Sự thật về số nợ giữa UBND tỉnh Hà Giang với Công ty TNHH Sông Lô

16:34, 23/07/2008

(HGĐT)- Bỏ qua thiện chí của UBND tỉnh trong việc giải quyết những vướng mắc của quá trình đầu tư XDCB, Công ty TNHH Sông Lô liên tục mượn danh các cơ quan báo chí T.Ư công khai yêu sách với UBND tỉnh. Dù chưa có căn cứ chứng minh nhưng Công ty TNHH Sông Lô lại đưa ra yêu cầu đòi UBND tỉnh phải trả số tiền nợ XDCB là 50 tỷ đồng. Vậy thực chất UBND tỉnh nợ công ty bao nhiêu, dựa trên cơ sở nào Công ty TNHH Sông Lô khẳng định số tiền đó là 50 tỷ đồng?


Gần 50 hay hơn 10 tỷ?

Năm 1996, Công ty TNHH Sông Lô được thành lập, do ông Lê Duy Hảo làm Giám đốc. Công ty ra đời, hoạt động theo đúng quy định của pháp luật và tinh thần đổi mới của Đảng, Nhà nước. Nhằm tạo điều kiện cho công ty hoạt động ổn định và phát triển, tỉnh đã dành những ưu tiên, giúp đỡ cho công ty trực tiếp tham gia thực hiện nhiều dự án giao thông trên địa bàn tỉnh. Trong suốt quãng thời gian 1996-2003, công ty liên tục phát triển, vươn lên trở thành doanh nghiệp mạnh. Giai đoạn này, công ty có đóng góp nhiều cho ngân sách Nhà nước, giải quyết việc làm cho nhiều lao động, tích cực tham gia vào các hoạt động từ thiện… Nhìn chung giai đoạn đó, doanh nhân Lê Duy Hảo và Công ty TNHH Sông Lô đã trở thành hình mẫu của cách làm ăn năng động, sáng tạo thời kỳ đổi mới.


Những thành công của Công ty TNHH Sông Lô có sự ưu tiên, giúp đỡ rất lớn của tỉnh. Cụ thể, công ty đã được tỉnh bố trí thi công 14 dự án giao thông (10 dự án thi công bằng nguồn ngân sách địa phương, 4 dự án thi công bằng nguồn vốn T.Ư). 10 dự án thi công bằng ngân sách địa phương có tổng dự toán được phê duyệt 171.967 triệu đồng. Trong quá trình thi công, có 6 công trình công ty làm dở dang, có công trình công ty chỉ thi công một số hạng mục, các công trình giao cho công ty thi công đều không được hoàn thiện, do công ty không đảm bảo tiến độ, không có nguồn vốn thi công, trong khi đó các công trình đều được ghi vốn, được ngân hàng giải ngân cho vay tới 37,5 tỷ đồng (tính đến tháng 4.2008). Trước thực trạng đó, UBND tỉnh buộc phải chỉ đạo các chủ đầu tư nghiệm thu khối lượng công ty đã thi công để bàn giao cho đơn vị khác thi công như đường Cầu Trắng - Hà Yên; đường qua khu dân cư km 55-57 Quốc lộ 4C; nâng cấp, rải nhựa từ km 2 - km 7 Quốc lộ 4C. Sau khi xem xét, tính toán giá trị khối lượng các công trình giao cho Công ty TNHH Sông Lô thi công, UBND tỉnh cho rằng: Không có căn cứ khẳng định chính xác Nhà nước nợ công ty bao nhiêu tiền, bởi lẽ chỉ có số liệu chính xác khi các công trình do Công ty TNHH Sông Lô thi công đã được nghiệm thu và phê duyệt quyết toán. Đến thời điểm hiện tại 7/10 công trình vẫn đang phải hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đề nghị phê duyệt quyết toán. Căn cứ vào kết quả nghiệm thu giá trị khối lượng thực tế công ty thực hiện, Nhà nước chỉ còn nợ Công ty TNHH Sông Lô 28,9% giá trị được phê duyệt ban đầu. Cụ thể: Trong tổng giá trị dự toán được phê duyệt 171.967 triệu đồng của 10 công trình thi công bằng nguồn vốn ngân sách địa phương, tổng giá trị thanh toán khối lượng thực hiện được là 36.626,93 triệu đồng, UBND tỉnh đã thanh toán cho Công ty TNHH Sông Lô 26.019,71 triệu đồng. Như vậy, thực chất số tiền UBND tỉnh còn nợ Công ty TNHH Sông Lô là 10.607,22 triệu đồng chứ không phải gần 50 tỷ đồng như yêu cầu của công ty đăng tải trên Báo Người cao tuổi.


