Những phụ nữ vượt nghèo ở Yên Lập
(HGĐT)- Chi hội trưởng Phụ nữ thôn Yên Lập, xã Yên Thành (Quang Bình) 38 tuổi Hoàng Thị Oanh, gắn bó với Hợp phần tín dụng bắt buộc được Dự án DPPR đầu tư từ tháng 8.2005 vui vẻ cho biết: Hợp phần của chị thu nạp 20 chị em trong tổ tín dụng bắt buộc và cả 20 chị em... đều nghèo.
Gần 3 năm được dự án hỗ trợ 12 triệu đồng cho vay mua giống, vật tư hỗ trợ sản xuất, đến nay đã có 2/3 số chị em đưa gia đình họ thoát nghèo, nâng số quỹ (cả vốn đầu tư ban đầu, cộng lãi cộng dồn do chị em đóng góp) lên 15.850.000đ. Riêng số tiền đó “không bao giờ” được “ngủ yên” trong két, mà luôn được chị em trong tổ vay đầu tư mở rộng hoặc hỗ trợ trồng cấy, chăn nuôi...
Chị Hoàng Thị Đoan, 46 tuổi được xếp nghèo nhất xã Yên Thành vì thiếu vốn, kiến thức làm ăn đã thừa nhận: Gia đình chị vẻn vẹn 2.000 m2 ruộng, làm quanh năm chỉ đủ nuôi 4 miệng ăn. Không có tích trữ, không có kiến thức, ít va chạm nên 2 vợ chồng, 2 đứa con phải cặm cụi cấy hái. Vì không có dự trữ nên mùa màng “cấy chay” là chủ yếu, năng suất thấp. Đi đôi việc đóng góp, mua sắm quần áo, sạch vở cho con, tiền chi phí cưới, hỏi, hiếu hỷ, đưa đến cái nghèo truyền nối mãi. Vào Hợp phần tín dụng bắt buộc của thôn được tập huấn kiến thức làm ăn, được vay vốn (từ 100.000 - 200.000 đ/lần vay), đã giúp chị nhận thức cách làm mới, biết chăm bón, phòng bệnh kịp thời cho cây trồng, vật nuôi. Đến đầu năm 2008, gia đình chị Đoàn đã thoát nghèo, có trâu, lợn nuôi, có vườn rau tươi tốt.
Chị Hoàng Thị Ngọc, Chi hội Phó Chi hội Phụ nữ thôn Yên Lập đã cùng chị em trong hợp phần của mình tổ chức nhiều buổi tập huấn làm ăn. Nhiều buổi sinh hoạt Câu lạc bộ “kinh nghiệm” trong tổ và rất nhiều đợt ra quân giúp nhau: Làm ruộng, làm chuồng trại và cả giúp cấy hái trong mùa vụ để kịp vụ, đúng lúc, cấy trồng, nuôi chăm kịp thời, khoa học. Chị Hoàng Thị Thành, Hoàng Thị Oanh... đều nhờ những đồng vốn vay từ 100 - 200 ngàn/lần vay, nhờ các buổi sinh hoạt, tập huấn mà trở thành những người làm cho các “bếp lửa” mỗi nhà nghèo trước đây, ngày một “ấm” lại. Tới thăm mô hình vườn rau tập trung của nhóm chị Hoàng Thị Oanh cho biết thêm: Từ khi có sự hỗ trợ ban đầu của hợp phần đầu tư 12 triệu, tổ đã cho vay đều theo nhu cầu, nhưng không quá 1 triệu đồng/lần vay/chị, để cấy lúa, trồng ngô, lạc, rau đậu... số tiết kiệm đóng quỹ “bắt buộc” hàng tháng cứ đủ 100.000đ lại được cho vay tiếp. Nhờ tiền vốn đầu tư nhỏ nói trên, cộng kiến thức được trang bị, đến nay tổ hợp phần của các chị đã gần... hết nghèo.
Thật cảm động vì 100 - 200 ngàn đồng/lần vay lại giúp được những người nghèo thoát nghèo và đây cũng chính là “điểm chốt” về sự trang bị kiến thức tại chỗ, hỗ trợ tại chỗ, đi kèm với những cán bộ tổ hợp phần nhiệt tình, năng động và gắn bó phong trào xóa nghèo.