Chú trọng tạo việc làm cho lao động nữ sau đào tạo
BHG- “Dạy nghề, tạo việc làm và phát triển sản xuất” là mục đích hướng đến phía sau những lớp dạy nghề của Trung tâm dạy nghề Hội LHPN tỉnh, góp phần tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho phụ nữ nông thôn.
Phụ nữ thôn Nà Thác, xã Phương Độ (TP Hà Giang) nhận Giấy chứng nhận hoàn thành lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi. |
Toàn tỉnh hiện có 132.254 hội viên Hội LHPN; phần lớn trong số họ là người đồng bào dân tộc thiểu số, sinh sống ở vùng nông thôn, cuộc sống vô cùng khó khăn, cùng với những rào cản về phong tục, tập quán... khiến cho người phụ nữ chưa có cơ hội để làm chủ cuộc sống và quyền bình đẳng giới. Thực hiện chủ trương đào tạo nghề cho lao động nữ ở nông thôn, những năm qua, Trung tâm Dạy nghề, Hội LHPN tỉnh đã mở hàng trăm lớp dạy nghề lưu động tại các địa phương với sự tham gia học tập của hàng nghìn hội viên. Năm 2014, đã mở được 36 lớp dạy nghề cho phụ nữ với tổng số 1171 người tham gia. Các lớp dạy nghề với trình độ sơ cấp và trình độ dưới 3 tháng; phổ biến là các nghề: Nuôi và phòng trị bệnh cho gia súc, gia cầm, trồng lúa, ngô, đậu tương năng suất cao, trồng rừng và khai thác rừng trồng, trồng rau an toàn, dệt thổ cẩm truyền thống... Hội LHPN các huyện, thành phố trực tiếp xuống từng thôn, bản khảo sát, tuyển sinh, tổng hợp nhu cầu đăng ký học nghề phù hợp với điều kiện thực tế của từng gia đình, địa phương để xây dựng các chương trình học nghề đặc thù với mục đích sau khi đào tạo, phụ nữ có thể áp dụng kiến thức vào thực tế cuộc sống. Mặc dù các lớp học chủ yếu mở lưu động tại các xã, thôn nhưng chất lượng đào tạo nghề của phụ nữ được đánh giá cao, có trên 80% học viên đạt loại trung bình khá trở lên sau khi kết thúc lớp học.
Tuy nhiên, điều khiến xã hội quan tâm là tạo việc làm cho lao động nữ sau đào tạo nghề!? Trăn trở về vấn đề này, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề, Hội LHPN tỉnh Phùng Thị Kim Hoa chia sẻ: “Trước đây, Trung tâm mở lớp theo chỉ tiêu của tỉnh giao, nhưng mấy năm gần đây, ngoài đảm bảo chỉ tiêu, Trung tâm tập trung đầu tư thực hiện các mô hình sau khi kết thúc lớp dạy nghề, gọi là mô hình “3 trong 1”: Dạy nghề, tạo việc làm và phát triển sản xuất; chủ động lồng ghép với các chương trình, nhiệm vụ hành động của Hội để tạo việc làm tại chỗ cho phụ nữ như: Mô hình dệt thổ cẩm, phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm rau an toàn, chăn nuôi lợn, trồng lúa, ngô, đậu tương hàng hóa...”.
Tham quan mô hình “Phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm rau an toàn” sau đào tạo nghề của phụ nữ phường Ngọc Hà (TP Hà Giang), chị Lù Thị Mỉn, Chi hội trưởng Hội phụ nữ tổ 9, cho biết: “Từ khi tham gia học lớp dạy nghề trồng rau an toàn, phụ nữ biết áp dụng KHKT vào trồng và chăm sóc rau, tránh sâu bệnh phá hoại. Học xong được trung tâm cho thực hiện mô hình, chị em đều tích cực tham gia, thu nhập từ trồng rau của chị em phụ nữ nhờ vậy cũng đã tăng lên đáng kể so với kiểu trồng rau như trước đây”.
Bằng cách “Cầm tay chỉ việc”, các lớp học không dừng lại ở bài học lý thuyết mà chị em phụ nữ được chuyển giao KHKT để áp dụng vào thâm canh, trực tiếp tham gia mô hình để áp dụng vào phát triển kinh tế hộ gia đình mình. Bên cạnh đó, trung tâm còn tích cực phối hợp với các công ty, doanh nghiệp để tìm kiếm, giới thiệu việc làm tại chỗ cho lao động nữ ở địa phương. Trong năm 2014, sau khi đào tạo, Hội đã giới thiệu và giải quyết việc làm tại chỗ cho 750/1171 lao động, góp phần vào mục tiêu giải quyết việc làm của tỉnh.
Được đào tạo nghề, nhiều lao động nữ ở nông thôn đã chủ động áp dụng vào điều kiện thực tế của gia đình để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và ngày càng có vị trí quan trọng hơn trong gia đình và xã hội.
AN GIANG
Ý kiến bạn đọc