Cần làm rõ trách nhiệm trong vụ mua máy xúc để…“đắp chiếu”

17:06, 19/09/2008

HGĐT- Gần 2 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước giao Sở GT-VT làm chủ đầu tư mua 6 máy xúc, cấp cho 6 huyện để phục vụ công tác khắc phục hậu quả thiên tai đang có nguy cơ biến thành... sắt vụn. Từ ngày nhận máy về, dù các huyện đã nhiều lần bị sạt, lở đất nhưng những chiếc máy xúc chỉ “xung trận” 1-2 lần rồi nằm ỳ dưới trời mưa, nắng. Trong khi đó, các huyện phải bỏ hàng trăm triệu đồng thuê máy của tư nhân. Vì sao có nghịch lý như vậy?


 
 Chiếc máy xúc thuộc dự án khắc phụ hậu quả bão lũ của tỉnh cấp cho huyện Vị Xuyên được bỏ hoang ngoài trời cùng cây cỏ và mưa nắng.

Niềm vui ngắn chẳng tày gang

Gần 4 tháng được giao quản lý máy xúc, ông Nông Văn Sướng, Trưởng phòng Công thương Vị Xuyên như ngồi trên đống lửa. Chiếc máy xúc trị giá hơn 316 triệu đồng, không sử dụng được do không phù hợp với điều kiện thực tế. Tâm trạng này khác hẳn khi ông nhận thông tin huyện sẽ được cấp 1 máy xúc mới 100% để khắc phục hậu quả thiên tai. Đưa chúng tôi xuống khu sân sau trụ sở làm việc, nơi chiếc máy xúc nằm im bất động, ông Sướng nói: Khi biết chủ trương của tỉnh cấp cho huyện máy xúc mọi người rất vui. Vị Xuyên là địa bàn thường xảy ra sạt lở đất, đá với khối lượng hàng chục nghìn m3 mỗi năm. Do không chủ động được máy nên công tác khắc phục hậu quả gặp rất nhiều khó khăn. Nếu được trang bị máy xúc, huyện sẽ chủ động khắc phục, thông tuyến nhanh, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.


Ngày 21.4 vừa qua, niềm mong mỏi đã thành hiện thực khi đại diện Sở GT-VT, Công ty Cổ phần Thương mại tổng hợp (đơn vị trúng thầu mua lô máy) bàn giao cho huyện chiếc máy xúc bánh lốp, nhãn hiệu Lotong WJJ-04 do Trung Quốc sản xuất năm 2007. Nhưng khi xem máy, ký biên bản nghiệm thu và bàn giao, ông Nông Văn Sướng rất lo. Chiếc máy này quá nhỏ, gầm thấp, có thể không phát huy được hiệu quả. Cảm nhận này hoàn toàn có cơ sở khi mưa lũ xảy ra, phòng đưa chiếc máy đến hiện trường lại phải mang về, nó không thể hoạt động được ở địa hình phức tạp.


Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ riêng Vị Xuyên, 5 chiếc máy xúc còn lại cấp cho 5 huyện là Hoàng Su Phì, Xín Mần, Bắc Mê, Mèo Vạc và Yên Minh cũng nằm trong tình trạng như vậy. Lô máy xúc được Công ty Cổ phần Thương mại tổng hợp mua về đều có giá trên 316 triệu đồng/chiếc. Tổng giá trị của gói thầu 6 máy xúc trên 1,899 tỷ đồng. Những chiếc máy xúc này có dung tích gàu 0,3m3, kiểu gàu nghịch, bán kính đào lớn nhất 5.800mm, chiều cao đổ vật liệu lớn nhất 3.500mm, trọng lượng máy 4,5 tấn, góc quay 1800. Ngoài kích cỡ nhỏ, nó còn rất bất tiện ở chỗ mỗi khi thay đổi chiều xúc tiến hoặc lùi, quay phải, trái người điều khiển phải dừng máy, đứng dậy nới lỏng chốt ghế ngồi, quay ghế theo hướng của máy sau đó mới tiếp tục vận hành. Bất cập như vậy nên những chiếc máy xúc nhập về chỉ vận hành…thử trên sân bê-tông, đường nhựa rồi lại nằm im.


