Thực hiện nghiêm quy định phòng, chống tai nạn lao động
Trong hơn một tháng qua, người dân cả nước bàng hoàng trước thông tin hàng loạt vụ tai nạn lao động nghiêm trọng xảy ra ở nhiều địa phương, cướp đi sinh mạng của hàng chục người.
Vụ sập mỏ đá ngày 12-1, tại thị trấn Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. |
Ðiều đáng nói trong các vụ tai nạn lao động này là có một số mỏ đá, lò gạch đã hết thời hạn khai thác, sử dụng. Và chỉ đến khi tai nạn xảy ra, các nhà quản lý, cơ quan chức năng mới đi tìm nguyên nhân và xem lại trách nhiệm của mình. Ðến nay cũng không ai dám chắc rằng hàng trăm mỏ đá và lò gạch đang hoạt động có bảo đảm an toàn không, mạng sống của hàng nghìn lao động nghề này có bị đe dọa?
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng tai nạn lao động ngày càng có chiều hướng gia tăng, chủ yếu là do lỗi của chủ sử dụng lao động. Không ít doanh nghiệp chỉ quan tâm lợi nhuận, vi phạm an toàn lao động. Các doanh nghiệp và lực lượng lao động gia tăng nhưng công tác thanh tra, giám sát việc chấp hành quy định an toàn lao động, nhất là tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chưa đạt yêu cầu. Hệ thống thanh tra lao động hiện nay vừa thiếu, vừa yếu. Bên cạnh đó, nhận thức của doanh nghiệp đối với an toàn lao động chưa đúng và đầy đủ. Nhiều doanh nghiệp huy động công nhân làm thêm, tăng ca, nhưng chưa quan tâm cải thiện điều kiện làm việc. Việc huấn luyện an toàn cho lao động đôi khi chỉ làm hình thức. Ðặc biệt, nhiều công ty khoán trắng cho lao động, thiếu sự kiểm tra, giám sát thường xuyên. Về phía lao động, do thiếu hiểu biết, ý thức kỷ luật kém, mải chạy theo tiến độ, đã dẫn đến tai nạn. Có trường hợp quy định an toàn lao động đã có, nhưng người ta không tuân thủ.
Những ngày giáp Tết, số ca tai nạn lao động gia tăng hơn bình thường, nhất là tai nạn lao động xảy ra trong ngành xây dựng. Bởi đây là thời điểm nhiều công trình tăng cường tiến độ thi công để hoàn thành trước Tết. Ðể hạn chế tối đa những tai nạn gây hậu quả nghiêm trọng, việc tuyên truyền cần được cải tiến để sâu sát đến từng đối tượng. Những tai nạn cụ thể của từng ngành nghề, lĩnh vực nên được phổ biến đến người lao động ở lĩnh vực, công việc đó để họ dễ hình dung, phòng tránh hơn là cách thức thông tin chung chung. Ðồng thời, từ những sự việc cụ thể, các ngành chức năng sẽ rút ra những quy định phù hợp với thực tiễn để bổ sung vào các định chế, quy phạm an toàn, vệ sinh tai nạn lao động. Một cam kết trách nhiệm giữa người sử dụng lao động và người lao động về tuân thủ nghiêm ngặt nội quy lao động cũng là điều cần thiết và cấp bách. Bên cạnh hình thức khen thưởng những đơn vị làm tốt, việc truy tố hình sự và buộc các doanh nghiệp để xảy ra sự cố nghiêm trọng giải trình trước chính quyền, các ngành chức năng... cần được đẩy mạnh.
Ý kiến bạn đọc