Thấy gì qua loạt bài có nhiều thông tin không chính xác về: Hà Giang & Công ty TNHH Sông Lô đăng trên Báo Người cao tuổi ?

16:45, 28/08/2008

(HGĐT)- Sau khi Báo Người cao tuổi (T.Ư Hội Người cao tuổi Việt Nam) liên tục cho đăng các loạt bài về UBND tỉnh Hà Giang và Công ty TNHH Sông Lô trong thời gian qua với nhiều thông tin không chính xác, dư luận ở Hà Giang đã tỏ ý bất bình, nghi ngờ về cách làm “khó hiểu” của Báo này.


Ngay lập tức, Hội Người cao tuổi (NCT) tỉnh đã lên tiếng phản bác, bày tỏ sự bức xúc, không đồng tình của đông đảo NCT Hà Giang trước những thông tin sai sự thật mà bản báo đề cập. Công chúng báo chí địa phương thắc mắc: “Vì sao một cơ quan báo chí chuyên nghiệp, xuất bản ở thủ đô Hà Nội, phát hành trên phạm vi cả nước, đại diện cho tiếng nói các thế hệ NCT Việt Nam lại có thể đăng tải những điều sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của công dân một cách dễ dãi đến vậy?”  

TIN LIÊN QUAN:
Hãy thử tưởng tượng, đặt mình vào góc độ của một độc giả không sống ở Hà Giang, không có được những hiểu biết nhất định về địa bàn này mà chỉ hình dung Hà Giang qua những bài viết đã được Báo NCT xếp vào hàng “điều tra”, với những cái tít giật gân: “Chủ tịch tỉnh Hà Giang… coi thường pháp luật”(*), “Chủ tịch tỉnh Hà Giang “dối trên, lừa dưới” và bác người tiền nhiệm”, “Chủ tịch tỉnh Hà Giang bất chấp công luận và báo giới, giải thể chi bộ, làm khổ người lao động”, “Tiếng kêu cứu khẩn thiết của người lao động Công ty Sông Lô”, chắc chắn bạn đọc sẽ hình dung Hà Giang vốn là một tỉnh nghèo nay lại càng nghèo thêm vì sau “đại công trường” là chặng đường “hậu đại công trường”, các doanh nghiệp của tỉnh “chẳng những không được chính quyền hỗ trợ để khắc phục khó khăn, giảm thiểu tối đa thiệt hại mà ngược lại còn bị hành hạ, làm khó”, “bị “phá” bằng cách lợi dụng chức vụ và các quan hệ hành chính khác”; rồi cũng theo cái cách mà người viết “lập luận”, nhiều độc giả có thể hiểu là hiện tại “người lao động ở Hà Giang đã và đang bị dồn tới bước đường cùng” và địa phương này vẫn tiếp tục có nhiều sai phạm, tiêu cực trong lĩnh vực quản lý đầu tư, xây dựng cơ bản, o bế doanh nghiệp xuất phát từ “quyền lợi cá nhân của một số ít cán bộ có chức, có quyền lũng đoạn ở địa phương”… Loạt bài “Chủ tịch tỉnh Hà Giang… coi thường pháp luật” được viết theo những suy diễn chủ quan, phiến diện, một phía, một chiều với nhiều chi tiết không có thực với mục đích đánh vào lòng trắc ẩn của xã hội đặc biệt là tầng lớp cao niên, lớp độc giả nhiệt tâm luôn dành sự bù đắp, cảm thông cho những số phận, mảnh đời bị hà hiếp, thua thiệt, đấu tranh không khoan nhượng chống mọi biểu hiện tiêu cực trong đời sống xã hội – Những con người “giữa đường hễ thấy bất bằng là không thể tha thứ!”.Bạn đọc đặt câu hỏi, thông tin lệch lạc như thế, Báo NCT được gì khi tạo ra trước mắt công chúng những hình ảnh méo mó về một Hà Giang trên thực tế đang đoàn kết, nỗ lực vượt khó, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong XĐGN, chấn hưng kinh tế, “trải thảm đỏ” đối với các nhà đầu tư? Giờ đây, mọi con mắt ngờ vực đều đổ dồn về Báo NCT, nơi phát đi scandal ồn ào về những điều không có thật ở một tỉnh chỉ cách Hà Nội hơn một nửa ngày xe chạy, khi mà phóng viên tác nghiệp chẳng khó khăn gì nếu cần phải đi đến tận nơi, trực tiếp gặp gỡ, tham vấn các ý kiến khác nhau để xác minh, kiểm chứng tư liệu. Dư luận liên tiếp đặt câu hỏi: Liệu đây có phải là cách hành xử thiện chí, văn hoá, công tâm, “rộng đường dư luận” của những nhà báo có lòng tự trọng? Một loạt các bài báo nặng quan điểm chủ quan, áp đặt về một địa phương đang phát triển ổn định, có nhiều khởi sắc nhưng được phản ánh với diện mạo tiêu cực như thế, liệu có thể coi là những “phóng sự điều tra”? Các tầng lớp công chúng độc giả Hà Giang càng hoài nghi hơn khi “nhóm phóng viên điều tra” của Báo NCT đã cố ý “bỏ ngoài luồng” 2 văn bản quan trọng mà hết thảy những người làm nghề công tâm đều dụng ý tham chiếu. Đó là các bản báo cáo số 154/UBND-BC ngày 2.10.2006 và báo cáo số 2321/BC-UBND ngày 24.7.2007 của UBND tỉnh Hà Giang. Đây là hai báo cáo tỉnh Hà Giang gửi Thủ tướng Chính phủ nhằm giải trình những vấn đề mà Công ty Sông Lô khiếu nại trong khoảng thời gian từ cuối năm 2006 tới giữa năm 2007. Khỏi phải nói, đây là nguồn dữ liệu có giá trị bảo chứng, độ tin cậy cao như thế nào đối với các tác giả hành nghề thiện tâm và có đẳng cấp.

