Cần chấp hành nghiêm các quy định vận tải hành khách
HGĐT- Ngày 23.7, Báo Hà Giang nhận được “Lời cảm ơn” của ông Nguyễn Vi Lượng, đại diện nhân dân, lái xe phường Minh Khai, thị xã Hà Giang về ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh tại Công văn số 2037/UBND-NVKT ngày 11.7.2008: Cho phép xe chở khách của bến xe phía Bắc được trả khách tại bến xe phía Nam và xe chở khách của bến xe phía Nam được trả khách tại bến xe phía Bắc...
Tuy nhiên, trong “Lời cảm ơn” cũng bày tỏ một số “bức xúc”, đề nghị sớm được giải quyết đó là: Phòng Quản lý vận tải (QLVT), phương tiện và người lái xe thuộc Sở Giao thông - Vận tải (GT-VT) Hà Giang, chuyên môn, nghiệp vụ vừa yếu, vừa kém, sách nhiễu, gây phiền hà, khó khăn cho các đơn vị, doanh nghiệp vận tải trong việc cấp giấy phép “con”, nhất là quy định xuất bến đón trả khách tại hai bến xe khách Hà Giang...
Căn cứ vào “Lời cảm ơn” trên, đồng thời trên cơ sở Công văn số 2037/UBND-NVKT ngày 11.7, của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Trường Tô, cho phép hoạt động các tuyến xe khách và bến xe khách. Báo Hà Giang chúng tôi đã đi tìm hiểu thực tế các hoạt động của hai bến xe khách Bắc, Nam, đồng thời làm việc với lãnh đạo Sở GT-VT Hà Giang. Ông Cù Duy Man, Phó Giám đốc Sở GT-VT cho biết: Phòng QLVT - phương tiện và người lái thuộc Sở GT-VT có biên chế 4 người đều là kỹ sư (trong đó có 2 kỹ sư chuyên ngành kinh tế vận tải, 1 kỹ sư quản trị kinh doanh, 1 kỹ sư cầu đường bộ). Trong những năm qua, phòng QLVT đã tham mưu cho Ban Giám đốc sở hoàn thành tốt các lĩnh vực do phòng đảm trách. Trong 6 tháng đầu năm 2008, phòng đã khắc phục và chấn chỉnh nhiều khâu quản lý trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về vận tải, đặc biệt là lĩnh vực QLVT khách trên địa bàn, từng bước đưa ngành vận tải khách, bến, bãi vào hoạt động có nề nếp, đúng quy định; nghiêm túc trong việc tham mưu xử lý các phương tiện vi phạm khi tham gia kinh doanh vận tải hành khách. Ngoài ra, phòng còn hoàn thành tốt các nhiệm vụ như: Quản lý đào tạo, sát hạch, cấp, đổi giấy phép lái xe, cấp giấy phép vận tải quá cảnh Việt Nam - Trung Quốc, cấp đăng ký, biển số phương tiện thi công, xe máy chuyên dùng. Ban Giám đốc Sở GT-VT đánh giá: Phòng QLVT - phương tiện và người lái là phòng có đủ trình độ chuyên môn, năng lực và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ của phòng đảm nhận theo đúng thẩm quyền và đúng quy chế, đúng luật.
Về vấn đề thứ hai, trong “Lời cảm ơn” của ông Nguyễn Vi Lượng, phản ánh đồng chí Trưởng phòng QLVT - phương tiện và người lái “sách nhiễu, quan liêu, tham nhũng và thiếu trung thực...”, vấn đề này, ông Cù Duy Man khẳng định: Đồng chí Trưởng phòng QLVT - phương tiện và người lái đương nhiệm hiện nay là một đồng chí có đủ trình độ, năng lực lãnh, chỉ đạo chuyên môn, nghiệp vụ trong lĩnh vực vận tải. Trong hơn 2 năm qua, từ khi được bổ nhiệm là trưởng phòng, đồng chí này đã hoàn thành tốt trọng trách được giao. Ngoài trách nhiệm là trưởng phòng, đồng chí còn là Thường trực Đảng ủy của Đảng bộ Sở GT-VT. Trong công tác, đồng chí là một người luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, cả chuyên môn và công tác Đảng.
Về vấn đề thứ ba... “Về việc quy định đưa bến xe phía Bắc vào hoạt động... gây khó khăn cho nhân dân... vấn đề này không phải phòng QLVT - phương tiện và người lái của sở tham mưu, hoặc cá nhân đồng chí Trưởng phòng QLVT - phương tiện và người lái quy định, mà đây là một chủ trương lớn của tỉnh trong quy hoạch chiến lược phát triển đô thị, thị xã Hà Giang.
