PGS-TS Bahr Weiss - Giám đốc Dự án "Đào tạo tâm lý học lâm sàng trẻ em ở VN":

"Hãy dành thời gian lắng nghe con trẻ"

10:09, 30/03/2008

"Dù các nghiên cứu cho thấy tỉ lệ rối loạn sức khoẻ tâm thần (SKTT) trẻ em ở VN không quá cách biệt so với nhiều quốc gia khác, mà ở mức khoảng 20%, nhưng con số này đủ để gióng lên một thực trạng đáng báo động.


 

 Ông Weiss và những trẻ em VN.

Vì nếu những tổn thương đó không được chữa trị sớm, những đứa trẻ này sẽ lớn lên, trở thành người lớn với vết sẹo tinh thần". Đó là nhận định của ông Bahr Weiss - Phó Giáo sư về tâm lý học lâm sàng trẻ em tại ĐH Vanderbilt (Mỹ).

Cứ 4 người có 1 người mắc vấn đề SKTT
Trong xã hội VN truyền thống, "tâm thần" hay được dùng như một tính từ chỉ trạng thái của những người bị điên (tâm thần phân liệt) hay khuyết tật tinh thần. Từ "tâm thần" còn thường được nhắc đến với một hàm ý miệt thị, định kiến.

Tuy nhiên, về mặt khoa học, các rối loạn về SKTT có nhiều dạng và là căn bệnh hết sức thông thường. Theo thống kê của ĐH Hoàng Gia Anh năm 1998 thì cứ 4 người lại có 1 người mắc phải vào một giai đoạn nào đó trong đời. Các tổn thương tinh thần luôn là một trong những gánh nặng bệnh tật cho các xã hội, chiếm tỉ lệ khoảng 12% trên tổng số bệnh (Báo cáo của WHO năm 2001). 

Nên định nghĩa thế nào cho đúng về SKTT trẻ em, thưa ông?

- Ở phương Tây có một định nghĩa khá rộng về SKTT và các vấn đề về SKTT. Cũng như bệnh tâm thần phân liệt, sự chậm phát triển tinh thần và chứng động kinh, SKTT theo đánh giá của phương Tây bao gồm bất cứ vấn đề nghiêm trọng nào liên quan đến cách ứng xử cũng như thể hiện tình cảm. Vì vậy, các vấn đề về SKTT bao gồm nghiện ma tuý, trầm cảm, tự tử, những cơn giận cuồng nộ, thường xuyên có cách ứng xử thô bạo, phạm pháp vị thành niên, bởi tất cả những vấn đề này có liên quan đến cách ứng xử và tình cảm.

Các vấn đề về SKTT đều có tác động bởi môi trường, bao gồm môi trường gia đình, xã hội và thể chất. Vì vậy, rối loạn SKTT có thể được chữa trị và thay đổi, bằng cách thay đổi môi trường. Tuy nhiên, ở VN không xem nghiện ma tuý là vấn đề về SKTT mà liệt nó vào căn bệnh xã hội. 

Vì sao ông lại quan tâm đến vấn đề SKTT cho trẻ em VN?

- Tôi là nhà tâm lý lâm sàng về SKTT trẻ em và có 2 con gái nuôi người VN, nên luôn quan tâm đến VN trên cả phương diện cá nhân cũng như nghề nghiệp. Sau rất nhiều khó khăn, tôi đã thuyết phục được chính quyền Mỹ trợ giúp tài chính để tăng cường năng lực của VN trong việc phát triển, đánh giá và đưa ra những cách chữa trị cho trẻ em có vấn đề về SKTT. Có hai chương trình mà chúng tôi sẽ triển khai qua quỹ hỗ trợ này. Phần đầu tiên là đào tạo thạc sĩ Tâm lý trẻ em tại Trường Đại học Quốc gia Hà Nội. Phần thứ hai là chương trình đào tạo tiến sĩ (Ph.D) về tâm lý lâm sàng.

Trẻ em VN trong áp lực "chạy đua với thời gian"
Đánh giá của ông về tình hình SKTT trẻ em tại VN?

- Có nhiều sự lệch lạc thông tin về SKTT tại VN. Người dân VN thường hay lo ngại về bệnh tự kỷ, nhưng phần lớn trẻ em VN bị cho là mắc căn bệnh này mà tôi gặp lại không thực sự mắc bệnh đó. Một số dạng vấn đề sức khoẻ tâm thần tại VN thường xảy ra hơn tại Mỹ và ngược lại. Chẳng hạn như tại VN hay có chứng bệnh đa tâm lý (mass psychogenic), khi một số trẻ em và thiếu niên có những biểu hiện mệt mỏi về cơ thể như yếu, nôn mửa, hoa mắt chóng mặt... nhưng nguyên nhân thực tế lại là do tâm lý.

