Vì sao những bất cập trong vận tải hành khách chưa chấm dứt?

18:13, 31/03/2008

(HGĐT)- Mỗi ngày, từ 4-21 giờ, có hàng chục lượt xe chở khách lượn vòng vo đón, trả khách khu vực nội thị xã Hà Giang. Tiếng động cơ gầm rú, còi xe inh ỏi từ tinh mơ đến đêm khuya đã “xới tung” không gian thị xã bé nhỏ.


 

 "Bến xe mới" trên đường 19.5, phường Nguyễn Trãi. Ảnh: P.V


Những chiếc xe khách chuyên tuyến vùng cao phía Bắc, theo quy định phải đón, trả khách đúng bến nhưng vẫn nhao thẳng vào thị xã. Trên địa bàn thị xã, chỗ nào cũng có thể trở thành... bến xe(!) Hoạt động vận tải hành khách từ lâu rất lộn xộn, ai cũng nhìn thấy nhưng không hiểu sao nó vẫn... tồn tại?


4 giờ sáng, từng ngõ ngách của thị xã Hà Giang đã bị đánh thức bởi tiếng động cơ huyên náo phát ra từ hàng chục chiếc xe chở khách. Trong khoảng thời gian từ 4-6 giờ sáng hàng ngày, có khoảng 30 lượt xe xuất bến phía Nam đi các tuyến ngoại tỉnh như Hà Giang - Gia Lâm, Hà Giang - Mỹ Đình, Hà Giang - Giáp Bát, Hà Giang - Sơn Tây… Bên cạnh đó, mỗi ngày cũng có khoảng trên 20 lượt xe chạy các tuyến nội tỉnh ra vào thị xã. Mấy năm gần đây, hoạt động vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh với sự tham gia của hàng chục HTX hoạt động trong lĩnh vực vận tải. Bình quân mỗi ngày, tại bến xe phía Nam có khoảng 70 lượt xe ra vào bến và khoảng 30 lượt xe hoạt động trên tuyến phía Bắc. Các tuyến có lưu lượng xe lưu thông lớn gồm Hà Giang - Tuyên Quang 31 lượt với tần suất bình quân 15 phút/lượt; Hà Giang - Mỹ Đình 18 lượt, Hà Giang - Thái Nguyên 9 lượt, Hà Giang - Mèo Vạc 7 lượt, Hà Giang - Đồng Văn 4 lượt, Hà Giang - Bắc Mê 5 lượt…


Quan sát biểu đồ chạy xe tại bến phía Bắc và phía Nam cho thấy việc đi lại của hành khách hiện nay rất thuận tiện. Còn nhớ những năm Hà Giang mới tái lập tỉnh, người dân có nhu cầu đi lại bằng xe khách rất khổ sở. Người đông, xe ít, mỗi chiếc xe cà tàng 25 ghế ngồi nhưng được nhồi nhét 30, thậm chí 40 người, trên nóc xe chất đầy hàng hoá. Nhìn những chiếc xe lắc lư trên đèo dốc vùng cao thật hãi hùng. Giờ đây, những cảnh tượng ấy đã lùi vào dĩ vãng, khách có nhu cầu đi xe, chỉ cần một cú điện thoại hẹn, dù bạn ở bất cứ ngõ, ngách nào trong nội thị cũng được nhà xe đưa xe đến rước. Xét một góc nào đó, điều này tạo sự tiện lợi, kinh tế cho một bộ phận không nhỏ hành khách thường xuyên có nhu cầu đi lại bằng xe khách nhưng nhìn tổng thể lại nảy sinh nhiều bất cập. Việc các nhà xe đón, trả khách tại nhà trong nội thị đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, mỹ quan đô thị. Đằng sau sự phục vụ tận tình của nhà xe đối với “Thượng đế” là cuộc cạnh tranh khốc liệt trên thị trường vận tải hành khách. Quan sát hoạt động tại bến xe phía Nam cho thấy, sau khi những chuyến xe chạy tuyến ngoại tỉnh trong thời gian từ 4-6 giờ sáng đã đón hết khách, nhiều xe xuất bến sau 7 giờ không còn khách, hoặc lượng khách trên xe quá ít so với số ghế ngồi. Điều này dẫn đến việc các xe thường nấn ná thời gian, chèn nhau và rất dễ dẫn đến tình trạng rượt đuổi nhau trên đường để tranh giành khách. Như vậy, rất nguy hiểm cho những người tham gia giao thông và chỉ sơ sẩy là có thể gây tai nạn. Không chỉ như vậy, nhiều xe khi rời bến liên tục chạy lòng vòng trên đường, quãng đường từ Hà Giang - Tuyên Quang khoảng 150 km nhưng nhà xe chạy với tốc độ rùa bò nên phải mất 4 tiếng mới về tới đích. Đấy là xe chạy tuyến phía Nam còn đối với tuyến phía Bắc, hoạt động vận tải hành khách vô cùng lộn xộn. Những chiếc xe chạy tuyến phía Bắc, theo quy định phải đón trả khách tại bến phía Bắc thị xã nhưng vì tranh giành khách, nhà xe từ vùng cao về đã cho xe chạy thẳng vào thị xã trả khách và tiến về bến phía Nam sau đó chui tọt vào ẩn nấp ở đường 19.5 hoặc bất cứ ngõ ngách nào. Vì sao các nhà xe không vào bến phía Bắc, mặc dù bến xe này được xây dựng vào cuối năm 2006 với tổng diện tích 4.000 m2, mức đầu tư trên 1,1 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước. Bến xe đã được hoàn thành từ năm 2007 với đầy đủ điều kiện cơ sở vật chất, đáp ứng được nhu cầu của nhà xe cũng như việc đón, trả khách. Lý giải điều này, các nhà xe cho rằng nếu chỉ mình họ chấp hành đưa xe vào bến thì sẽ không có khách. Bởi lẽ ngay phía cầu Mè có HTX vận tải với nhiều xe chạy tuyến phía Bắc, nhiều nhà xe mãi Ngọc Hà cũng cho xe xuống dưới cầu Mè đón khách chứ không chịu đưa xe lên bến theo quy định. Qua tìm hiểu thực tế chúng tôi nhận thấy trên địa thị xã, ngoài bến xe phía Nam, phía Bắc hoạt động theo đúng nghĩa thì đã xuất hiện rất nhiều điểm đón, trả khách, bốc xếp hàng hoá ngay trong lòng thị xã. Các điểm đón khách này “mọc” tự phát, được hình thành từ rất lâu nhưng không thấy ai nhắc nhở nên nó vẫn cứ tồn tại.