Như vậy, thật đáng tiếc, Báo NCT đã tự mình làm “mất điểm”, mất uy tín của mình, uy tín của một cơ quan báo chí chuyên nghiệp vốn phải rất nhiều năm và phải trải qua nhiều thăng trầm, nỗ lực mới có thể gây dựng được đặc biệt là niềm tin nơi độc giả trẻ và độc giả cao tuổi.

Rõ ràng, có một vấn đề hết sức quan trọng đang cần được các cơ quan báo chí, các cấp Hội Nhà báo Việt Nam quan tâm lấy làm bài học kinh nghiệm cho các phóng viên, biên tập viên, hội viên của mình nhất là đối với các cây bút chuyên về điều tra đó là việc tuân thủ các quy tắc, đạo đức nghề nghiệp, tuân thủ quy trình làm báo; đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực, lệch lạc trong hành vi, động cơ tác nghiệp theo hướng “thương mại hóa” báo chí.

Làm báo là làm chính trị, làm văn hoá. Văn hoá báo chí biểu hiện trong tán thưởng, ngợi ca, trong cả đấu tranh, phê phán. Không thấm đẫm điều này, báo chí sẽ nhạt tính nhân bản, chỉ còn lại mục đích thực dụng. Nghề báo luôn có một nguyên tắc tối thượng là trung thực, khách quan. Những gì chưa rõ, chưa được kiểm chứng dứt khoát không đưa. Với một Ban biên tập làm việc có kinh nghiệm, bản lĩnh, ngay cả những tin bài biểu dương, khen ngợi cũng còn phải thận trọng nói gì tới những thông tin được coi là nhạy cảm, liên quan đến sinh mệnh chính trị, danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của hàng loạt tổ chức, công dân.

Không đâu như ở Việt Nam, công chúng hết sức tin tưởng ở báo chí. Những gì đã lên mặt báo, phát trên đài, đưa lên mạng (báo điện tử) thậm chí còn chưa rõ đúng sai vẫn được người ta quan tâm với câu nói cửa miệng quen thuộc kiểu: “Báo, đài đưa hẳn hoi, không tin báo, đài thì tin ai?”. Đặc điểm tâm lý này cũng là “hiệu ứng đám đông”, nếu được khai thác tốt sẽ phát huy hiệu quả tích cực ngược lại sẽ vô cùng tai hại cho những tổ chức, cá nhân bị báo chí chĩa “mũi dùi” vì nếu chờ sáng tỏ được mọi chuyện thì họ cũng đã bị thua thiệt đủ đường, trong khi tờ báo tung tin thất thiệt có khi chỉ cần in một đoạn “đính chính” nhỏ chưa bằng bao diêm trên một vị trí chẳng mấy người để ý còn công chúng thì chỉ biết thở dài: “Tưởng vậy hóa ra không phải vậy!”.

