Cần có sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị và cộng đồng dân cư trong tuyên truyền về công tác DS – KHHGĐ ở Bắc Mê
BHG- 122/1.022 trẻ được sinh ra trong năm 2014 trên địa bàn huyện Bắc Mê là con thứ 3 trở lên, tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ dùng các biện pháp tránh thai chỉ đạt gần 69%, điều này cho thấy, công tác DS - KHHGĐ trên địa bàn huyện chưa có nhiều khởi sắc, vấn đề này đặt lên vai những người làm công tác truyền thông giáo dục về DS – KHHGĐ trách nhiệm nặng nề hơn.
Cán bộ Trung tâm DS – KHHGĐ huyện Bắc Mê thực hiện Chiến dịch truyền thông dân số tại xã Yên Cường. |
Bắc Mê hiện có gần 10 nghìn hộ dân với trên 53 nghìn nhân khẩu, là địa bàn sinh sống của đông đồng bào dân tộc thiểu số với nhiều khó khăn về điều kiện tự nhiên, KT – XH, hạn chế về nhận thức và những phong tục, tập quán lạc hậu, nên những năm qua, mặc dù được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương và ngành chức năng nhưng công tác DS - KHHGĐ trên địa bàn huyện Bắc Mê vẫn còn nhiều hạn chế, tình trạng vi phạp pháp luật về chính sách DS - KHHGĐ còn diễn ra nhiều nơi, đặc biệt có cả trường hợp là đảng viên, cán bộ thôn, bản vi phạm, nhiều xã có tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao như: Minh Sơn, Yên Cường, Phiêng Luông, Thượng Tân. Trong năm 2014, Bắc Mê có trên 1 nghìn trẻ được sinh ra thì số trẻ là con thứ 3 trở lên chiếm 12%, tăng 0,9 % so với năm 2013, có 31% phụ nữ từ 15 – 49 tuổi có chồng chưa áp dụng các biện pháp tránh thai.
Nguyên nhân được đưa ra là do các cấp, các ngành dù có quan tâm đến công tác DS – KHHGĐ nhưng dường như vẫn “đứng ngoài cuộc”, trang thiết bị phục vụ công tác truyền thông thiếu, cán bộ chuyên trách, cộng tác viên dân số cơ sở yếu về năng lực, nghiệp vụ chuyên môn, chưa tâm huyết với công việc do chế độ thù lao thấp, nhận thức của người dân vùng sâu, vùng xa vẫn còn nhiều hạn chế, còn tư tưởng “trời sinh voi, sinh cỏ”, sinh con trai nối dõi...; việc xử lý vi phạm chính sách dân số chưa nghiêm.
Trước thực trạng trên, thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia về DS – KHHGĐ, những năm qua, Trung tâm DS - KHHGĐ huyện Bắc Mê đã phối hợp với Trung tâm VHTT&DL, các ngành, đoàn thể của huyện, các xã, thị trấn trên địa bàn thực hiện nhiều chương trình truyền thông giáo dục về DS – KHHGĐ với nội dung và hình thức phong phú, đa dạng: Treo băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền thường xuyên tại các xã, thị trấn, điểm đông dân cư; tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; đưa dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ và tổ chức các hoạt động truyền thông tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có mức sinh cao và sinh con thứ 3 trở lên; tổ chức nói chuyện chuyên đề, chiếu phim lưu động, tư vấn trực tiếp, truyền thông tại các phiên chợ; phối hợp với các trường học đưa kiến thức dân số vào các trường cấp II, III; lồng ghép các nội dung tuyên truyền về DS - KHHGĐ trong các cuộc họp của thôn, hội, đoàn thể; thành lập các câu lạc bộ không sinh con thứ 3, phòng ngừa tảo hôn, kết hôn cận huyết thống...; tư vấn, vận động các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai; triển khai chiến dịch truyền thông tại các xã trọng điểm...
Chị Dương Thị Vân, cán bộ Trung tâm DS - KHHGĐ huyện Bắc Mê chia sẻ: “Với mục tiêu cùng chung tay nhằm duy trì vững chắc xu thế giảm sinh, từng bước nâng cao chất lượng dân số, giảm ỷ lệ tăng dân số tự nhiên, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên... nên những năm qua, công tác truyền thông giáo dục DS – KHHGĐ luôn được Trung tâm DS – KHHGĐ huyện quan tâm, thực hiện, thường xuyên đổi mới và đa dạng các hình thức truyền thông, tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên hiệu quả truyền thông chưa được như mong muốn. Để chính sách DS - KHHGĐ thực sự thấm vào ý thức người dân, cần có sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị và cộng đồng dân cư.
Bài, ảnh: AN GIANG
Ý kiến bạn đọc