửa chữa nhà ở đã có, nhưng việc giải ngân ở tỉnh ta vẫn gặp khó khăn. Hy vọng với sự nỗ lực của các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh, người dân và những cán bộ CCVC có thu nhập thấp tỉnh ta có cơ hội tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi này một cách thuận lợi, nhanh chóng để ổn định về nhà ở.
Hiến Chương
Ý kiến bạn đọc