Tính “cần - kiệm” của một lão nông
(HGĐT)- Bán đi chút ít cây rừng để mở một con đường xuyên vào 16,2 ha rừng của nhà mình, xây một chiếc ao thả cá, vị chi cả 2 việc lớn trên hết cả trăm triệu đồng, mọi người mới “vỡ” ra một điều: Ông ấy là một lão nông thực thụ nổi tiếng về tính chi tiêu tiết kiệm, cần cù mà rất hiệu quả.
... “59 tuổi đời, đến bây giờ chú mới được gọi là “tạm nhàn” đôi chút vì bớt đi việc suốt ngày phải lo chuyện “cơm áo, gạo tiền” cho các em mày ăn học đấy” - ông Hanh nói. Vốn biết ông từ lâu, bởi một lẽ mọi người trong làng cứ gọi là “ông già kiệt sỉ nhất làng Thượng An”. Nhắc lại chuyện đó, ông cười: Kiệt mà lo cho con, cho vợ không phải đi ăn vay, mượn tạm, không phải đi nói khó với người ta, theo chú, đó không phải là xấu. Là anh lính Cụ Hồ suốt những năm chống Mỹ, cứu nước, nếu không tiết kiệm, chắc không đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Và ngược lại, làm ra tiền, ra của mà không biết sử dụng, hoặc sử dụng vô lối thì “coi bằng không” cháu ạ.
Sinh ra trong gia đình nghèo, đông anh em. Lớn lên, ông đi bộ đội vào tận chiến trường Tây nguyên. Bị thương và ra quân năm 1972, ông về quê rồi lấy vợ. Vợ ông người Nam Định, khi xưa là thanh niên xung phong ở chiến trường miền Nam. Hai vợ chồng lấy nhau do cái duyên “không hẹn trước mà gặp lại”. Bản thân ông là thương binh bậc 4/4, vợ ông cũng qua chiến tranh bom đạn, chất độc hóa học nên đau yếu luôn. Ra ở riêng làm nhà dựa vào khu đồi ven suối. Sinh được 6 đứa con, nhưng những biểu hiện di chứng ở cả 6 đứa do chất độc da cam của 2 vợ chồng mang về từ chiến trường: Cả 6 đứa đều có những biểu hiện, dị tật “nhẹ” nên “không được” khôn ngoan, lanh lợi như người khác. Bởi thế việc lo ăn, lo bệnh tật của 2 vợ chồng, lo đàn con không mấy bình thường cứ đè nặng lên ông. Nhưng bản chất anh lính Cụ Hồ thì theo ông mãi đến bây giờ. Trong lúc cả làng chưa ai nghĩ đến việc giữ rừng, trồng rừng thì ông lại coi việc giữ rừng, trồng rừng phải đặt song song với việc trồng ngô, lúa. Lẽ thường: Có rừng là có nước, có môi trường tốt cho sức khỏe. Việc trồng cấy “gắn” với giữ rừng, trồng rừng được ông thực hiện từ ngày ra quân về quê lấy vợ, sinh con. Ông bảo: Cuối những năm 70, đầu những năm 80 của thế kỷ XX, ở thôn Thượng An còn đầy rừng. Lúc đó người ta chỉ phá rừng, lấy của rừng tất cả những gì rừng có. Ngày đó “rừng là vàng” rất sẵn, chỉ việc chặt phá, khai thác. Bởi thế, lúc ấy mình giữ rừng quanh nhà ở thì người ta bảo mình gàn dở. Không cho họ phá rừng, chặt cây, lấy củi, lấy măng... họ bảo mình keo kiệt. Nhưng họ đâu có hiểu chỉ chặt phá, lấy đi mà không biết giữ, tu bổ thì đâu còn rừng để lấy nữa. Thực tế cho thấy, từ cuối những năm 80 - 90 và đến tận những năm 2000, rừng cả vùng này gần như cạn kiệt. Duy nhất chỉ có khu rừng mình trông giữ còn lại. Trong khi giữ rừng, phát dây leo, trồng thêm cây luồng Thanh Hóa, rừng của nhà mình cứ xanh mãi, tốt lên. Kèm theo đó là việc cày cấy, chăn nuôi, chi tiêu dè dặt để nuôi con ăn học. Đến nay đứa lớn đã lấy chồng, đứa đi học, đứa đi làm, ngần ấy năm mình cứ chắt bóp, cứ tích cóp, cứ giữ rừng, trồng rừng, đến nay “đời đã bớt khó khăn”. Ông nói với tôi, như tâm sự với chính cuộc đời người lính của ông, cộng theo đó là sự dãi bày của một lão nông chi điền. Ông là Hoàng Văn Hanh, thôn Thượng An, xã Đồng Yên (Bắc Quang). Được biết, ông có 16,2 ha rừng được khoanh nuôi, bảo vệ, trồng mới và được coi là người khá giàu có do rừng đem lại, cộng với một đức tính cần cù, chịu khó và rất tiết kiệm để xây dựng cuộc sống. Có lẽ trong ông, bản chất của anh lính Cụ Hồ đã thấm vào máu thịt khi xưa và người cựu chiến binh, một lão nông chân chất ngày hôm nay.
Ý kiến bạn đọc