Xây dựng và phát triển đội ngũ công nhân lao động
HGĐT- Hiện nay, toàn tỉnh có 604 doanh nghiệp, đơn vị đăng ký sản xuất kinh doanh, thu hút gần 10.000 công nhân lao động. Trong đó có 596 doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Chính sự gia tăng nhanh chóng các doanh nghiệp ngoài Nhà nước làm cho CNLĐ thuộc khu vực này chiếm tỷ lệ ngày càng cao trong tổng số công nhân.
Như vậy, CNLĐ đã có sự phát triển nhanh về số lượng, có sự chuyển dịch từ doanh nghiệp nhà nước sang doanh nghiệp ngoài nhà nước và cơ cấu CNLĐ biến đổi theo hướng giảm tỷ lệ CNLĐ ở các doanh nghiệpnhà nước.
Cùng với sự phát triển KT-XH theo hướng CNH - HĐH, chất lượng đội ngũ CNLĐ được nâng lên đáng kể. Về tuổi đời, nhóm CNLĐ từ 18 đến 30 chiếm trên 40%. Tuổi nghề thấp, nhóm có tuổi nghề dưới 5 năm chiếm tỷ lệ cao: Trên 43%. Đây là lực lượng lao động đang ở giai đoạn sung sức nhất về mặt trí tuệ, sức khỏe, lòng hăng say, nhiệt tình trong lao động sản xuất, có khả năng tiếp cận nhanh với khoa học kỹ thuật tiên tiến. Tỷ lệ CNLĐ có trình độ học vấn PTTH chiếm tỷ lệ ngày càng cao, cơ bản đã xóa được mù chữ trong CNLĐ. Về chuyên môn, nghiệp vụ, công nhân có trình độ cao đẳng trở lên chiếm trên 15%, trung cấp chiếm gần 20%, sơ cấp chiếm trên 10%, chưa qua đào tạo gần 25%. Công nhân bậc thợ từ 1 đến 3 chiếm 65%, bậc 4-5 chiếm 30%, bậc 6-7 chiếm 5%. Tuy trình độ của CNLĐ Hà Giang được nâng lên, nhưng so với yêu cầu của sự nghiệp CNH - HĐH thì vẫn còn thấp, làm ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng tiếp thu và ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật hiện đại, ảnh hưởng đến việc giác ngộ chính trị, giác ngộ giai cấp của CNLĐ.
Tình trạng thiếu việc làm của cả nước nói chung và của Hà Giang nói riêng đang là vấn đề bức xúc, tuy những năm qua, tỉnh đã quan tâm đến việc thu hút, kêu gọi đầu tư nhằm giải quyết việc làm cho người lao động. Hiện nay, có 1,1% công nhân lao động không có việc làm ổn định, địa bàn tỉnh còn 1,53% số người trong độ tuổi lao động chưa có việc làm.
Tiền lương, thu nhập, đời sống của CNLĐ được cải thiện đáng kể. Tiền lương bình quân của CNLĐ trong các doanh nghiệp nhà nước do Trung ương quản lý 2,5 triệu đồng/người/tháng, trong các doanh nghiệp nhà nước do địa phương quản lý 1,2 triệu đ/người/tháng; doanh nghiệp kinh tế ngoài nhà nước khoảng gần 1triệu đ/người/tháng.Nhìn chung, đời sống CNLĐ tương đối ổn định và từng bước được cải thiện, chủ yếu CNLĐ đã có xe gắn máy, ti vi, điện thoại riêng, có nhà kiên cố. Tuy nhiên trong thời gian gần đây, giá cả thị trường ngày càng tăng cao, thu nhập người lao động không đảm bảo để trang trải các khoản chi cho bản thân, con cái học hành, và nhiều khoản đóng góp xã hội, nên đời sống CNLĐ vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Về thực hiện các chế độ, chính sách, hiện tỷ lệ CNLĐ tại các doanh nghiệp được ký kết hợp đồng lao động còn thấp. Các doanh nghiệp ngoài nhà nước chủ yếu là ký hợp đồng ngắn hạn, hợp đồng thời vụ, làm cho người lao động chưa thực sự yên tâm công tác. Hầu hết các doanh nghiệp nhà nước và công ty cổ phần đều ký kết được thỏa ước lao động tập thể và thực hiện nghiêm túc. Riêng khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước có 44/596 doanh nghiệp xây dựng và ký kết thỏa ước lao động tập thể, nhưng nhìn chung còn mang tính đối phó với cơ quan quản lý nhà nước. Tỷ lệ CNLĐ trong các doanh nghiệp được tham gia BHXH, BHYT còn thấp.Về điều kiện làm việc đã được cải thiện, song do trình độ công nghệ của các doanh nghiệp ngoài nhà nước lạc hậu, nên tình trạng ô nhiễm môi trường làm việc như nóng, bụi, tiếng ồn, độ rung.. vẫn diễn ra phổ biến, làm ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động. Mặt khác, cácdoanh nghiệp ngoài nhà nước chưa quan tâm đến vấn đề tập huấnan toàn lao động, trang bị bảo hộ lao động theo đúng quy định của pháp luật, chưa tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho CNLĐ.