Qua nghiên cứu các ca khủng hoảng của thanh thiếu niên trong trường học, có thể nói phần lớn nguyên nhân dẫn đến rối loạn SKTT của thanh thiếu niên thường là những thất bại trong học tập và rèn luyện, những khó khăn, thách thức trong quan hệ với cha mẹ, thầy cô, bạn bè, bạn khác giới, tình trạng bạo hành trong gia đình và nhà trường...

Dấu hiệu của một trẻ em bị rối loạn SKTT như thế nào, thưa ông?

- Nhìn chung, dấu hiệu quan trọng cho thấy một trẻ em cần giúp đỡ đó là khi chúng có những thay đổi và rắc rối trong học tập, quan hệ bạn bè, đời sống... Cụ thể là đứa trẻ bỗng dưng co cụm lại trong các mối quan hệ, luôn âu lo và hoảng hốt, thường xuyên trong trạng thái giận dữ hoặc cáu kỉnh; thái độ hoặc tình cảm của trẻ thay đổi đột ngột, có thể đó là một dấu hiệu của các vấn đề về rối loạn SKTT. Điều quan trọng là phải tìm ra nguyên nhân chính gây ra những tổn thương tinh thần cho trẻ.

Báo động đáng lo ngại
Trên thực tế, VN đang có nhiều báo động đáng lo ngại về các vấn đề tâm lý ở lứa tuổi học sinh như chán học, nghiện trò chơi điện tử đến quên ăn, đua xe, trầm cảm, ngất tập thể, tự tử tập thể...

Nghiên cứu mới nhất của Sở Y tế Hà Nội, Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương phối hợp với ĐH Melbourne (Australia) trong khuôn khổ dự án "Chăm sóc SKTT học sinh trường học tại HN" cho thấy, trong nhà trường luôn có một tỉ lệ học sinh có vấn đề về SKTT. Theo đó, 15,94% em có rối nhiễu về tâm lý. Lạm dụng chất gây nghiện đang tăng nhanh chóng trong thanh thiếu niên. Trong số các ca tự sát, 10% ở độ tuổi từ 10-17 tuổi. Trong những năm gần đây, rất nhiều vấn đề liên quan đến sức khoẻ tâm thần đang nổi lên như stress, lo âu, ám ảnh, trầm cảm, tự sát trong học sinh, trường học, các biểu hiện suy nhược và rối loạn cơ thể...

Tỉ lệ này được dự báo sẽ đặc biệt tăng do phải đối mặt với các vấn đề đô thị hoá nhanh chóng (dẫn đến ô nhiễm môi trường, thay đổi cấu trúc gia đình, số lượng lớn gia cư không ổn định…), những thay đổi kinh tế vĩ mô (thay đổi cơ cấu việc làm, thất nghiệp…) kéo theo các xung đột văn hoá, xã hội (phân hoá giàu nghèo, xung đột giá trị chuẩn mực...).

Nguyên nhân chính dẫn đến các vấn đề về SKTT của trẻ em VN, theo ông?

- Thực tế là nếu kỷ luật được đề ra nhưng thực hiện sai, nó sẽ gây ra thêm nhiều vấn đề về cách cư xử của trẻ, hơn là ngăn chặn vấn đề. Tại VN, nơi đang có những thay đổi mạnh mẽ cả về kinh tế và xã hội, cha mẹ có thể do áp lực công việc nên trở nên dễ cáu bẳn, ít trò chuyện với con.

Mặt khác, do bận rộn và không có thời gian cho con, nên nhiều bậc cha mẹ mua bất cứ thứ gì con thích như một sự bù đắp về tinh thần. Trên thực tế, tiền bạc và quần áo không khoả lấp được sự thiếu hụt tình cảm. Chúng sẽ cảm thấy chán nản và mất đi mối liên hệ với gia đình, rồi dính đến những thứ nguy hiểm như ma tuý, tình dục, đua xe trên đường hay trộm cắp. Đối với trẻ em, không gì quan trọng bằng việc cha mẹ dành thời gian nói chuyện, chơi cùng và lắng nghe chuyện của chúng.

Ngoài ra, người VN ít khi khen con. Trẻ con rất nhạy cảm. Nếu được khen ngợi khi làm tốt, chúng sẽ cố gắng tiếp diễn để được khen ngợi. 

Theo ông, đâu là thách thức lớn nhất trong điều trị SKTT trẻ em ở VN?

- Vấn đề lớn nhất tại VN hiện nay là thiếu những bác sĩ chuyên nghiệp. Vì đây là một lĩnh vực khá mới mẻ ở VN nên VN chưa đưa ra một tiêu chuẩn cụ thể về nhà tâm lý học hoặc người trị liệu về sức khoẻ tinh thần trẻ em.

