Hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch hành động năm vệ sinh ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp
HGO-Chiều 6.2, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch hành động năm vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) trong lĩnh vực nông nghiệp với 63 tỉnh, thành phố. Đồng chí Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp dự và chỉ đạo Hội nghị. Dự tại điểm cầu Hà Giang có lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT và các đơn vị liên quan.
Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh. |
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT nêu rõ, trong thời gian qua, công tác đảm bảo ATTP đã được các cấp quan tâm và có những chuyển biến tích cực. Nhiều cơ chế chính sách, pháp luật ATTP đã được ban hành đầy đủ. Bộ và các địa phương đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến về ATTP; tổ chức triển khai giám sát, kiểm tra, thanh tra xử lý vi phạm các sự cố ATTP. Kết quả kiểm tra trên diện rộng cho thấy, tỷ lệ mẫu giám sát các sản phẩm chủ lực vi phạm ATTP giảm. Tuy nhiên, tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản xếp loại C còn cao (chiếm 26,8%); tỷ lệ mẫu nông sản, thủy sản giám sát không đạt ATTP còn ở mức cao so với các nước phát triển; tỷ lệ mẫu rau, thịt, thủy sản có tồn dư vượt giới hạn cho phép lần lượt là 5,43%, 6,8%, 1,21%... Về phía tỉnh ta, trong năm 2014, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức nhiều lần kiểm tra, giám sát, lấy các mẫu phẩm sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Giang để kiểm tra dư lượng thuốc trừ sâu trong rau và hàm lượng urê trong thịt, cá. Trong hơn 1 nghìn cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư, sản phẩm nông nghiệp còn hơn 180 cơ sở xếp loại C.
Trước thực trạng trên, năm 2015, Bộ Nông nghiệp và PTNT xác định là năm vệ sinh ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp với mục tiêu tạo chuyển biến rõ nét về đảm bảo ATTP nông - lâm - thủy sản. Theo đó, các đơn vị thuộc Bộ và địa phương thành lập Ban chỉ đạo để rà soát điều chỉnh phân công, phân cấp thanh, kiểm tra, giám sát chuyên ngành vệ sinh ATTP ở tất cả các cơ sở sản xuất kinh doanh, sơ chế, bảo quản thực phẩm nông nghiệp với các nội dung chính bao gồm: Việc thực hiện các quy định pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thực phẩm do cơ quan quản lý nhà nước ban hành và tổ chức, cá nhân sản xuất công bố áp dụng đối với sản phẩm thực phẩm; quảng cáo, ghi nhãn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý… Thời gian triển khai kế hoạch hành động vệ bắt đầu từ tháng 2 đến hết tháng 11 năm 2015.
Để thống nhất chủ trương, mục tiêu hành động và thực hiện có hiệu quả chương trình này, kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị: Trên cơ sở kế hoạch hành động của Bộ, các địa phương cần xây dựng kế hoạch để triển khai bài bản, hiệu quả chương trình này; đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giám sát các nhóm sản phẩm, gắn tổ chức lại sản xuất, lưu ý tổ chức theo hướng hình thành các chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn, tạo niềm tin, sự an tâm cho người tiêu dùng; gia tăng tần suất giám sát và theo phương pháp mới; Cục Quản lý chất lượng phối hợp với các địa phương thống nhất phương pháp quản lý, giám sát và lên kế hoạch hành động sát với thực tế các địa phương…; tập trung trọng tâm giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên rau, củ, quả và kháng sinh, vi sinh trong thực phẩm thịt tươi sống…
DUY TUẤN
Ý kiến bạn đọc