Bên cạnh đội ngũ CNLĐ có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, vẫn còn một bộ phận CNLĐ do nhận thức chính trị, giác ngộ giai cấp hạn chế; tệ quan liêu, tham nhũng và các tệ nạn xã hội khác có chiều hướng gia tăng trong một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức, có quyền nên phần nào cũng làm giảm lòng tin của CNLĐ.
Xuất phát từ thực trạng trên, nhằm khắc phục những hạn chế trong CNLĐ, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Tăng cường biện pháp tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, lập trường giai cấp, bản lĩnh chính trị, tác phong công nghiệp, đạo đức lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật của CNLĐ.
Nâng cao trình độ học vấn, nghiệp vụ, tay nghề của CNVC-LĐ. Chú trọng việc xây dựng và triển khai thực hiện các chính sách tạo động lực, đảm bảo vừa khuyến khích CNLĐ học tập nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, tay nghề vừa thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao. Tập trung nghiên cứu, hoàn thiện chính sách đào tạo và đào tạo lại CNLĐ. Phải tuyên truyền làm cho chính người công nhân thấy được nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề là điều kiện quan trọng để cải thiện cuộc sống của chính họ, thấy được giá trị của trình độ chuyên môn, tay nghề đối với vấn đề bảo đảm việc làm trong nền kinh tế thị trường. Trên cơ sở đó, mọi cơ quan, đoàn thể, chính quyền các cấp phải có trách nhiệmtrong việc tạo điều kiện cho CNLĐ được học tập nâng cao trình độ.
Đẩy mạnh CNH, HĐH, tạo môi trường và điều kiện phát huy vai trò đội ngũ CNLĐ, nhằm nâng cao năng suất lao động, cải thiện đời sống nhân dân. Đồng thờiCNH, HĐH còn là điều kiện quan trọng để đội ngũ CNLĐ phát triển nhanh về số lượng, nâng cao trình độ học vấn, nghề nghiệp, ý thức chính trị, tác phong công nghiệp, khắc phục thói quen, tâm lý tuỳ tiện, cẩu thả....
Từng bước tiến tới đổi mới toàn diện hệ thống chính sách tạo động lực về vật chất, tinh thần cho CNLĐ. Cần có sự quan tâm đến việc giải quyết thoả đáng các lợi ích, đặc biệt là lợi ích về kinh tế cho CNLĐ nhằm phát huy được tinh thần trách nhiệm, tính năng động, sáng tạo của CNLĐ.
Đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự phối hợp giữa chính quyền với các tổ chức đoàn thể. Chú trọng công tác bồi dưỡng phát triển Đảng trong đội ngũ CNLĐ. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ bổ sung, kế cận; chú ý tuyển chọn bồi dưỡng cán bộ xuất thân từ công nhân, tăng tỷ lệ công nhân trong bộ máy lãnh đạo các cấp của Đảng, chính quyền, đoàn thể. Tìm hiểu và lắng nghe ý kiến của CNLĐ trong việc đánh giá, nhận xét đối với đảng viên. Tiếp tục cải cách hành chính, tăng cường tiếp xúc với CNLĐ, giải quyết kịp thời những đơn, thư khiếu nại, tố cáo và những kiến nghị bức xúc của CNLĐ. Tăng cường sự phối hợp giữa chính quyền với các tổ chức chính trị - xã hội để vận động CNLĐ đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện tốt các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Tập trung củng cố, xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh, các cấp Công đoàn phải thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đa dạng hoá các hình thức tập hợp đoàn viên để ngày càng thu hút, động viên được đông đảo CNLĐ trong tất cả các thành phần kinh tế gia nhập tổ chức Công đoàn. Hoạt động Công đoàn phải hướng mạnh về cơ sở, phải lấy công tác chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của CNVC-LĐ làm mục tiêu hoạt động.
Ý kiến bạn đọc