Từ đầu mùa mưa đến nay, các huyện Bắc Mê, Hoàng Su Phì, Xín Mần, Vị Xuyên…bị ảnh hưởng nặng của thiên tai. Hàng trăm nghìn m3 đất, đá từ trên núi sạt xuống vùi lấp nhiều tuyến đường. Trong khi các huyện phải huy động máy của nhiều doanh nghiệp tham gia khắc phục hậu quả, chi phí bị đội lên hàng trăm triệu đồng thì những chiếc máy xúc được tỉnh cấp cứ nằm im, bất động như không có chuyện gì xảy ra. Theo thống kê sơ bộ của Phòng Công thương Vị Xuyên, đợt mưa lũ xảy ra hồi tháng 8 vừa qua đã làm sạt lở khoảng 20 nghìn m3 đất, đá. Đến ngày 10.9, trên địa bàn huyện vẫn còn 3 tuyến đường chưa khắc phục xong gồm: Xín Chải - Lao Chải, Đạo Đức - Cao Bồ, Ngọc Linh - Bạch Ngọc - Ngọc Minh. Để khắc phục hậu quả, huyện phải chạy đôn, chạy đáo thuê máy, còn chiếc máy được cấp lại ung dung “nằm chơi” dưới trời mưa, nắng và ghỉ sét bắt đầu tấn công phá huỷ máy. Trao đổi với chúng tôi, ông Nông Văn Sướng cho biết: Chiếc máy xúc này được cải tạo từ máy cày, phía Trung Quốc chỉ sử dụng trong việc đào rãnh, làm trang trại chứ không dùng khắc phục hậu quả thiên tai.


Trong đợt cung ứng máy xúc cho 6 huyện, có 5 huyện đề nghị trả lại chủ đầu tư. Còn phòng Công thương Vị Xuyên khẳng định nếu vẫn giao huyện quản lý, huyện sẽ chuyển cho đội môi trường sử dụng để đào rãnh, cuốc hố trồng cây thì hợp lý hơn. Hiện tại, hàng tháng Phòng Công thương Vị Xuyên phải thuê người vận hành không tải bởi để lâu không hoạt động, máy sẽ bị đông cứng. Xót của, một số huyện trích kinh phí mua bạt che phủ, còn 1 số huyện cứ bỏ máy ngoài trời “làm bạn” với mưa, nắng.


Ai là người được lợi?

Tỉnh ta nằm trong vùng trọng điểm sạt, lở đất. Đặc biệt các huyện Xín Mần, Hoàng Su Phì, Vị Xuyên, Bắc Mê…thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai. Mỗi khi mùa mưa lũ về, nó kéo theo hàng trăm nghìn m3 đất, đá từ trên núi sạt xuống. Mùa mưa, lũ năm nay cũng vậy, nhiều vụ sạt, lở đất xảy ra gây ách tắc giao thông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đi lại của nhân dân. Để khắc phục hậu quả, ngoài phương tiện, con người được huy động từ các Hạt giao thông, nếu huyện có phương tiện tại chỗ sẽ chủ động hơn. Trước diễn biến phức tạp của mưa, lũ các huyện đều có nguyện vọng, mong muốn được tỉnh trang bị phương tiện, máy móc, đặc biệt là máy xúc nhằm khắc phục khẩn cấp ở những nơi xảy ra sạt, lở. Căn cứ vào tình hình thực tế, Thường trực Tỉnh uỷ giao UBND tỉnh cân đối ngân sách mua 6 máy xúc cho các huyện Mèo Vạc, Yên Minh, Vị Xuyên, Bắc Mê, Hoàng Su Phì, Xín Mần. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh giao Sở GT-VT làm chủ đầu tư triển khai ngay việc mua máy xúc cho các huyện trong tháng 8.2007 theo hình thức chào hàng cạnh tranh. Tổng giá trị lô hàng không quá 2 tỷ đồng. Khi nhận được chủ trương, Sở GT-VT giao BQL vốn sự nghiệp làm chủ đầu tư lô hàng trên.


Triển khai mua lô hàng, BQL vốn sự nghiệp đã tiến hành theo trình tựtừ xây dựng kế hoạch đấu thầu mua sắm tài sản, thành lập tổ chuyên gia đánh giá báo giá gói thầu, phê duyệt hồ sơ yêu cầu chào hàng gói thầu, thông báo mời thầu… Có 4 nhà thầu nhận hồ sơ yêu cầu chào hàng và Công ty Cổ phần Thương mại tổng hợp trúng thầu mua lô hàng 6 máy xúc sau khi bỏ thầu với giá trên 1,899 tỷ đồng. Mặc dù yêu cầu của tỉnh mua, giao ngay trong tháng 8.2007 nhưng phải đến cuối năm mới hoàn thiện thủ tục và tháng 4.2008 máy xúc mới được đưa về các huyện. Những huyện nằm trong diện được ưu tiên cấp máy luôn thấp thỏm, chờ đợi nhưng khi máy đưa về lại nằm ngoài tưởng tượng.