Căn nguyên phát sinh nợ:

Liên quan đến việc triển khai các dự án của Công ty TNHH Sông Lô trong giai đoạn trước, chúng tôi nhận thấy: Nhiều dự án, công ty làm theo kiểu ngẫu hứng, không có trách nhiệm và thiếu tính chuyên nghiệp. Cụ thể như việc mở đường Tùng Bá - Na Sơn. Đầu năm 2002, theo đề nghị của Sở KH - ĐT tại văn bản số 03/KH - KTN ngày 8.1.2002 và Tờ trình số 01/TT - CN ngày 3.1.2002 của Sở Công nghiệp, ngày 9.1.2002, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Quyết định số 61/QĐ - UB phê duyệt Dự án Nghiên cứu khả thi - Đầu tư xây dựng công trình đường Tùng Bá - Na Sơn. Dự án do Sở Công nghiệp làm chủ đầu tư và tổ chức quản lý thực hiện. Tuyến đường Tùng Bá - Na Sơn có chiều dài 11.233 m, tổng mức đầu tư hơn 47 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp (sau đó được nâng lên hơn 52 tỷ đồng). Nhưng, theo những thông tin chúng tôi có được thì vào thời điểm năm 2001, Công ty TNHH Sông Lô đã tiến hành mở rộng mặt đường tuyến Tùng Bá - Na Sơn theo hình thức vừa thiết kế, vừa thi công. Điều đáng nói là thời gian Công ty TNHH Sông Lô triển khai công việc trước khi có Quyết định 61 của Chủ tịch UBND tỉnh 1 năm. Từ năm 2001 - 2002, công ty đã đầu tư số tiền khoảng 20 tỷ đồng vào tuyến đường này lên mỏ sắt Na Sơn. Công ty đã tự tổ chức thi công, không có báo cáo, kiến nghị, đề nghị để tổ chức nghiệm thu các hạng mục của công trình. BQL dự án chưa tổ chức nghiệm thu bất kỳ công việc, khối lượng nào của công ty trong suốt thời gian công ty tự thi công. Gần đây, UBND tỉnh phải quyết định chuyển đổi chủ đầu tư, quản lý công trình để tiếp tục quản lý, đầu tư theo đúng quy định của pháp luật. Không chỉ như vậy, trong tổng số các dự án được giao cho công ty, nhiều dự án chưa đủ thủ tục XDCB nhưng vẫn triển khai. Đối với dự án Công viên nước Hà Phương, 46/46 hạng mục chưa có TKKT - dự toán duyệt nhưng công ty đã tự thi công hoàn thiện 35/46 hạng mục, còn 11 hạng mục thi công dở dang…


Những thất bại trong hoạt động của Công ty TNHH Sông Lô có nhiều yếu tố, nhưng nguyên nhân quan trọng đó là sự chủ quan, nóng vội. Trong khi chưa tính toán kỹ về điều kiện kinh doanh, chưa phân tích kỹ những thuận lợi, khó khăn có thể xảy ra, chưa hoàn tất thủ tục theo quy định, công ty đã vội vã quyết định đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh mới dẫn tới hiệu quả kinh tế thấp. Để giải quyết dứt điểm vấn đề nợ XDCB, UBND tỉnh chỉ đạo các chủ đầu tư phối hợp cùng Công ty TNHH Sông Lô hoàn thiện thủ tục quyết toán công trình đã thi công xong, thủ tục thiếu phải bổ sung đúng, đủ theo quy định hiện hành. Đối với các công trình thi công dang dở, có vướng mắc khâu thủ tục do chủ đầu tư và công ty làm thiếu, làm sai, chủ đầu tư và nhà thầu phải tập trung tháo gỡ, những vướng mắc không giải quyết được phải báo cáo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh giải quyết kịp thời. Cấp vốn thanh toán gọn các công trình đã làm xong thủ tục quyết toán. Đối với công trình đường Tùng Bá - Na Sơn, hoàn thành thủ tục xác nhận nghiệm thu theo thẩm định của Công ty Tư vấn và Sở Giao thông - vận tải, khi làm xong thì thanh toán 100% cho công ty.


Thiên Thanh

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Chủ động phòng, chống lụt bão
(HGĐT)- Thiên tai hay diễn biến bất thường, ít theo quy luật nhất định, nếu chủ quan lơ là sẽ gánh chịu hậu quả khôn lường.
27/06/2008
Bắc Mê với các hoạt động “Đền ơn - đáp nghĩa”
(HGĐT)- Theo thống kê của Phòng LĐTB – XH huyện, hiện trên địa bàn Bắc Mê có 136 hộ thuộc gia đình chính sách, thương binh, liệt sỹ (TBLS), người có công với cách mạng, đang được hưởng sự ưu đãi, quan tâm thường xuyên của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và toàn thể nhân dân.
23/07/2008
Yên Minh, một người chết do mưa lớn gây sạt lở đất
(HGĐT)- Trong những ngày vừa qua, trên địa bàn huyện Yên Minh có mưa lớn, gây sạt lở đất, làm thiệt hại đến tính mạng và tài sản của nhân dân; tại thôn Sủng Sảng- xã Sủng Cháng đã xảy ra vụ sạt lở đất, gây đổ nhà làm 1 người chết.
23/07/2008
Họp báo công bố thông tin trả lời những vấn đề Báo Người cao tuổi nêu về UBND tỉnh và Công ty TNHH Sông Lô
(HGĐT)- Ngày 3.6, tại Hội trường lớn thị xã Hà Giang, buổi họp báo về những vấn đề Báo Người cao tuổi (NCT) nêu về UBND tỉnh Hà Giang và Công ty TNHH Sông Lô, được UBND tỉnh tổ chức.
23/07/2008