Việc Báo NCT viết về những vướng mắc, tồn tại giữa tỉnh Hà Giang và Công ty Sông Lô qua lăng kính chủ quan, phiến diện của nhóm phóng viên bản báo vô hình chung đã làm bùng lên những dư luận, dị nghị ảnh hưởng không tốt đến địa phương. Nay thì mọi thông tin liên quan đến những vướng mắc, tồn tại giữa tỉnh Hà Giang với Công ty TNHH Sông Lô (tính đến thời điểm 30.5.2008) về cơ bản đã được tổng hợp tại văn bản số 98/BC-UBND ngày 30.5.2008 của UBND tỉnh Hà Giang. Nếu “nhóm phóng viên điều tra” của Báo NCT thật lòng có tinh thần “rộng đường dư luận”, tất yếu, họ không thể bỏ qua nguồn tư liệu chính thống này!…

Và như vậy, việc giải quyết những vướng mắc, tồn tại giữa Công ty TNHH Sông Lô với tỉnh chỉ có thể được thực hiện theo đúng các quy định, thể chế hiện hành trên cơ sở thiện chí của doanh nghiệp cùng các cấp chính quyền, có thế mới mong khơi thông, giải toả được những gì còn khúc mắc cho “thấu tình đạt lý”, vì lợi ích hợp pháp của cả hai bên.

Trở lại với những sai phạm của Báo NCT, với tinh thần đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, thiết nghĩ việc cải chính, xin lỗi công khai của Ban biên tập đối với các tổ chức, cá nhân ở Hà Giang đã bị bản Báo thông tin sai sự thật, xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm, gây tổn hại về quyền và lợi ích hợp pháp cũng là một việc phải làm và cần làm ngay.
--------------------------------------------------------------------------------------------------------------
(*) Những chữ nghiêng, dẫn trong ngoặc kép được trích từ loạt bài in trên Báo Người cao tuổi

Đình Phúc

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hoàng su phì khắc phục hậu quả mưa lũ
(HGĐT)- Theo tin từ BCĐ PCLB Hoàng Su Phì: Đến thời điểm hiện nay, đợt mưa lớn, lũ cục bộ xảy ra trên địa bàn huyện từ đêm 26.8 đã làm 3 người chết, 2 người bị thương, 5 nhà sập hoàn toàn, 2 nhà phải di dời khẩn cấp, 9 nhà bị hư hỏng từ 50% trở lên.
28/08/2008
Hoàng su phì: Lở đất 3 người chết
(HGĐT)- Theo tin từ BCĐ PCLB Hoàng Su Phì, đêm 26, rạng sáng 27.8, trên địa bàn huyện xảy ra mưa lớn kéo dài kèm theo lũ cục bộ làm sạt lở đất, gây thiệt hại lớn về người, tài sản.
28/08/2008
Xín Mần thông xe cầu treo km 20
(HGĐT)- Sáng 26.8, Huyện ủy, HĐND, UBND, ủy ban MTTQ huyện Xín Mầntổ chức Lễ cắt băng khánh thành, thông xe cầu treo km 20, nối nhịp cầu tuyến Quốc lộ 279 về phía Đông huyện, đến xã Trung Thịnh. Dự lễ cắt băng có đông đảo bà con nhân dân các dân tộc trong huyện Xín Mần, các xã: Trung Thịnh, Ngán Chiên, Nàng Đôn (Hoàng Su Phì)...
27/08/2008
Gió lốc làm thiệt hại điểm trường tại thôn Mỏ Nhà Cao, xã Lùng Tám
(HGĐT)- Khoảng 13 giờ 20 phút ngày 23.8, tại thôn Mỏ Nhà Cao, xã Lùng Tám (Quản Bạ) đã xảy ra gió lốc kèm mưa đá, làm sập toàn bộ điểm trường tiểu học 6 gian. Trong đó có lớp học và nhà lưu trú giáo viên. Ngoài ra gió lốc còn làm hư hỏng một số nhà dân.
25/08/2008