Đưa điện lưới Quốc gia đến các xã vùng sâu, vùng xa

16:40, 22/09/2008

HGĐT- Có điện về, người dân ở các xã, thôn bản vui mừng phấn khởi, đời sống văn hoá tinh thần, vật chất được nâng lên. Nhưng để có được điều đó trước hết là có sự cố gắng nỗ lực rất lớn của cán bộ, công nhân ngành Điện lực tỉnh.


 
 Những kỹ thuật viên Chi nhánh Điện lực Vị Xuyên tiến hành kiểm tra các thông số kỹ thuật điện, đảm bảo an toàn, vận hành mạng lưới điện đến các thôn bản.

Hiện tại, ngành Điện lực tỉnh có tổng số 742 cán bộ, nhân viên, thực hiện việc vận hành, quản lý 1.868km đường dây trung áp, 1.699,3km đường dây hạ áp, 652 máy biến áp, với tổng dung lượng 76.534 KVA. Một trong những khó khăn nhất của ngành Điện gặp phải khi triển khai thực hiện đưa điện lưới đến các xã, thôn bản vùng sâu, vùng xa đó là địa hình phức tạp, bị chia cắt bởi các dãy núi cao, nhiều đèo dốc, nhất là đối với các công trình điện được triển khai xây dựng ở những thôn vùng sâu, vùng xa, vùng giáp biên thì khó khăn gấp bội, không chỉ khó khăn trong vận chuyển vật tư, nguyên vật liệu thi công các công trình mà giá chi phí xây dựng những công trình điện ở những nơi đó thường rất cao, thời gian thi công kéo dài. Ngoài ra, do tình trạng đồng bào sống dải rác không tập trung nên việc kéo điện đến được các thôn bản, hộ dân cư thường phải kéo dài đường dây dẫn đến tình trạng điện áp không đảm bảo, điện yếu, mức đầu tư của bà con nhân dân cao…


Vượt qua những khó khăn đó, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, với sự phân cấp mạnh, Nhà nước đầu tư xây dựng đường dây trung áp, lắp đặt các trạm biến áp; chính quyền sở tại đầu tư hòm công tơ, công tơ đo điện, dây dẫn từ đường trục vào nhà do các hộ dùng điện tự đầu tư. Chính việc triển khai áp dụng phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình, dự án kéo điện đến thôn, bản được đánh giá có tính hiệu quả cao, được đông đảo nhân dân hưởng ứng và thực hiện tốt. Đã có những mô hình bà con nhân dân các thôn, bản tự góp của, góp công đầu tư đưa điện về thôn, bản mình dưới sự hỗ trợ về kỹ thuật của công nhân các Chi nhánh điện, điển hình như thôn Sảng Pả, xã Đường Thượng; thôn Phiêng Kiền, xã Ngọc Long (Yên Minh), đây là những thôn vùng sâu, vùng xa của huyện đã biết phát huy tinh thần đoàn kết, tập hợp sức mạnh của các gia đình trong thôn tự nguyện đóng góp 3 triệu đồng/hộ, cùng cây cột và ngày công lao động để kéo điện về nhà. Đến nay, toàn bộ số hộ ở các thôn trên đã được sử dụng điện lưới Quốc gia, các cháu được học hành thuận tiện, đời sống tinh thần và vật chất của đồng bào được cải thiện đáng kể.


Theo số liệu tổng hợp của Điện lực Hà Giang, tính tới thời điểm hiện nay, toàn tỉnh đã có 85.454 hộ, chiếm gần 70% tổng số hộ trong tỉnh được sử dụng điện lưới Quốc gia; 195/195 xã, phường, thị trấn có điện. Đây được xem như một thành công lớn đối với ngành Điện tỉnh nhà, được T.Ư đánh giá là một trong những tỉnh dẫn đầu trong cả nước về công tác điện khí hoá nông thôn, là tỉnh biên giới đầu tiên đạt chỉ tiêu 100% số xã có điện. Tuy nhiên, để đáp ứng cho sự phát triển KT-XH, nhu cầu sử dụng điện ngày một tăng của người dân trong những năm tới, Điện lực tỉnh đang tích cực cùng với T.Ư kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các công trình thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn; tiến hành điều tra, lập các dự án cấp điện cho các thôn, bản vùng sâu, vùng xa chưa có điện. Trong năm 2008, tiến hành khởi công, xây dựng 46 hạng mục đưa điện về thôn bản, trong đó có các công trình đưa điện về thôn Há Chúa Là, xã Tả Lủng (Đồng Văn); Xín Chải, xã Đường Thượng (Yên Minh); Phìn Lò, xã Sơn Vĩ (Mèo Vạc); Mác Thượng (Quang Bình)…


Phát huy những kết qủa đã đạt được trong những năm qua, đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành Điện lực nói riêng và nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh nói chung đang ra sức đẩy nhanh việc đưa điện về thôn, bản, cùng nhau chung sức chung lòng, thực hiện thành công mục tiêu sớm đưa điện tới 100% thôn, bản vùng sâu, vùng xa trên địa bàn toàn tỉnh.


Hoàng Ngọc

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Huyện Vị Xuyên: Lũ quét làm 2 người chết và 5 người mất tích
(HGĐT)- Vào khoảng 3h sáng ngày 28.8, do mưa lớn kéo dài, tại đội 1 và 2 thôn Chất Tiền của xã Cao Bồ (Vị Xuyên) đã xảy ra lũ quét làm 2 người chết và 5 người mất tích.
29/08/2008
Những giọt nước mắt sau lũ ở thôn Chất Tiền
HGĐT- Sáng 28.8, trời mưa như trút nước, Tổng biên tập Báo Lê Trọng Lập liên tục chạy xuống phòng Phóng viên để hỏi, đồng thời đôn đốc phòng kịp thời theo dõi tình hình mưa lũ ở các địa phương trong tỉnh. Chừng 8h35, tôi được điều động lên xã Cao Bồ, huyện Xị Xuyên để nắm tình hình thiệt hại do lũ quét.
29/08/2008
Các báo cáo của UBND tỉnh Hà Giang gửi Chính phủ
LTS: Để bạn đọc hiểu đúng các vấn đề liên quan giữa Công ty TNHH Sông Lô và UBND tỉnh Hà Giang, tòa soạn xin công bố các báo cáo của UBND tỉnh Hà Giang gửi Chính phủ giải trình về các nội dung theo yêu cầu của Văn phòng Chính phủ.
28/08/2008
Bình yên Thanh Thủy
HGĐT- Mỗi lần đến với Đồn Biên phòng Cửa khẩu Thanh Thuỷ, là lại thấy có sự đổi mới. Nhà làm việc, nhà ở, khu tăng gia chăn nuôi, được xây dựng khang trang; Hệ thống bảng biểu, pa nô, vườn hoa, cây cảnh, được bố trí hợp lý, thể hiện rõ một đơn vị chính quy, xanh - sạch - đẹp.
22/09/2008