Sau khi nghiên cứu kỹ nội dung ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Công văn 2037/UBND - NVKT, ngày 21.7, Sở GT-VT Hà Giang đã chủ trì buổi họp tư vấn để triển khai tổ chức thực hiện theo nội dung công văn. Tại buổi họp tư vấn, các ngành, các đơn vị liên quan đã phân tích và đưa ra phương án để tổ chức thực hiện từng nội dung cho phù hợp với điều kiện của Hà Giang. Nội dung buổi họp tư vấn đã thống nhất cao về các giải pháp thực hiện và có báo cáo gửi Thường trực UBND tỉnh.
Trên cơ sở nội dung của buổi họp tư vấn trên, thực hiện công văn của UBND tỉnh, ngày 1.9, Sở GT-VT có Công văn số 836/GTVT-VT về việc “Thực hiện các quy định QLVT hành khách”. Công văn nêu rõ: Kể từ ngày 1.9.2008, cho phép xe chở khách của bến xe phía Bắc được trả khách tại bến xe phía Nam và ngược lại. Hành trình cho xe khách của hai bến đi qua trong nội thị để thực hiện việc trả khách giữa hai bến xe được quy định: Bến xe phía Nam - qua Ngọc Đường - qua sân vận động C10 - qua chợ thị xã - qua đường Nguyễn Thái Học - qua cầu Yên Biên 2 - bến xe phía Nam và ngược lại; cho phép các phương tiện tham gia vận tải bằng ô-tô theo tuyến cố định đi ngoại tỉnh được xuất bến tại bến xe phía Nam đến trước 21 giờ hàng ngày; các doanh nghiệp vận tải có nhu cầu đăng ký tham gia khai thác vận tải khách bằng ô-tô theo tuyến cố định xuất bến tại bến xe khách phía Nam từ 17 giờ đến trước 21 giờ hàng ngày, làm hồ sơ thủ tục đăng ký gửi về Sở GT-VT theo đúng quy định QLVT và pháp lệnh hiện hành. Trong công văn này Sở GT-VT yêu cầu: Các doanh nghiệp vận tải, nghiêm túc chấp hành việc cho xe chở khách của hai bến đi qua trong khu vực nội thị để thực hiện trả khách theo đúng quy trình nêu trên. Không cho phép các phương tiện đón khách trong khu vực nội thị. Tất cả các xe tham gia vận tải hành khách bằng ô-tô theo tuyến cố định thực hiện đón, trả khách tại bến xe khách Hà Giang. Đặc biệt, là các phương tiện vận tải hành khách xuất bến từ 17 giờ đến trước 21 giờ hàng ngày phải nghiêm túc chấp hành các quy định tại Quyết định số: 16/2007/QĐ-BGTVT ngày 26.3.2007 của Bộ trưởng Bộ GT-VT quy định vận tải khách bằng ô-tô theo tuyến cố định, hợp đồng và vận tải khách du lịch bằng ô-tô đảm bảo thực hiện đúng hành trình, lịch trình trên tuyến đã đăng ký, đưa xe vào đón, trả khách tại các bến xe khách và các trạm dừng, đỗ dọc đường đã công bố. Bố trí số lượng lái xe phù hợp với cự ly vận chuyển, lái xe và nhân viên phục vụ tren xe phải có hồ sơ rõ ràng theo quy định, có hợp đồng lao động với doanh nghiệp, có thẻ đỏ đeo do doanh nghiệp cấp. Nhân viên phục vụ trên xe phải được Hiệp hội vận tải ô-tô tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ và phải được cấp giấy chứng nhận tập huấn. Đảm bảo đủ vé bán cho hành khách cũng như đảm bảo trật tự an toàn cho hành khách, bảo quản hành lý, hàng hóa cho khách đi xe; bảo đảm các xe chở khách đủ tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, có giấy chứng nhận và tem kiểm định an toàn kỹ thuật - bảo vệ môi trường, có giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực và tuân thủ quy định bảo dưỡng kỹ thuật, sửa chữa ô-tô hiện hành...
Như vậy, cho đến thời điểm này hoạt động của các xe ô-tô vận tải hành khách đã từng bước đi vào nề nếp. Tuy nhiên, để tránh tình trạng hoạt động lộn xộn, chúng tôi đề nghị Sở GT-VT Hà Giang cần thường xuyên kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động của từng xe, trên từng bến xe, tuyến xe, phối hợp với các ngành chức năng quản lý chặt chẽ nghiêm túc các doanh nghiệp đang tham gia kinh doanh hoạt động vận tải hành khách, để từng bước đưa hoạt động này vào nề nếp...
Ý kiến bạn đọc