Người làm Báo Hà Giang với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”
Phấn đấu để tâm sáng, bút sắc
(HGĐT)- Nói đến nền báo chí cách mạng Việt Nam, Bác Hồ không chỉ là người sáng lập, mà Người còn là một Nhà báo cách mạng vĩ đại.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác, báo chí luôn là công cụ, vũ khí sắc bén, được Bác thể hiện trong đấu tranh cách mạng, trong xây dựng đường lối, chủ trương cách mạng, định hướng hành động cách mạng, cỗ vũ, động viên và tuyên truyền cách mạng, tạo nên phong trào thi đua yêu nước mạnh mẽ, rộng khắp, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Hàng nghìn bài báo Bác viết với hàng chục bút danh khác nhau trong các thời kỳ hoạt động cách mạng đã minh chứng cho điều đó. Chính vì vậy, Người luôn luôn rèn luyện, căn dặn đội ngũ những người làm báo: “Cán bộ báo chí cũnglà chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng. Cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa. Chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ, đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động”. Những lời dạy của Bác Hồ đến hôm nay đã qua hàng chục năm, nhưng giá trị của nó vẫn sống mãi trong trái tim mỗi người làm báo cách mạng. Đặc biệt năm nay là năm thứ hai toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Đồng thời Ban chỉ đạo T.Ư cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã tổ chức Lễ phát động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề quan trọng này. Hơn bao giờ hết những người làm báo càng nhận thức sâu sắc hơn về Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, càng thấy rõ “trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân” của người làm báo trước Đảng, trước Tổ quốc và nhân dân, hãy bằng hành động cách mạng của người làm báo, làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ.
Với bất cứ người cán bộ nào cũng đều phải rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng. Đạo đức là gốc của con người, nhưng đối với người làm báo, đạo đức cách mạng theo tư tưởng của Bác chính là lòng trung thành vô hạn với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân. Viết cái gì, tuyên truyền như thế nào để phục vụ lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, của nhân dân. Trong muôn vàn sự kiện, sự việc diễn ra hàng ngày, từng giờ trong xã hội, trong đất nước ở địa phương... thì người làm báo cách mạng phải “đứng trên quan điểm, lập trường của giai cấp công nhân, mà đội tiên phong của nó là Đảng cộng sản” và của Tổ quốc của nhân dân để mà thông tin cho đúng. Bởi vì vai trò của báo chí là “tuyên truyền tập thể, cổ động tập thể và tổ chức tập thể”. Phong trào đi lên, hiệu quả lao động sản xuất đi lên, xây dựng đất nước đi lên hoặc chậm lại ảnh hưởng đó có liên quan gì đến nhà báo? Tháng 11.1950, “khi tiếp các nhà báo, nói về phong trào thi đua, Bác Hồ đã chỉ ra rằng, những khuyết điểm hạn chế của phong trào trách nhiệm một phần thuộc về các nhà báo”.
Theo Bác, người làm báo có đạo đức cách mạng cũng chưa đủ mà còn phải trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa. Muốn chuyển tải thông tin đến với nhân dân, trong xã hội có định hướng thì người làm báo phải có nhận thức về chính trị theo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, nắm vững đường lối, quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Người làm báo mà chưa hiểu về đường lối, chủ trương, chính sách thì dẫn đến viết không trúng, không đúng, có nghĩa là tuyên truyền lệch, có khi tuyên truyền sai ý định của trên, ảnh hưởng xấu đến nhận thức dư luận xã hội, có khi còn làm cho nhiều người thực hiện sai hoặc nghi ngờ... Chính vì vậy mà Bác nói: “Viết cũng như mọi công việc khác, phải có chí, chớ giấu dốt...”. Học tập để nâng cao nghiệp vụ và văn hóa là nội dung mà tư tưởng của Bác rất rõ với người làm báo. Tại Đại hội lần thứ II Hội Những người viết báo, Bác đến nói chuyện về cách viết, nhận xét về báo chí của ta, Bác khen nhưng Bác vui vẻ giới thiệu tỉ mỉ một số nhược điểm, khuyết điểm của các báo trong việc trình bày, trong văn phong, chạy tít, đưa ảnh... Bác cầm một tờ báo và nói: Các chú là nhiều danh từ lắm! Thế “không phận” là gì? Gọi là vùng trời có phải ai cũng dễ hiểu hơn là dùng chữ “không phận” không? Rồi Bác kể chuyện nhân ngày sinh nhật Bác, tờ báo địa phương nọ có đăng thư của đồng bào chúc mừng Bác. Có đồng bào muốn chúc Bác mạnh khỏe, sống lâu, lại viết là “Chúc Bác bách niên giai lão”. “Tờ báo ấy đăng nguyên văn, vậy mà báo cũng đăng đấy”. Bác giải thích, câu đó là chúc mừng cho cô dâu, chú rể trong buổi thành hôn, bỗng lại dành chúc thọ Bác. Thật chết cho cái bệnh sính chữ nghĩa. Phải chăng đó cũng là bài học về nghiệp vụ viết báo.
