Mèo vạc với mục tiêu giảm nghèo bền vững
HGĐT- Mèo Vạc là một trong 6 huyện vùng cao của tỉnh thuộc diện đặc biệt khó khăn, toàn huyện có 17 xã, 1 thị trấn, trong đó có 15 xã thuộc Chương trình 135 giai đoạn II.
Thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, diện tích núi đá chiếm phần lớn, thiếu nước, thiếu đất canh tác, trình độ dân trí thấp… dẫn đến đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, nền kinh tế phát triển chậm, thu nhập bình quân đầu người năm 2007 chỉ đạt 3,62 triệu đồng, tỷ lệ đói nghèo còn cao, chiếm gần 52%, tính đến cuối năm 2007. Trước thực trạng đó, BCH Đảng bộ huyện đã và đang tích cực xây dựng một chương trình giảm nghèo bền vững từ nay đến năm 2010.
Phải khẳng định: Trong những năm qua, mặc dù hầu hết các công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện đã được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư, song vẫn còn thiếu và yếu, đặc biệt do điều kiện tự nhiên, tình trạng thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô vẫn thường xảy ra, các công trình trường học, trạm y tế, thủy lợi thường xuống cấp nhanh vì điều kiện thời tiết và không có ngân sách duy tu bảo dưỡng thường xuyên. Đối với nhà ở, hầu hết các hộ khó khăn đều đã được hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng, nhưng do điều kiện ngân sách, việc xoá nhà tạm, dột nát mới chỉ bằng nhà tạm là chính, nên đa số hiện nay, các hộ vẫn đang phải sống trong nhà tạm, rất cần Nhà nước tiếp tục có chính sách và giải pháp hỗ trợ cho đồng bào thoát khỏi cảnh nhà tạm hiện nay theo tiêu chí về nhà ở.
Kể từ năm 2006 trở lại đây, tỉnh ta đã ban hành Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2006-2010 với 12 chính sách, dự án, tập trung vào 3 nhóm: Nhóm chính sách và dự án tạo điều kiện phát triển sản xuất cho hộ nghèo; nhóm chính sách và dự án tạo điều kiện cho các hộ nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội; nhóm chính sách và hoạt động nâng cao nhận thức, năng lực giảm nghèo, ngoài ra còn mở rộng thêm nhóm đối tượng mới thoát nghèo được tiếp tục ưu tiên thực hiện chính sách hỗ trợ trong vòng 2 năm sau khi thoát nghèo. Và từ đó đến nay, các chính sách, dự án đã đem lại hiệu quả rõ rệt,đối với các huyện vùng cao của tỉnh nói chung và huyện Mèo Vạc nói riêng, nhờ đó mà tỷ lệ hộ nghèo của Mèo Vạc giảm từ trên 66,% năm 2006 xuống còn 51,92% cuối năm 2007. Cùng với các chương trình mục tiêu giảm nghèo, các hợp phần của Chương trình 135 giai đoạn II như: Vốn xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nâng cao năng lực và hỗ trợ sản xuất, đều được tổ chức triển khai đạt tiến độ; Chương trình 134; Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường; Chương trình giải quyết việc làm… đều được quan tâm đầu tư và tổ chức triển khai thực hiện, đã có tác động thiết thực đến công tác giảm nghèo.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giảm nghèo của huyện vẫn đang còn nhiều khó khăn, thách thức bởi kết quả giảm nghèo chưa có tính bền vững, tỷ lệ hộ cận nghèo còn lớn, số hộ tái nghèo hàng năm có nguy cơ còn cao nếu không có các giải pháp kịp thời.
