30 trẻ em chết mỗi ngày vì tai nạn thương tích
Khuôn mặt bầu bĩnh, giọng nói nhỏ nhẹ, song đôi mắt cô bé Hồ Thị Thu Hương luôn đượm buồn, nhất là khi nhìn bạn bè tung tăng đạp xe đến trường. Cách đây 7 năm, một tai nạn giao thông đã cướp đi một cánh tay khi em băng qua đường đến trường.
Trẻ bị tai nạn giao thông chiếm 35% tổng số nạn nhân. |
Cách đây 2 ngày, Hương cùng 50 bạn nhỏ đến Hà Nội để truyền tải thông điệp của trẻ em trong hội nghị cấp cao bàn giải pháp chống tai nạn thương tích trẻ em do Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội và Quỹ nhi đồng liên hợp quốc tổ chức.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Trọng An, Cục phó Trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, cho biết hiện mỗi ngày có 27-30 trẻ em chết và khoảng 70 em bị thương tật vì tai nạn thương tích. Mỗi năm cả nước mất 30.000 tỷ đồng để điều trị, chăm sóc các nạn nhân.
Nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ em thiệt mạng là ngã nước. Mỗi năm trung bình có khoảng 3.500 trẻ em thiệt mạng vì lý do này. "Tại Nam Định năm 2006 có tới 105 trẻ em chết đuối, 10 tháng năm 2007 con số này là 81", ông An thông tin.
Trẻ em chết do tai nạn giao thông cũng chiếm một tỷ lệ lớn. Thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trung bình mỗi năm khoảng 12.000 người chết và trên 20.000 người bị thương do tai nạn giao thông, trong đó trẻ em chiếm 35%. Phần lớn tai nạn xảy ra khi các em đi bộ hoặc qua đường.
Ngoài những lý do nêu trên, trẻ em thiệt mạng còn do bom mìn, ngộ độc, tự tử, bỏng... Và gần đây nổi lên những dạng tai nạn do chủ ý của người lớn như lạm dụng, quấy nhiễu tâm lý. "Các hành vi sỉ nhục, mắng mỏ của cha mẹ, cô giáo đã làm nhiều em bị rối nhiễu tâm lý và dẫn đến những hành động dại dột như tự tử", Cục phó An nói.
Hiện Chính phủ đã có chính sách quốc gia về phòng chống tai nạn thương tích cho giai đoạn từ năm 2001 đến 2010. Bộ Y tế cũng đã ban hành quyết định về việc xây dựng cộng đồng an toàn, có hướng dẫn thiết thực về việc giảm nguy cơ tai nạn thương tích cho trẻ em. Tuy nhiên, theo đánh giá của các đại biểu tham dự hội nghị thì việc triển khai thực hiện của các địa phương còn yếu kém.
Ý kiến bạn đọc