Vì sao những chiếc máy mới mua về không phát huy hiệu quả, lại bị “đắp chiếu”? Trong buổi làm việc với chúng tôi, ông Bùi Văn Thích, Trưởng BQL vốn sự nghiệp cho biết: Khi được Sở GT-VT giao làm chủ đầu tư, chúng tôi rất lo. Từ trước đến nay, Ban chỉ có chức năng đầu tư sửa chữa nhỏ các công trình giao thông, không có chút kiến thức, kinh nghiệm gì về máy xúc nên chúng tôi xác định phải làm chặt chẽ. Trong công văn của tỉnh gửi Sở GT-VT đã chỉ rõ các thông số liên quan đến máy xúc như máy sản xuất năm 2007 tại Trung Quốc, loại bánh lốp, gàu xúc từ 0,3-0,7m3. Với số tiền tỉnh giao không quá 2 tỷ đồng mua cả lô hàng 6 máy thì được như vậy là tốt lắm rồi! Khi lô hàng nhập về, Công ty Cổ phần Thương mại tổng hợp và chủ đầu tư đưa ngay xuống huyện sau đó mới làm các thủ tục giao, nhận hàng. Qua tìm hiểu chúng tôi nhận thấy: Dù biết những chiếc máy đó không phát huy hiệu quả ở địa hình phức tạp nhưng các huyện vẫn ký nhận vì không muốn làm khó chủ đầu tư!


Qua vụ việc mua 6 máy xúc về…“đắp chiếu”, dư luận đặt câu hỏi liệu có khuất tất trong việc mua lô hàng trên nên mới có tình trạng máy mua về không phù hợp với điều kiện thực tế, không phát huy tác dụng? Những nghi vấn này chỉ người trong cuộc mới biết rõ. Thông tin chúng tôi mới nhận được, hiện các cơ quan chức năng bắt đầu tiếp cận hồ sơ vụ việc. Hy vọng những khuất tất sẽ nhanh chóng được đưa ra ánh sáng. Vấn đề quan trọng hiện nay là phải có định hướng sử dụng hợp lý, tránh để tình trạng máy xúc bị phơi mưa, nắng, đang có nguy cơ biến thành…sắt vụn.


T.Thanh - P.Hùng

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Những giọt nước mắt sau lũ ở thôn Chất Tiền
HGĐT- Sáng 28.8, trời mưa như trút nước, Tổng biên tập Báo Lê Trọng Lập liên tục chạy xuống phòng Phóng viên để hỏi, đồng thời đôn đốc phòng kịp thời theo dõi tình hình mưa lũ ở các địa phương trong tỉnh. Chừng 8h35, tôi được điều động lên xã Cao Bồ, huyện Xị Xuyên để nắm tình hình thiệt hại do lũ quét.
29/08/2008
Huyện Vị Xuyên: Lũ quét làm 2 người chết và 5 người mất tích
(HGĐT)- Vào khoảng 3h sáng ngày 28.8, do mưa lớn kéo dài, tại đội 1 và 2 thôn Chất Tiền của xã Cao Bồ (Vị Xuyên) đã xảy ra lũ quét làm 2 người chết và 5 người mất tích.
29/08/2008
Các báo cáo của UBND tỉnh Hà Giang gửi Chính phủ
LTS: Để bạn đọc hiểu đúng các vấn đề liên quan giữa Công ty TNHH Sông Lô và UBND tỉnh Hà Giang, tòa soạn xin công bố các báo cáo của UBND tỉnh Hà Giang gửi Chính phủ giải trình về các nội dung theo yêu cầu của Văn phòng Chính phủ.
28/08/2008
Thấy gì qua loạt bài có nhiều thông tin không chính xác về: Hà Giang & Công ty TNHH Sông Lô đăng trên Báo Người cao tuổi ?
(HGĐT)- Sau khi Báo Người cao tuổi (T.Ư Hội Người cao tuổi Việt Nam) liên tục cho đăng các loạt bài về UBND tỉnh Hà Giang và Công ty TNHH Sông Lô trong thời gian qua với nhiều thông tin không chính xác, dư luận ở Hà Giang đã tỏ ý bất bình, nghi ngờ về cách làm “khó hiểu” của Báo này.
28/08/2008
Bán máy lạnh giá rẻ Cung cấp Máy nén điều hòa chất lượngPhân phối máy lạnh tủ đứng Lê Phạm