Đến với Cao Bành
(HGĐT)- Cao Bành là thôn vùng cao, vùng khó khăn của xã Phương Thiện (TXHG), nằm dưới chân dãy Tây Côn Lĩnh ngút ngàn. 100% người dân sinh sống ở đây là đồng bào dân tộc Dao.
Ruộng bậc thang ở Cao Bành. |
Đường giao thông đi lại của nhân dân nơi đây vô cùng khó khăn; chưa có điện lưới Quốc gia; lúa chỉ sản xuất được 1 vụ vì thiếu nước canh tác... tuy nhiên, họ đã từng bước, bằng sự nỗ lực của chính mình và sự hỗ trợ của Nhà nước vượt lên xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Từ trung tâm xã Phương Thiện lên Cao Bành, quãng đường chỉ khoảng 7 km nhưng đi bằng xe máy phải mất gần 1 giờ đồng hồ liên tục leo những con dốc khúc khuỷu, đường hẹp và xóc, là thách thức lớn đối với những ai còn “non” tay lái. Chúng tôi lên Cao Bành vào dịp thôn tổ chức lễ tổng kết năm học 2007 – 2008, qua tìm hiểu được biết, toàn thôn có 6 điểm trường, từ hệ Mầm non đến lớp 5, với tổng số 56 học sinh. Trong năm học vừa qua, tập thể giáo viên, học sinh trong thôn đã có nhiều cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ năm học. Tỷ lệ huy động trẻ đến học Mầm non đạt 98%; huy động học sinh bậc Tiểu học đạt 100%. Trong đợt rét đậm, rét hại vừa qua, thầy và trò trong thôn đã hết sức cố gắng để duy trì sỹ số học sinh. Trong thời gian đó, một số em do nhà xa điểm trường, do trời quá rét nên đã đi học không đều. Được sự vận động của cán bộ thôn, động viên của cô giáo, các em đã đến lớp học đều đặn, đầy đủ. Hầu hết các giáo viên đều có gia đình ở Phương Thiện và thị xã Hà Giang, khó khăn lớn nhất đối với các chị là đường giao thông lên đến điểm trường. Trời nắng thì còn đỡ khổ nhưng trời mưa thì đúng là “cực hình” vì đường quá lầy, quá trơn. Chuyện “đo đường” hỏng xe, chầy xước chân tay là chuyện thường. Nhưng vì nhiệm vụ, mỗi ngày các cô vẫn có 1 chuyến lên, 1 chuyến xuống đều đặn, bất kể trời mưa hay nắng. Có những cô đã cống hiến cho thôn năm 10 công tác, đồng nghĩa với từng ấy thời gian vật lộn với con đường.
Trao đổi với anh Bàn Văn Kỳ, Trưởng thôn, được biết: Toàn thôn có 74 hộ, 393 nhân khẩu, canh tác trên diện tích 16,84 ha lúa 1 vụ (chủ yếu là ruộng bậc thang). Toàn xã có 41 ha chè, 41 ha thảo quả, 12 ha quế, 182,5 ha diện tích vườn rừng. Bà con đã trồng được 2 ha cỏ, nhân dân trong thôn đang tiếp tục đăng ký trồng thêm 4,5 ha cỏ để có nguồn thức ăn chăn nuôi gia súc. Tổng đàn trâu có gần 300 con, trong đợt rét đậm, rét hại vừa qua bị chết 49 con, hiện nay, thôn đang tập trung chăm sóc, bảo vệ và khôi phục đàn gia súc. Đàn lợn có hơn 300 con, dê 200 con, gia cầm có 1.888 con; 56/74 hộ có ao cá với tổng 1,5 ha diện tích mặt nước. Nguồn nước Cao Bành đặc biệt phù hợp với sự phát triển của cá Bỗng, một loại cá có hiệu quả kinh tế cao trên thị trường. Anh Kỳ cho biết thêm, người dân ở Cao Bành có mức thu nhập 6 triệu đồng/người/năm; lương thực bình quân 500 kg/người/năm. Mặc dù chưa có điện lưới Quốc gia nhưng toàn thôn có 70/74 hộ có máy thủy điện nhỏ; 57 máy sao chè mi-ni; 36 xe máy, 45 máy điện thoại di động... để phục vụ sinh hoạt và sản xuất.
Tuy là thôn vùng cao, vùng khó khăn của xã Phương Thiện nhưng tiềm năng về kinh tế và du lịch sinh thái của Cao Bành rất lớn. Nơi đây có khí hậu phù hợp cho sự phát triển và sinh trưởng của cây chè Shan tuyết không kém gì cây chè ở xã Cao Bồ (Vị Xuyên); là nơi lý tưởng cho cây thảo quả sinh sống và cũng là vùng thổ nhưỡng phù hợp với cây quế. Có thể nói, đây là những loại cây thế mạnh, giúp người dân Cao Bành vượt lên nghèo khó. Cao Bành còn có khu đầu nguồn Nậm Phiêng, có độ cao hơn 500 m so với mặt nước biển, giáp với chân dải Tây Côn Lĩnh. ở đây, thời tiết, khí hậu, phong cảnh, thảm thực vật... đủ điều kiện để xây dựng một khu du lịch sinh thái. Trong những năm qua, đã có nhiều đoàn khảo sát du lịch đến khảo sát khu vực này. Nếu thành công sẽ mở ra một hướng đi mới cho bà con nhân dân thôn Cao Bành. Đứng tại trụ sở thôn, chúng ta có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh thị xã Hà Giang nằm nép mình bên núi Cấm và núi Mỏ Neo, ngắm nhìn nhịp cầu Yên Biên II vắt mình qua dòng sông Lô thơ mộng, đứng ở đây có thể thoải mái đón những ngọn gió phóng khoáng và trong lành...
Để khai thác được những lợi thế đó cần phải có đường giao thông ổn định, xe ô-tô có thể đến được trung tâm thôn. Con đường này đang là sự khao khát, mơ ước, mong mỏi của cán bộ, nhân dân thôn Cao Bành vì nó chính là hiện thân của sự phát triển kinh tế, văn hóa trên con đường đi đến ấm no, hạnh phúc.
Ý kiến bạn đọc