Bỏ rào cản cho bảo hiểm y tế tự nguyện !
Từ hôm nay 14.1, Bất kỳ ai có nhu cầu đều có thể mua bảo hiểm y tế mà không còn bị "làm khó" như trước. Ông Hoàng Kiến Thiết, Trưởng ban BHYT tự nguyện - Bảo hiểm xã hội VN giải thích:
- Thông tư liên tịch số 14/2007 Liên bộ Y tế - Tài chính hướng dẫn sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư liên tịch số 06/2007 ngày 30.3.2007 về thực hiện BHYT tự nguyện đã được ban hành ngày 10.12.2007, nhưng vì chậm đăng Công báo (đến ngày 30.12.2007 mới đăng) nên phải chờ đến 14.1.2008 thông tư mới có hiệu lực. Khi thực hiện, thông tư có một số điểm mới sẽ tạo thuận lợi cho người tham gia BHYT tự nguyện.
* Thưa ông, quy định nào thể hiện điểm mới này?
Ông Hoàng Kiến Thiết - ảnh: Nam Sơn |
- Một số điều kiện từng được coi là "khó" cho người mua thẻ đã bị bãi bỏ. Đáng được quan tâm nhất là bãi bỏ quy định "100% thành viên trong hộ gia đình, 10% số hộå gia đình trong phạm vi địa bàn xã và 10% số học sinh, sinh viên trong danh sách học sinh, sinh viên trong nhà trường tham gia". Điều kiện này từng được cho là khó khăn, vì người muốn tham gia không thể chủ động mà phải phụ thuộc vào những người khác trên địa bàn. Với điều kiện mới thông thoáng, chắc chắn số người tham gia sẽ tăng nhiều trong thời gian tới.
* Nhưng nhiều người phàn nàn vì chưa biết mua BHYT tự nguyện ở đâu, như thế nào?
- Như tôi đã giải thích ở trên, việc chính thức triển khai theo quy định mới phải chờ thông tư có hiệu lực; nhưng công tác chuẩn bị mở rộng cho việc phát hành thẻ cũng đã được chuẩn bị. Hệ thống của BHYT tự nguyện được mở rộng đếán tận phường, xã, tuy nhiên chưa thể phủ hết 100%. Vì vậy, tại địa phương, nơi chưa có đại lý tại xã, phường, cơ quan bảo hiểm xã hội cấp quận, huyện sẽ có trách nhiệm cử người xuống tận xã phường để tiếp nhận phí đóng của người tham gia. Thời gian phát hành thẻ chủ yếu vào cuối năm dương lịch, nhưng mỗi tháng đều có thu phí bổ sung (từ ngày 15 đến hết ngày cuối cùng trong tháng). Cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ thông báo rộng rãi việc tổ chức thu phí BHYT tự nguyện với người dân trên địa bàn. Hình thức này nhằm đảm bảo thuận lợi nhất cho người có nhu cầu tham gia.
* Thưa ông, Thông tư 14 còn điều kiện mới khác, đó là tăng phí đóng. Nó có là điều kiện "khó" mới phát sinh?
- Với quy định mới theo Thông tư 14/2007, tùy đối tượng, khu vực, mức tăng khoảng 20.000đ/thẻ/năm; như vậy không phải là nhiều. Tuy nhiên, với một số nơi, mức tăng sẽ cao hơn; đó là những địa phương điều kiện kinh tế còn khó khăn, trước đây, họ áp dụng thu phí thấp hơn (theo Thông tư 06 cũ, các địa phương có thể quy định mức đóng riêng trên cơ sở khung giá đã được phê duyệt). Còn theo quy định mới lần này, mức đóng sẽ áp dụng chung cho người sống tại các khu vực nông thôn, thành thị (240.000đ/người/năm và 320.000đ/người/năm); mức đóng của học sinh, sinh viên đang theo học tại các trường khu vực nông thôn, khu vực thành thị (100.000đ/người/năm và 120.000đ/người/năm), các địa phương sẽ không tự quy định trên khung giá chung.
Xin lưu ý thêm, dù mức đóng có tăng như đã nêu thì cũng vẫn thấp hơn nhiều so với dịch vụ mà người tham gia BHYT tự nguyện được hưởng. Thực tế, thời điểm năm 2006, quỹ khám chữa bệnh (KCB) đã chi đến 885.000đ/thẻ/năm. Ước tính, trong năm 2008, mức chi trả này có lẽ sẽ tăng hơn do chi phí dịch vụ y tế tăng. Như vậy, với đối tượng tham gia BHYT tự nguyện thì mức hưởng đã cao hơn nhiều so với mức đóng. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến bội chi quỹ trong thời gian qua và nhiều khả năng còn tiếp tục bội chi trong năm tới.
* Bội chi - vỡ quỹ từng là mối quan tâm của người tham gia BHYT tự nguyện, bởi nó chính là nguyên nhân khiến các quy định về điều kiện, quyền lợi của người tham gia liên tục thay đổi. Vậy, tình trạng này có lặp lại?
- Khi ban hành Thông tư 14, các Bộ liên quan đều đã dự báo, sẽ lặp lại tình trạng bội chi quỹ, thậm chí, mức bội chi có thể sẽ nặng nề hơn. Tuy nhiên, vì quyền lợi người dân, các quy định thông thoáng vẫn được thực hiện. Mức bội chi - theo tính toán của chi phí năm 2006-2007 đã là 800 tỉ đồng/1 triệu thẻ BHYT tự nguyện/năm. Thời gian tới, nếu số chi của quỹ khám chữa bệnh BHYT tự nguyện bị vượt quá mức thu, Bảo hiểm xã hội VN được sử dụng kinh phí của quỹ dự phòng BHYT bắt buộc để đảm bảo chi trả đầy đủ, kịp thời.
Trong trường hợp đã sử dụng các quỹ dự phòng mà vẫn không đảm bảo nguồn chi trả thì Bảo hiểm xã hội có trách nhiệm báo cáo Liên bộ Y tế - Tài chính để phối hợp trình cấp thẩm quyền xem xét, xử lý cụ thể. Như vậy, nguồn kinh phí cho quỹ đã được chủ động, đảm bảo ổn định hơn trong thực hiện BHYT tự nguyện.
Quyền lợi của người tham gia BHYT tự nguyện Người tham gia BHYT tự nguyện khi khám chữa bệnh ngoại trú, nội trú tại các cơ sở khám chữa bệnh BHYT tự nguyện được: - Xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng; thuốc, dịch truyền theo danh mục; máu và các chế phẩm của máu; các phẫu thuật thủ thuật; chăm sóc thai sản và sinh đẻ; sử dụng vật tư thiết bị y tế và giường bệnh. - Được thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh ngoại trú khi chi phí dưới 100.000 đồng/lần. Từ 100.000đ trở lên được thanh toán 80%. - Được thanh toán 80% chi phí khám chữa bệnh nội trú. - Trường hợp sử dụng kỹ thuật cao, chi phí lớn, được cơ quan Bảo hiểm xã hội thanh toán 80% chi phí, nhưng không quá 20 triệu đồng/lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật đó. * Người tham gia BHYT tự nguyện liên tục đủ 36 tháng, từ tháng thứ 37 trở đi, khi sử dụng các thuốc điều trị ung thư, thuốc chống thải ghép ngoài danh mục được phép lưu hành tại VN, thì được BHYT tự nguyện thanh toán 50% chi phí. |
Ý kiến bạn đọc