Vì vậy rất nhiều người ở VN không đủ trình độ hoặc chưa từng được đào tạo bài bản lại đang thực hiện những trị liệu rối loạn tinh thần trẻ nhỏ. Trên thực tế, họ gây ra nhiều tổn thương hơn cho trẻ hơn là giúp các em. Chẳng hạn như, sẽ rất khó có thể "chữa" được bệnh tự kỷ, hoặc tăng trí thông minh cho một đứa trẻ, nhưng nhiều người lại dựng biển rằng họ làm được điều đó. Chúng ta chỉ có thể giúp đỡ và hướng dẫn những em mắc bệnh tự kỷ cách sinh hoạt bình thường hơn, hay giúp ai đó có kết quả học tập tốt hơn, chứ không thể chữa được bệnh tự kỷ hay làm tăng trí thông minh.

Dù phương Tây đã phát minh rất nhiều liệu pháp chữa trị rối loạn tâm thần hiệu quả, nhưng không thể đảm bảo rằng những liệu pháp này có thể hữu dụng tại những quốc gia phương Đông với nền văn hoá khác biệt như Việt Nam. Vì vậy, những biện pháp này cần phải được chỉnh sửa và đánh giá để đảm bảo chúng mang lại hiệu quả ở VN.

- Xin cảm ơn ông!

Theo tiến sĩ Hoàng Mai - Trường Cao đẳng Sư phạm TƯ TP Hồ Chí Minh, trẻ em VN ngày nay phải chịu rất nhiều áp lực, đặc biệt là "chạy đua với thời gian". Trẻ em phải đến trường nhiều hơn, bố mẹ bận bịu ít có thời gian với con cái, các bậc cha mẹ lao theo chủ nghĩa vật chất, có xu hướng mong muốn con cái mình thành đạt ở tất cả các mặt để chúng cũng được "hưởng cuộc sống tốt hơn".

Trong khi đó, chương trình giáo dục tại VN chưa hoàn thiện, khiến cho trẻ em chịu nhiều hậu quả như chương trình phổ thông quá nặng so với thế giới, kiến thức để trẻ thu nhận được quá coi trọng, nhưng kỹ năng vận dụng để khám phá xung quanh hầu như không được phát huy. Kỹ năng sống thì thiếu hụt, nghèo nàn, khập khiễng. Càng học lên lớp trên, thời gian để trẻ tham gia hoạt động ngoại khoá càng bị thu gọn nếu không nói bị cắt hoàn toàn.

Hậu quả là tạo ra một lớp trẻ ngơ ngác như "gà công nghiệp", thụ động, ích kỷ, yếu ớt, vụng về. Vì những ước nguyện của cha mẹ, các trẻ luôn phải chạy đua với hàng loạt các hoạt động đã được lên kế hoạch một cách chặt chẽ đến từng giờ. Như thế, cuộc sống của trẻ em bị dồn vào thế vội vàng giống người lớn. Do người lớn đã quá xem trọng cuộc sống vật chất và hạ thấp giá trị của tuổi thơ đến mức gây hại cho trẻ em.


Lao động

Cùng chuyên mục

Sức sống mới nơi vùng cao biên giới
(HGĐT)- Điểm nổi bật đầu tiên nhận thấy được của Mèo Vạc trong năm qua đó là tốc độ tăng trưởng GDP đạt 16,83%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, sản xuất nông - lâm nghiệp thay đổi tích cực.
28/03/2008
Những phụ nữ vượt nghèo ở Yên Lập
(HGĐT)- Chi hội trưởng Phụ nữ thôn Yên Lập, xã Yên Thành (Quang Bình) 38 tuổi Hoàng Thị Oanh, gắn bó với Hợp phần tín dụng bắt buộc được Dự án DPPR đầu tư từ tháng 8.2005 vui vẻ cho biết: Hợp phần của chị thu nạp 20 chị em trong tổ tín dụng bắt buộc và cả 20 chị em... đều nghèo.
28/03/2008
Đến với “Làng lính” Tùng Vài
(HGĐT)- Trên khắp dải biên cương Hà Giang, trong tâm khảm của mỗi cán bộ, chiến sỹ (CBCS) biên phòng, họ đều coi: “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”. Có rất nhiều CBCS biên phòng đã sinh cơ lập nghiệp trên mảnh đất biên giới, song có lẽ nhiều nhất phải kể đến Đồn biên phòng Tùng Vài, huyện Quản Bạ.
27/03/2008
Trường Mầm non thực hành Hoa Hồng (trực thuộc trường CĐSP T.Ư) tặng quà xã Nghĩa Thuận
(HGĐT)- Ngày 24.3, Đoàn cán bộ giáo viên trường Mầm non thực hành Hoa Hồng (trực thuộc trường CĐSP T.Ư) đến thăm và tặng quà xã Nghĩa Thuận (Quản Bạ).
26/03/2008