Bão số 6 mạnh cấp 14 vào biển Đông
Hiện vị trí tâm bão số 6 cách đảo Đông Sa (Trung Quốc) khoảng 100km về phía Đông Đông
Bão số 6 mạnh cấp 14 hoạt động mạnh. |
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 11, cấp 12, vùng gần tâm bão đi qua cấp 14, cấp 15, giật trên cấp 15. Biển động dữ dội. Từ chiều ngày 24/9, vùng biển Bắc vịnh Bắc Bộ gió sẽ mạnh dần lên cấp 6 – 7, sau tăng lên cấp 8 – 9, vùng gần tâm bão cấp 10, cấp 11, giật trên cấp 11. Biển động dữ dội. Từ đêm ngày 24/9, ở các tỉnh Bắc Bộ có mưa to đến rất to, Bắc Trung Bộ có mưa vừa đến mưa to. Cần chủ động đề phòng lũ lớn trên các sông suối, lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở các vùng trũng.
Chưa có thiệt hại do bão nhưng phải có phương án đối phó
Theo báo cáo của Bộ tham mưu Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tính đến 6h ngày 23/9, Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với chính quyền địa phương, gia đình các chủ tàu, thuyền trưởng nắm thông tin và đã thông báo cho 4.256 tàu/31.426 ngư dân. Cụ thể, hoạt động ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, giữa và Bắc biển Đông có 213 tàu/1.900 ngư dân. Hoạt động ven bờ và ở các vùng biển khác có 4.043 tàu/29.567 ngư dân. Hiện chưa có thông tin về thiệt hại.
Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão Trung ương tiếp tục có công điện khẩn số 46 CĐ/PCLBTW hồi 9h30 ngày 23/9 gửi Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB&TKCN) các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang và Tuyên Quang; và Ban chỉ huy PCLB&TKCN Tập đoàn công nghiệp than khoáng sản Việt Nam yêu cầu kiểm tra, rà soát dân cư đang sinh sống ở khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất.
Bên cạnh đó, cần xây dựng kế hoạch cụ thể để chủ động sẵn sàng mọi điều kiện sơ tán dân đến nơi an toàn khi mưa lớn xảy ra; kiểm tra và có biện pháp đảm bảo an toàn các hầm lò khai thác than và khoáng sản; dự trữ đủ lương thực và nhu yếu phẩm thiết yếu ở các vùng sâu, vùng xa, vùng dễ bị chia cắt khi có mưa lớn, các khu du lịch tập trung đông người để đáp ứng nhu cầu đảm bảo cuộc sống của nhân dân.
Tại cuộc họp khẩn cấp của Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, đêm qua (22/9), Bộ trưởng-Trưởng ban PCLBTW Cao Đức Phát đã chỉ đạo: Đây là cơn bão mạnh, tốc độ di chuyển nhanh, diễn biến phức tạp, cần thiết phải chỉ đạo các cấp các ngành triển khai để ứng phó kịp thời với diễn biến xấu của bão, trước hết là trên biển phải liên tục rà soát, kiểm đếm tàu thuyền và thường xuyên thông báo cho tàu thuyền biết về diễn biến của bão, bão có thể ảnh hưởng trực tiếp đến Quảng Ninh.
Ngoài ra, phải chỉ đạo ráo riết để đảm bảo an toàn khách du lịch. Trên đất liền cần có phương án để sơ tán dân đề phòng bão xuống thấp hơn ảnh hưởng đến khu vực ven biển Hải Phòng, Thái Bình. Các tỉnh ở Đồng bằng Bắc Bộ cần chỉ đạo thu hoạch lúa đã chín.
Các tỉnh miền núi phía Bắc đề phòng lũ quét, sạt lở đất, cần có các phương án chuẩn bị theo phương châm 4 tại chỗ nhất là lương thực, thực phẩm đề phòng chia cắt do mưa lũ và sạt lở đất, cần có phương án bố trí khách du lịch. Các bộ: GTVT, Công thương có phương án đảm bảo thông suốt đường, an toàn hồ chứa nhất là các hồ chứa lớn. Bộ Quốc phòng tập trung hỗ trợ thông báo kêu gọi tàu thuyền trên biển, đồng thời có phương án chuẩn bị lực lượng trang thiết bị để tìm kiếm cứu nạn khi cần thiết.
Ý kiến bạn đọc