Hùng An có nhiều khởi sắc
(HGĐT)- Là một xã thuần nông, cũng như các địa phương khác trong tỉnh, người dân xã Hùng An (Bắc Quang) chủ yếu dựa vào nông nghiệp là chính. Những năm trước đây, do tập quán canh tác lạc hậu, theo lối quảng canh, sản phẩm tự túc, tự cấp nên đời sống của hầu hết người dân trong xã đều khó khăn.
5 năm trở lại đây, nhờ biết vận dụng khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng, thâm canh tăng vụ, đưa các loại cây trồng có năng suất cao vào gieo trồng nên đời sống của người dân Hùng An đã từng bước được cải thiện, nhiều gia đình đã tạo được sản phẩm hàng hoá bán ra thị trường. Mặc dù diện tích đất canh tác không nhiều nhưng Hùng An đã tận dụng mọi nguồn nước để cấy hết diện tích đất ruộng. Trong năm 2007 vừa qua, xã đã cấy 448,5 ha, đạt 100% kế hoạch. Cùng với tăng diện tích, các giống lúa mới có năng suất cao được đưa vào gieo trồng, với 150 ha. Vì vậy, năng suất lúa trung bình hàng năm đạt trên 52,4 tạ/ha. Đặc biệt, cây ngô, đậu tương không những được bà con trồng nhiều trên diện tích đất sỏi, đất bãi mà còn được trồng nhiều xuống các chân ruộng bằng các giống ngô lai như: NK66, DK 888, năng suất đạt 28 tạ/ha. Trong vụ xuân năm nay, mặc dù bị ảnh hưởng khô hạn nhưng xã đã tận dụng mọi nguồn nước để phấn đấu gieo cấy 209 ha, trong đó, diện tích lúa lai chiếm gần 80%. Cùng với việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, tăng vụ, thời gian qua xã còn tích cực chỉ đạo nhân dân nuôi trồng thuỷ sản, phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm. Hiện nay, xã có31,5 ha mặt nước để chăn nuôi thuỷ sản, hàng năm bán ra thị trường hàng trăm kg cá các loại đem lại thu nhập đáng kể cho người dân. Về chăn nuôi gia súc, nếu như trước đây, nông dân thường nuôi gia súc thả rông sau mùa vụ thì nay đã bắt đầu chuyển sang trồng cỏ để chăn nuôi nhốt, vỗ béo bán ra thị trường, được giá cao hơn. Đàn gia súc, gia cầm được nhân dân chăm sóc, phát triển nhanh cả về chất lượng, số lượng và đa dạng các đàn vật nuôi, với đàn trâu có trên 1.300 con, đàn lợn gần 7.000 con, đàn dê 659 con, đàn gia cầm có 100 ngàn con. Song song với chuyển đổi cơ cấu nông nghịêp, lâm nghiệp cũng được địa phương chú ý phát triển mạnh mẽ. Thông qua các chương trình dự án, đến nay toàn xã đã trồng được 1.625,65 ha rừng keo, mỡ và bước đầu cây trồng đã đem lại thu nhập cho người dân. Bằng sự cố gắng, nỗ lực vươn lên, bộ mặt KT-XH ở Hùng An đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Năm 2007, tổng giá trị sản xuất ra được 71,5 tỷ đồng; tổng sản phẩm lương thực 2.750 tấn; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 7 triệu đồng/năm; số hộ giầu chiếm 16,8 %, hộ nghèo chỉ còn 6,52 %. Mặc dù vậy, những việc đã làm được cũng như những kết quả đạt được trong thực tế vẫn chưa tưng xứng với tiềm năng của địa phương. Để đạt được kết quả cao trong phát triển KT-XH, trong thời gian tới, Hùng An tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc thâm canh tăng vụ, áp dụng KHKT vào sản xuất. Tăng cường công tác khuyến nông, khuyến lâm, tập huấn kỹ thuật gieo cấy, phòng trừ sâu bệnh. Đặc biệt là tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân mở rộng canh tác cánh đồng 30 triệu đồng/ha trên địa bàn. Để làm tốt việc này, ngoài tích cực chỉ đạo nhân dân thực hiện, xã cần có nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình thuỷ lợi để chủ động nguồn nước tưới tiêu phục vụ sản xuất, thâm canh tăng vụ. Bên cạnh đó, thực hiện tốt các chỉ tiêu cây trồng lâm nghiệp, trồng cỏ phục vụ cho phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá...
Tin tưởng rằng, với sự quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, Hùng An sẽ thực hiện ngày càng có hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao mức sống cho nhân dân trên địa bàn.
Ý kiến bạn đọc