Trước thực trạng trên, đồng chí Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc Nguyễn Văn Tuệ, cho biết: Thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững của tỉnh từ nay đến năm 2010, huyện Mèo Vạc vẫn lấy nông nghiệp làm trọng tâm, vừa đảm bảo an ninh lương thực cũng vừa là chương trình tăng thu nhập cho người dân. Từ nhận thức đó, trong những năm gần đây, huyện đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa chăn nuôi trở thành nguồn thu nhập chính cho đồng bào các dân tộc, trong đó chú ý đến kinh tế hộ. Để đưa chăn nuôi thành nguồn thu nhập chính, huyện đã xây dựng các cơ chế đồng bộ, giúp cho người dân XĐGN, trong đó xác định chỉ có chăn nuôi là yếu tố quyết định. Từ quyết tâm đó, đến nay qua đánh giá giữa nhiệm kỳ của BCH Đảng bộ huyện lần thứ 16 cho thấy, chỉ tiêu phát triển đã đạt trên 50 % từ chăn nuôi. Đặc biệt, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã tạo cho người dân có nghề và có cuộc sống khá hơn. Đây có thể coi là một cuộc cách mạng trong chuyển đổi nhận thức cho người dân vùng cao, làm cơ sở để giảm nghèo bền vững cho huyện từ nay đến năm 2010. Thế mạnh của huyện là có diện tích cỏ và đàn bò lớn nhất tỉnh (gần 3 nghìn ha cỏ và đàn bò trên 23.500 con). Từ năm 2006 đến nay, để phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương trong phát triển kinh tế, huyện đã ban hành Nghị quyết Chuyên đề về phát triển đàn trâu, bò giai đoạn 2006-2010, nhằm tập trung phát triển đàn gia súc trở thành hàng hóa, trở thành nguồn thu nhập chính trong phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện. Tính đến nay, trên địa bàn huyện Mèo Vạc đã có khoảng 900 hộ gia đình có từ 10 con bò, bình quân mỗi năm toàn huyện xuất bán ra ngoài địa bàn từ 3.000 đến 3.500 con trâu, bò, cho thu nhập từ 30 đến 32 tỷ đồng. Đây là một yếu tố mang tính quyết định của huyện để giảm nghèo có tính bền vững cao.
Song song với trồng cỏ nuôi bò hàng hóa, tăng năng suất cây trồng lên 2 vụ để đảm bảo an ninh lương thực, huyện còn đẩy mạnh cơ chế chính sách, mở rộng thu hút đầu tư. Hiện tại trên địa bàn huyện đã có 3 thủy điện: Nho quế 1,2,3 đang triển khai và 2 nhà máy tuyển quặng Angtimon và các Chương trình của Chính phủ như: Hồ treo, Chương trình kéo điện cho các hộ gia đình, đặc biệt là chương trình hỗ trợ gạo cho hộ gia đình khoanh nuôi bảo vệ rừng, đã giúp cho bà con nhân dân các huyện vùng cao nói chung và huyện Mèo Vạc nói riêng có một hướng đi đúng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế: Giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp dịch vụ, đảm bảo giảm nghèo bền vững cho bà con nơi vùng cao núi đá…
Trong thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể cần phải tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện theo từng mục tiêu của Nghị quyết, đảm bảo phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo đã đề ra. Đặc biệt, cần tiến hành đánh giá lại toàn bộ các chương trình, dự án đã và đang triển khai thực hiện, lồng ghép các hoạt động phát triển KT-XH; huy động mọi nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững; rà soát lại quy trình triển khai thực hiện các chương trình, dự án có liên quan đến giảm nghèo, cải cách thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh quá trình tổ chức thực hiện và thu hút các nguồn lực; thực hiện trích 1% tổng chi ngân sách hàng năm để bố trí thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp hộ nghèo; tập trung xử lý dứt điểm các khoản vay của các hộ nghèo bị thiệt hại do thiên tai, để tiếp tục cho vay bổ sung, đảm bảo 100% hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo có sức lao động, có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất đều được vay vốn tín dụng ưu đãi; triển khai thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt… cho các hộ nghèo; lồng ghép và huy động tối đa các nguồn vốn, tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng và đưa vào sử dụng các công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân, nhất là ở vùng nông thôn; thực hiện tốt chính sách bảo hiểm y tế cho người nghèo, người dân tộc thiểu số và nhân dân thuộc xã 135 trên địa bàn huyện; đẩy mạnh và thực hiện đồng bộ các giải pháp tuyên truyền, vận động, giáo dục thuyết phục về ý thức dân tộc, ý trí tự lực, tự cường để vươn lên thoát nghèo.
Ý kiến bạn đọc