Cũng vì sự lộn xộn này, từ nhiều tháng nay Anh Lưu Văn Khánh, lái xe 23T-0604 chạy tuyến Hà Giang - Đồng Văn đã phải thuê phòng trọ trên đường 19.5. Chỗ trọ này được anh sử dụng như một bến riêng cho xe của mình. Trước khi xuất bến rời Hà Giang đi Đồng Văn, anh cho các phụ xe ra bến phía Nam đón khách. Mỗi khi có xe về bến, các lơ xe thi nhau bám vào thành, nhảy cả lên xe nếu khách nào có nhu cầu đi vùng cao phía Bắc, lơ xe xách đồ của khách chạy thật nhanh về vị trí tập kết. Khi chúng tôi đến phòng trọ trên đường 19.5 cũng là lúc xe của Khánh vừa từ Đồng Văn về. 2 người sau một hành trình mệt mỏi chui tọt vào căn phòng chưa đầy 10 m2 và lăn ra ngủ. Trao đổi với chúng tôi, Khánh cho biết: Chúng em cũng muốn vào bến phía Bắc, nơi đó có chỗ nghỉ đoàng hoàng, không phải chui lủi tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng nhưng không nhà xe nào vào bến thì làm sao em cho xe lên đó được.


Những lộn xộn trong hoạt động vận tải hành khách diễn ra từ rất lâu. Trước đó, tỉnh đã chỉ đạo các ngành tăng cường kiểm soát, lập lại trật tự nhưng chỉ được một thời gian rồi mọi việc vẫn trở lại như xưa. Những vi phạm trong việc đón, trả khách xảy ra hầu hết đối với các tuyến xe ngoại tỉnh xuất phát từ 4-6 giờ, 21 giờ và xe chạy tuyến phía Bắc của tỉnh. Trong số đó, một số nhà xe chưa được cơ quan chức năng cấp phép chạy ban đêm nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động. Nhằm chấn chỉnh hoạt động vận tải hành khách, tại Công văn 01/UBND-NVKT do Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Trường Tô ký ngày 2.1.2008 chỉ rõ: Từ ngày 15.1, tất cả phương tiện vận tải hành khách tuyến cố định đi các huyện phía Bắc phải đón, trả khách tại bến xe phía Bắc; phương tiện vận tải hành khách các tuyến còn lại đón, trả khách tại bến phía Nam. Nhưng đã hơn 3 tháng kể từ khi công văn có hiệu lực thi hành, mọi việc vẫn không có gì thay đổi. Các xe khách vẫn ngang nhiên chạy vòng vo đón, trả khách, bốc dỡ hàng hoá trong lòng thị xã như chưa có chuyện gì xảy ra. Công văn chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh còn chỉ rõ: Các trường hợp vi phạm phải được xử lý nghiêm minh, kịp thời với mức cao nhất theo quy định của pháp luật. Vậy mấy tháng nay các cơ quan chức năng đang ở đâu, làm gì mà những vi phạm trên vẫn không được chấm dứt?


