Chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27.2.1955 - 2015)
Ngành Y tế Hà Giang, 60 năm một chặng đường
BHG- 60 năm qua, cùng với sự trưởng thành của nền Y học nước nhà, ngành Y tế Hà Giang đã không ngừng phát triển và đạt được những thành tựu hết sức cơ bản trên tất cả các lĩnh vực.
Trong công tác lãnh, chỉ đạo, ngành Y tế luôn làm tốt vai trò tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về công tác Y tế; quản lý và chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ đối với công tác Y tế trên địa bàn tỉnh theo phân cấp; luôn đổi mới phương thức lãnh đạo, cải tiến lề lối làm việc là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên; trong đo, tập trung đổi mới công tác tham mưu, quy trình xây dựng nghị quyết, nội dung cụ thể, sát với tình hình địa phương; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành; tăng cường công tác lãnh, chỉ đạo toàn diện và hiệu quả đối với tuyến Y tế sơ sở. Hệ thống Y tế ở địa phương từ tỉnh đến huyện, xã ngày càng được củng cố và hoàn thiện; định hướng tập trung đầu tư và phát triển các bệnh viện, trung tâm chuyên sâu theo quy hoạch phát triển của ngành và phù hợp với địa phương. Tranh thủ các nguồn lực, tập trung đẩy mạnh công tác đào tạo, đào tạo lại cho cán bộ y tế các tuyến theo chuyên ngành nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (KCB). Đến nay, nhân lực ngành Y tế có 4.181 công chức, viên chức và người lao động, trong đó, có 644 bác sĩ, 63 dược sĩ Đại học; số bác sĩ, dược sĩ có trình độ sau Đại học là 235 người (trong đó Tiến sĩ y khoa: 01, Bác sĩ CKII: 22, Thạc sĩ: 10; Bác sĩ CKI: 195; Thạc sĩ dược: 02, Chuyên khoa I dược: 05); trung bình có 8,13 bác sĩ/10.000 dân; 0,78 dược sĩ đại học/10.000 dân; cơ sở KCB đạt 3,5 điều dưỡng/1 bác sĩ; bình quân có 5 cán bộ/1 Trạm y tế xã; 100% Trạm y tế xã, Phòng khám Đa khoa khu vực có nữ hộ sinh Trung học hoặc Y sỹ sản nhi; 1.998/2.067 thôn bản đạt 96,6%; 80/195 Trạm y tế xã và Phòng khám Đa khoa khu vực có bác sĩ thường trực (đạt 41%). Mạng lưới Y tế dự phòng được quan tâm củng cố, chủ động tăng cường công tác giám sát, khống chế và dập dịch kịp thời, không để dịch xảy ra, kịp thời ứng phó với các vấn đề sức khỏe liên quan đến thiên tai. Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông tại cộng đồng; triển khai có hiệu quả các mục tiêu Chương trình Y tế Quốc gia, quản lý điều trị tốt các bệnh xã hội, phòng, chống sự lây nhiễm HIV/AIDS tại cộng đồng; triển khai thực hiện Bộ Tiêu chí Quốc gia về Y tế xã giai đoạn 2011 – 2020. Mạng lưới KCB các tuyến y tế (cả công lập và ngoài công lập) được mở rộng và củng cố. Số giường bệnh viện công lập (giường bệnh viện và giường Phòng khám đa khoa khu vực) đạt 28,2 giường/10.000 dân. Thông qua nguồn ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ, vốn ODA, các cơ sở KCB được củng cố về cơ sở hạ tầng, đào tạo cán bộ, đầu tư trang thiết bị để cung cấp dịch vụ KCB ngày càng đa dạng và có chất lượng; đẩy mạnh ứng dụng triển khai thực hiện được nhiều kỹ thuật mới trong công tác KCB cho bệnh nhân, như: Nội soi bằng Laser, Sinh thiết bệnh phẩm dưới hướng dẫn của CT-Scaner, Nội soi tiêu hóa có gây mê, mổ Phaco, Cấy chỉ...; phát triển các kỹ thuật cận lâm sàng, vi sinh; triển khai mổ Nội soi tại bệnh viện tuyến huyện; đưa một số dịch vụ X-quang, Siêu âm, xét nghiệm xuống Phòng khám Đa khoa khu vực... Chỉ đạo Y tế tuyến huyện thực hiện tốt Đề án 1816 tăng cường luân phiên bác sĩ về công tác tại các Trạm y tế xã; triển khai có hiệu quả đề án Bệnh viện vệ tinh đối với Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Y Dược cổ truyền, Bệnh viện Lao và bệnh phổi. Bên cạnh đó tập trung chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện tốt chế độ chính sách KCB cho trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo, đối tượng gia đình chính sách, đồng bào dân tộc. Công tác bảo vệ sức khoẻ bà mẹ, trẻ em và kế hoạch hoá gia đình đã có nhiều chuyển biến tích cực thông qua việc triển khai các chương trình chăm sóc sản khoa thiết yếu, làm mẹ an toàn. Một số chỉ tiêu về tỷ lệ tăng dân số tự nhiên, tỷ lệ sinh con thứ 3 có chiều hướng giảm, tỷ số giới tính nằm trong giới hạn cho phép. Đáp ứng tốt nhu cầu thuốc thiết yếu của nhân dân; đảm bảo đủ thuốc phòng, chống dịch và thuốc chữa bệnh; không có thuốc giả, kém chất lượng trong quá trình lưu thông, phân phối và sử dụng; làm tốt công tác thẩm định các cơ sở, cá nhân cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề Y dược tư nhân trên địa bàn. Hướng dẫn thực hiện nguyên tắc tiêu chuẩn “Thực hành tốt nhà thuốc” tại các cơ sở bán lẻ; tăng cường công tác quản lý, giám sát chất lượng thuốc trên địa bàn đặc biệt tại các chợ phiên. Trang thiết bị y tế đã được đầu tư và nâng cấp đáng kể, nhiều cơ sở y tế có các trang thiết bị hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị cho người bệnh. Chỉ đạo các đơn vị y tế tuyến tỉnh, huyện phối hợp thực hiện tốt chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 6 huyện nghèo của tỉnh theo Nghị quyết 30a của Chính phủ; thực hiện nghiêm túc Quyết định của Tỉnh uỷ về việc phân công Uỷ viên Ban chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và các ngành phụ trách huyện, xã đặc biệt khó khăn...
Có thể nói, để đạt được những thành tích trên, toàn ngành Y tế đã phải vượt qua nhiều khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, cũng như đời sống; yêu ngành yêu nghề, hết lòng vì người bệnh, cứu sống người bệnh, đem lại niềm vui và hạnh phúc cho các gia đình. Những thành tích của cán bộ, nhân viên ngành Y tế Hà Giang đạt được trong những năm qua đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận và tặng thưởng những phần thưởng cao quý: 07 tập thể được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động; 02 tập thể được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công; 03 tập thể được Chính phủ tặng Cờ thi đua; 06 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động; 06 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; 03 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Danh hiệu Chiến sĩ thi đua Toàn quốc; 01 cá nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân; 47 cá nhân được phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú; hàng năm có nhiều tập thể, cá nhân được Bộ Y tế, UBND tỉnh tặng Cờ thi đua và Bằng khen...
Thầy thuốc Ưu tú, Bác sỹ Chuyên khoa II: Lương Viết Thuần
(Giám đốc Sở Y tế)
Ý kiến bạn đọc