Báo Tết: "đặc sản" của văn hóa Việt
Ngày Tết được ngồi bên tách trà thơm, vừa ngắm sắc hồng nồng nàn của hoa đào, vừa chầm chậm thưởng thức những trang báo Tết là một cái thú khó bề cưỡng được...
Báo Tết ngập tràn hai sắc đỏ. |
Chắc chắn là không ở đâu trên thế giới, kể cả những quốc gia có nền công nghiệp báo chí phát triển cực thinh, lại có một thứ báo đặc biệt như ở Việt Nam: báo nhưng không "nóng" và cả năm mới có một số được phát hành.
Chẳng biết việc ra số báo dành riêng cho dịp Tết bắt đầu từ bao giờ và ai là người khởi xướng, cũng chẳng biết tại sao giới làm báo Việt Nam lại nảy ra cái chuyện làm báo Tết nhưng từ hàng chục năm nay, báo Tết đã trở thành một vật phẩm văn hóa không thể thiếu, cũng như bánh chưng, mứt tết..., trong dịp đón năm mới truyền thống của người Việt.
Người làm báo hãnh diện khi có bài đăng báo Tết. Mọi gia đình không chỉ mua một mà thường mua dăm ba tờ báo Tết và vừa đọc vừa cẩn trọng nâng niu.
Ngày Tết được ngồi bên tách trà thơm, vừa ngắm sắc hồng nồng nàn của hoa đào, vừa chầm chậm thưởng thức những trang báo Tết là một cái thú khó bề cưỡng được... Thiếu báo Tết, cứ e hương vị Tết nhạt nhòa đi đâu mất.
Việc chuẩn bị cho báo Tết được tiến hành trước cả 3 - 4 tháng, thế nên, chắc chắn những tin tức thời sự nóng hổi (vốn là đặc trưng của báo chí) không thể có, thay vào đó là những bài viết đậm cảm xúc, mang tính giải trí và suy ngẫm. Nhưng cách viết báo đó quả thật là hợp với quãng thời gian nghỉ ngơi của ba ngày Tết để độc giả vừa từ tốn đọc, vừa ngẫm ngợi và cười một mình khi khám phá được những điều thú vị.
Thế nên, ví như có một năm nào đó, các tòa soạn đồng loạt không ra báo Tết, chắc hẳn mọi người đều cảm thấy một cái Tết trống vắng và không đầy đủ.
Dấu ấn văn hóa Việt
Riêng tôi, người viết bài này, tôi vẫn luôn nghĩ rằng báo Tết là những sản phẩm in đậm dấu ấn văn hóa truyền thống của người Việt, cho dù báo chí là là sản phẩm văn hóa được du nhập từ nước ngoài.
Đầu tiên, có thể kể đến tư duy là báo Tết có phần nào bắt nguồn từ tư duy cố hữu của người Việt là luôn muốn dành cái hay nhất, cái tốt nhất, cái đẹp nhất cho dịp Tết. Bởi thế, đối với bất kỳ tòa soạn báo nào, báo Tết luôn là số báo đẹp nhất, được chuẩn bị công phu nhất và là nơi tập hợp những bài viết tinh hoa nhất trong cả năm.
Dấu ấn đó còn là những bài viết về các con giáp biểu trưng cho năm mới. Bất kỳ tòa soạn nào có tư duy mới mẻ đến đâu thì cũng khó có thể thiếu một đôi bài viết có đề cập đến con giáp của năm.
Nhưng có lẽ đậm nét nhất phải kể đến là dấu ấn của văn hóa hội hè - nét văn hóa tiêu biểu của người Việt. Điều đó thể hiện ở màu sắc được sử dụng trong tờ báo: Dù báo Tết đã có từ hàng chục năm nay nhưng hai màu vàng - đỏ (biểu trưng cho lễ hội, cho hạnh phúc và phồn vinh) vẫn là gam màu phổ biến nhất của báo Tết.
Nét văn hóa hội hè còn thể hiện ở chỗ báo Tết là số báo tập hợp nhiều cây bút nhất. Ngoài những cây bút ăn lương tòa soạn, báo Tết còn là nơi hội tụ của đông đảo cộng tác viên như thể tờ báo là một không gian lễ hội còn người viết là người trảy hội.
Và đương nhiên lễ hội thì phải vui nên báo Tết thường tránh những đề tài u ám hay có thể gợi lên điềm gở. Nhờ thế, thơ, truyện ngắn, chùm ảnh, tranh vui... là những thể loại được ưa chuộng khi làm báo Tết.
Văn hóa truyền thống còn biểu hiện trên các trang báo viết qua những bài "ôn cố", đại loại như "phong tục Tết xưa", những cái Tết lịch sử"... Cách làm đó tuy có phần không hay bởi có thể dẫn đến những tờ báo Tết na ná nhau, năm nay chẳng có gì khác năm nọ nhưng, có thể nói, với cách làm này, báo chí cũng góp một phần lưu giữ ký ức dân tộc, bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống.
Và sự chuyển mình của báo Tết
Do đặc trưng là năm nào các tòa soạn cũng ồ ạt ra báo Tết nên khó có thể tránh được chuyện "nhai lại" những thông tin đã cũ. Nhưng trong vài năm gần đây, khi báo chí đã được coi là một ngành kinh tế, những tờ báo được bao cấp đang thưa dần đi thì tư duy làm báo Tết cũng có sự chuyển đổi đáng kể.
Đầu tiên là sự ra đời của báo điện tử và sự phát triển mạnh mẽ của truyền hình đã khiến cho báo Tết được tăng dần độ "nóng" và không khí làm báo trong mấy ngày Tết có phần sôi nổi hơn. Tất nhiên, không thể tránh được sự chuẩn bị trước một phần lớn nội dung nhưng trong mấy ngày Tết, các báo điện tử và các đài truyền hình vẫn cập nhật thời sự. Chỉ có các báo in là vẫn giữ nguyên nếp làm cũ.
Tư duy làm báo Tết cũng thay đổi hơn qua việc đưa ra những chủ đề mang tính thời đại và giảm bớt những bài viết hoài cổ như Tết truyền thống, ngày này năm xưa hay đề tài con giáp... Tuy nhiên, số báo làm được điều này vẫn chỉ đếm được trên đầu ngón tay với toàn những tên tuổi lớn, đa số còn lại vẫn chưa thoát ra được nếp cũ, gây nhàm chán.
Thế nên, với vai trò là một phương tiện truyền thông, có lẽ báo chí cũng cần thức thời hơn trong việc đổi mới cách làm báo Tết, tránh lặp đi lặp lại những thông tin đã cũ mòn để chống lãng phí và để món "đặc sản" này ngày càng trở nên tinh tế hơn...!
Ý kiến bạn đọc