Những khó khăn của đồng bào Mông thôn Hòa Sơn

07:30, 06/11/2008

HGĐT- Nằm trên sườn đồi, cách trung tâm xã thuận hoà (Vị Xuyên) khoảng 9 km, người Mông ở đội 4, thôn Hòa Sơn, mới chỉ có từ cuối năm 2002 theo chương trình “hạ sơn” định canh, định cư, ổn định cuộc sống. Thời gian về nơi ở mới đã gần 6 năm, song cuộc sống của bà con dân tộc Mông nơi đây vẫn còn không ít những khó khăn...


 

 Đường lên thôn Hòa Sơn, xã Thuận Hòa (Vị Xuyên).


Đường đến đội 4, thôn Hoà Sơn, chỉ 9km nhưng rất khó đi bởi sau những trận mưa to liên tiếp hồi cuối tháng 8 và đầu tháng 9 làm cho con đườngvào thôn vốn đã khó đi nay lại càng thêm khó. Mặt đường bị các loại xe chở quặng đi lại nhiều và phá hỏng, thậm chí nhiều đoạn chẳng khác gì “ruộng thụt” và giờ mặt đường được rải lên một lớp đá cuội chẳng khác gì dòng suối cạn với lô nhô toàn đá là đá các cỡ to nhỏ... Phải mất gần 1 tiếng đồng hồ “đánh vật” cùng con đường trên chiếc xe máy, cuối cùng đội 4, thôn Hoà Sơn cũng hiện ra trước mắt tôi với những nếp nhà cùng kiểu dáng, lợp Phi brô xi-măng nằm sát bên những ruộng lúa bậc thang sắp vào mùa thu hoạch. Trưởng thôn Hòa Sơn Dương Thanh Đức cho biết: Trước kia, đây làvùng đất trống, đồi trọc. Từ cuối năm 2002, khi đồng bào Mông thôn Lũng Cồ B, xã Đông Hà (Quản Bạ) về định cư, người dân đã phải bỏ không biết baocông sức khai phá mới thành ruộng lúa như hôm nay, song mỗi năm cũng chỉ gieo trồng được một vụ lúa vì nước sản suất chủ yếu trông chờ vào trời mưa. Cùng trưởng thôn đi thăm các gia đình, tôi ngạc nhiên khi thấy cuộc sống định cư của bà con nơi đây được gần 6 năm rồi mà vẫn còn nhiều khó khăn đến thế. Hầu hết những ngôi nhà của bà con khi về đây được Nhà nước làm cho giờ đã xuống cấp, có nhà phên vách bị hỏng được thay vào đó là những tàu lá cọ; có nhà, ngồi trong nhà mà nhìn thấy cả trời xanh...còn đồ dùng phục vụ sinh hoạt gia đình của các hộ hầu như chẳng có gì đáng giá ngoài những chiếc phản nằm... Chỉ tay lên gác nhà, ông Thào Seo Vàng nói: Lúa chưa được gặt mà ngô trên gác nhà đã gần hết. Anh Thào Mí Lừ, Đội trưởng đội 4 hạ sơn, cho biết: Đội có 22 hộ với 107 khẩu, hầu hết các hộ đều rất nghèo; trong 22 hộcó tới 17 hộ hàng năm thiếu ăn từ 1 đến 3 tháng. Hiện 15 hộ trong đội có người đi làm thuê kiếm sống, người có sức khoẻ thì đi xuống trung tâm huyện Vị Xuyên đập đá, còn người yếu đến các thôn trong xã làm thuê, mùa gặt thì sang xã Tùng Bá gặt lúa thuê. Đi làm thuê, mỗi ngày cũng kiếm được từ 20 - 30 nghìn đồng, đủ để mua gạo và rau cho gia đình trong 1 ngày...

 

 Ông Thào Seo Vàng, 63 tuổi và ngôi nhà của mình.