Khi làm việc với các cơ quan chức năng như Thanh tra Giao thông, CSGT, lãnh đạo các cơ quan trên khẳng định những lộn xộn trong hoạt động vận tải hành khách hoàn toàn có thật. Trước câu hỏi vì sao sự việc có thật, đã có công văn chỉ đạo của tỉnh nhưng tình trạng trên vẫn chưa được giải quyết, đại diện Thanh tra giao thông tỉnh cho biết: Lực lượng Thanh tra Giao thông đã tăng cường kiểm tra, xử phạt nhưng tình trạng này không chuyển biến(!) Hàng ngày, Thanh tra giao thông đều ra đường làm nhiệm vụ nhưng khi thấy lực lượng chức năng đi tuần, các xe liền chạy ẩn nấp vào ngõ nên không phát hiện được. Nhưng theo sự tìm hiểu của chúng tôi, sự việc diễn ra như vậy do các cơ quan chức năng chưa làm hết trách nhiệm được giao. Để hoàn thành bài viết, chúng tôi đã dành nhiều thời gian thực tế trên các tuyến đường, đến những điểm nhiều xe thường xuyên đón, trả khách trong nội thị và cả các bến do nhà xe tự lập nhưng không hề thấy bóng dáng của lực lượng chức năng. Ngay cả việc một vài nhà xe chạy đêm không đăng ký lịch trình, không đăng ký hoạt động tại bến, sự việc hiển nhiên ai cũng biết, rất nhiều người dân đã đi xe đêm nhưng phòng CSGT Công an tỉnh, Thanh tra Giao thông đều khẳng định không có. Khi chúng tôi đưa ra chứng cứ, lãnh đạo các cơ quan trên mới giải thích thấy nhà xe thông báo công khai trên Đài truyền hình tỉnh cứ tưởng là hoạt động hợp pháp(!) Với cách quản lý như vậy thì làm sao chấm dứt được những lộn xộn như nó đang xảy ra.


Để đưa thị xã Hà Giang trở thành đô thị loại III, các cấp, các ngành, người dân thị xã đang tập trung nhân, vật lực để loại bỏ những cái chưa đẹp ra khỏi đời sống đô thị. Những lộn xộn trong hoạt động vận tải hành khách hiện nay chính là một trong những thứ cần loại bỏ. Và để thực hiện điều này, các cơ quan chức năng, các chủ phương tiện vận tải hành khách phải chấp hành nghiêm sự chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh.


Thiên Thanh - Phan Hùng

Cùng chuyên mục

Giao và cấp đất tái định cư ở trung tâm huyện Quang Bình
(HGĐT)- Giao và cấp đất tái định cư là một nhiệm vụ quan trọng nhằm đưa huyện Quang Bình sớm ổn định xây dựng cơ sở hạ tầng huyện lỵ mới; là vấn đề “nhạy cảm”, được nhiều cấp, ngành và người dân quan tâm.
31/03/2008
Trường Trung cấp Nghề trao nhà tình nghĩa cho hộ nghèo xã Đản Ván
(HGĐT)- Vừa qua, trường Trung cấp Nghề tỉnh Hà Giang đã đến trao tặng căn nhà gỗ 3 gian cho gia đình anh Lù Seo Ly, ở thôn Thượng 1, xã Đản Ván, huyện Hoàng Su Phì, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của xã.
31/03/2008
"Hãy dành thời gian lắng nghe con trẻ"
"Dù các nghiên cứu cho thấy tỉ lệ rối loạn sức khoẻ tâm thần (SKTT) trẻ em ở VN không quá cách biệt so với nhiều quốc gia khác, mà ở mức khoảng 20%, nhưng con số này đủ để gióng lên một thực trạng đáng báo động.
30/03/2008
Sức sống mới nơi vùng cao biên giới
(HGĐT)- Điểm nổi bật đầu tiên nhận thấy được của Mèo Vạc trong năm qua đó là tốc độ tăng trưởng GDP đạt 16,83%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, sản xuất nông - lâm nghiệp thay đổi tích cực.
28/03/2008