Để đạt được trình độ chuyên môn nghiệp vụ giỏi, người làm báo phải kiên trì rèn luyện và phấn đấu rất lớn. Muốn vậy những người làm báo cần phải nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của mình thông qua học tập, bồi dưỡng tại các trường học và học tại thực tế, học đồng nghiệp... và học ở cuộc sống đời thường... Bên cạnh nghiệp vụ tốt, người làm báo còn phải có văn hóa làm báo (ở khía cạnh văn hóa ngôn từ). Dùng từ ngữ trong bài biết phải đúng tiếng Việt, đúng chính tả, phải trong sáng dễ hiểu, đối tượng nào đọc cũng hiểu được. Theo tư tưởng của Bác, hiệu quả cao nhất của bài viết là người đọc hiểu được nội dung, hiểu được định hướng và dễ nhớ. Không nên dùng những từ vay mượn nước ngoài, từ khó hiểu, từ không đúng với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Hiện nay trong sự phát triển bùng nổ thông tin của xã hội, không ít tờ báo mà người viết báo vẫn dùng những từ ngữ lai khó hiểu, từ thiếu văn hóa trong bài báo, từ "thô tục", "chợ búa", đã làm giảm bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc ta, giảm uy tín của tờ báo và bạn đọc nghĩ không "đẹp" về tác giả.
Một trong những tư tưởng của Bác đối với người làm báo đó là phải “đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động”. Tư tưởng của Bác bao giờ cũng gắn với hành động của Bác. Chúng ta đã thấy hình ảnh Bác đến với nông dân là lội xuống ruộng xem cây lúa ra sao. Bác tát nước cùng bà con. Bác ra thăm trận địa phòng không Hà Nội ngay sau khi bộ đội ta đánh trả máy bay giặc Mỹ. Bác vào thăm bếp ăn công nhân, mở nồi cơm, canh xem bữa ăn ra sao v.v... Chính vì vậy Bác dạy người làm báo muốn viết đúng, viết hay, viết tốt thì phải đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động. ở đó có biết bao con người thật, việc thật, đang từng ngày từng giờ làm việc chăm chỉ, cần mẫn, không ngừng lao động sáng tạo làm nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả, góp phần tạo ra nhiều sản phẩm cho xã hội, cho phát triển của đất nước. Thực tế hiện nay, đội ngũ những người làm báo chúng ta đã và đang có rất nhiều nhà báo học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác. Thông qua báo chí đã phát hiện, nhân rộng được nhiều tập thể, cá nhân anh hùng, chiến sĩ thi đua các cấp... Rất nhiều người lao động trước đây qua báo chí, được Bác Hồ tặng Huy hiệu của Người.
Tuy vậy, hiện nay cũng còn số ít nhà báo khi làm nhiệm vụ vẫn "cưỡi ngựa xem hoa" còn "thổi phồng sự việc"... đưa tin sai sự thật, thương mại hóa báo chí v.v... biểu hiện ở một số vụ việc đã xảy ra trong thực tế. Phải chăng nguyên nhân của những khuyết điểm yếu kém đó tựu chung lại là, do số ít nhà báo chưa chịu rèn luyện, tu dưỡng theo tiêu chuẩn của đạo đức con người, đạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; chưa chịu học tập và có chí tiến thủ, có khi chưa hiểu được chính mình... Đại hội lần thứ VIII Hội Nhà báo Việt Nam thông qua 9 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, đã thể hiện đầy đủ những tư tưởng của Bác Hồ đối với người làm báo cách mạng hiện nay. Sống chiến đấu, lao động và học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, là suốt cả cuộc đời mỗi người dân Việt Nam và thế hệ người Việt Nam, trong đó có những người làm báo hãy phấn đấu để tâm sáng, bút sắc.
Ý kiến bạn đọc