Tìm hiểu về sự nghèo đói ở đây, anh Thào Mí Lử cho biết, có 3 nguyên nhân chính là: Thiếu nước sinh hoạt, nước sản xuất; đẻ nhiều con và sợ vay vốn. Khi về đây, bà con đội 4 được dự án hạ sơn đầu tư xây dựng một hệ thống nước sinh hoạt, bao gồm bể lọc, bể trữ nước đầu nguồn và 15 bể đựng nước cho 22 hộ dân. Song do nguồn nước nhỏ, hàng năm người dân vẫn bị thiếu nước sinh hoạt từ 3 - 5 tháng. Mùa mưa năm trước đã làm hỏng toàn bộ hệ thống ống dẫn nước từ đầu nguồn về khu dân cư, còn mùa mưa năm nay, bể trữ nước đầu nguồn bị lún và nứt hỏng không thể khắc phục được, hiện bà con phải dùng máng nứa để dẫn nước về và cứ 2 ngày một lần, các hộ phải thay nhau đi sửa máng nước. Còn về sản xuất, khi mới về định cư, bà con chủ yếu trồng ngô, song do đất cằn, năng suất đạt thấp nên bà con chuyển sang làm ruộng bậc thang để trồng lúa nước, nhưng nước sản suất lại trông chờ vào trời mưa, nhiều đêm 2 - 3 giờ sáng, khi trời có mưa, bà con phải dậy ra đồng làm đất... Mặc dù rất vất vả song năm đủ nước thì được mùa, còn năm thiếu nước lại mất mùa nên thiếu ăn và phải đi làm thuê là điều dễ hiểu. Đẻ nhiều con cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến nghèo đói và không ở một nơi nào lại có tỷ lệ sinh con cao như ở đây. Chuyện đẻ nhiều ở đây được coi là bình thường vì nhà nào cũng đông con, trong 22 hộ thì chỉ có 5 hộ sinh 2 con, còn lại đều có từ 3 - 6 con; như hộ Vù Mí Toả có 5 con, hộ Tráng Trừ Chính có 6 con và ngay cả hộ Đội trưởng đội 4 hạ sơn mới bước sang tuổi 30 cũng đã có 3 con... Chị Sùng Thị Xuân, phụ trách công tác phụ nữ đội 4, cho biết: Mặc dù xã, thôn cũng như đội thường xuyên tuyên truyền, vận động các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ của đội thực hiện các biện pháp tránh thai và chỉ nên sinh 2 con, song hầu hết chị em đều không biết chữ và không biết cả tiếng phổ thông nên việc tuyên truyền cũng như triển khai các biện pháp không đạt được kết quả. Và một nguyên nhân nữa là, đi làm thuê chứ không chịu vay vốn để phát triển kinh tế. Đội trưởng Thào Mí Lừ khẳng định, các hộ đều thiếu vốn sản xuất, Nhà nước cho vay với lãi suất ưu đãi nhưng các hộ đều từ chối không vay với lý do sợ không trả được... nếu các hộ mạnh dạn vay vốn đầu tư chăn nuôi hoặc chuyển đổi cây trồng thì chắc chắn đời sống của các hộ sẽ không nghèo như hôm nay. Có thể nhận thấy, những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến đói nghèo của người dân nơi đây là do thiếu kiến thức trong làm ăn, trình độ canh tác còn lạc hậu, trình độ dân trí thấp cộng với cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư (ngoài điện lưới vừa mới được kéo về trung tuần tháng 9.2008). Một điều đáng nói ở đây là sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền xã Thuận Hòa trong thực hiện XĐGN cũng tồn tại những mặt hạn chế như chưa quan tâm đúng mức đến đời sống của người dân hạ sơn, các tổ chức đoàn thể từ xã đến cơ sở chưa thực sự vào cuộc cùng người dân... Bản thân các hộ hạ sơn cũng chưa thực sự cố gắng, chưa chịu khó tìm tòi hướng đi cho mình trong phát triển kinh tế, còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước...


Qua bài viết này, mong muốn những hạn chế nêu trên sẽ được các cấp, các ngành và địa phương sớm có những biện pháp khắc phục nhằm đưa công tác XĐGN, ổn định đời sống dân cư ở đội 4 hạ sơn nói riêng, các thôn bản vùng sâu xa của xã Thuận Hoà nói chung sớm đạt được những kết quả tốt.


Phan Hùng

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Mèo vạc với mục tiêu giảm nghèo bền vững
HGĐT- Mèo Vạc là một trong 6 huyện vùng cao của tỉnh thuộc diện đặc biệt khó khăn, toàn huyện có 17 xã, 1 thị trấn, trong đó có 15 xã thuộc Chương trình 135 giai đoạn II.
29/10/2008
Gắn biển chào mừng Đại hội Công đoàn Việt Nam
HGĐT- Ngày 28.10, tại công trường xây dựng cầu Ngán Chiên (Xín Mần), LĐLĐ tỉnh phối hợp với Công đoàn ngành GT-VT tổ chức gắn biển công trình chào mừng Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ X và phát động thi đua trong toàn thể cán bộ, kỹ sư, công nhân thi công cầu.
29/10/2008
Nhiều hộ dân tộc thiểu số ở Đồng Văn đã vươn lên thoát nghèo
HGĐT- XĐGN ở vùng đồng bào dân tộc vùng cao, trong đó có huyện Đồng Văn, hiện nay không chỉ là chính sách xã hội được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm mà còn là một nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển KT - VH - XH.
27/10/2008
Qua kiểm tra đột xuất các cửa hàng xăng - dầu trên địa bàn huyện Bắc Quang: Mua xăng A95 nhưng chất lượng chỉ bằng A92
HGĐT- Vừa qua, đoàn kiểm tra liên ngành do Chi cục Đo lường kiểm tra chất lượng, chi cục Quản lý thị trường Hà Giang và Phòng PC 15, Công an tỉnh, đã tiến hành kiểm tra đột xuất một số cửa hàng bán xăng dầu trên địa bàn huyện Bắc Quang.
27/10/2008