Hội LHPN tỉnh
Nơi nâng đỡ các gia đình hội viên
(HGĐT)- Hà Giang vốn đã gặp rất nhiều khó khăn trong các hoạt động phát triển kinh tế XĐGN, lại bị chi phối bởi một số tư tưởng lạc hậu “trọng nam khinh nữ” vẫn còn tồn tại ở một số gia đình nên nhiều chị em phụ nữ tỉnh ta không phát huy được vai trò của mình trong các hoạt động phát triển kinh tế cũng như những quyền lợi ngoài xã hội.
Vì thế, tỷ lệ hộ nghèo do phụ nữ làm chủ trong gia đình còn cao, trình độ hiểu biết của các chị em hạn chế, tình trạng phụ nữ bị bạo hành trong gia đình, trở thành những nạn nhân của các hành vi buôn bán vẫn đang diễn ra, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa... Trong hoàn cảnh đó, Hội LHPN tỉnh chính là nơi để nâng đỡ, là “mái nhà” để các hội viên tìm về chia sẻ khó khăn, lĩnh hội và tiếp thu những cách thức mới làm thay đổi phần nào cuộc sống của bản thân, gia đình và xã hội. Biểu hiện đầy đủ nhất của hoạt động này chính là việc các hội viên được Hội giúp đỡ phát triển kinh tế, XĐGN, trang bị những kiến thức cơ bản về Luật Bình đẳng giới, những kiến thức XMC... một cách thiết thực, có hiệu quả, tạo nên một thành tựu nổi bật được đánh giá cao trong năm 2007 của Hội LHPN tỉnh.
Chị Bàn Thị Ba, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, người có nhiều năm liền gắn bó với công tác hội, cho biết: Năm 2007 là năm có nhiều khởi sắc với hội, bởi nhiều chủ trương, nghị quyết của các cấp hội đã không còn dừng lại ở những “lý thuyết suông” mà đã được cụ thể hoá thành những chương trình hành động cụ thể triển khai ở 11 huyện, thị, có sự điều tiết, hỗ trợ, giám sát của các cấp hội. Điều đó đã tạo điều kiện cho các hội viên có cơ sở vững chắc đẩy mạnh phát triển kinh tế, XĐGN, nâng cao trình độ mọi mặt. Nhiều Câu lạc bộ Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế... đã được xây dựng và đi vào hoạt động cùng với các mô hình, dự án phát triển kinh tế XĐGN trong các hội viên dựa vào điều kiện thực tế của từng vùng miền như: Mô hình HTX trồng rau, hoa trái vụ 20.10 (Quản Bạ); HTX chăn nuôi gia súc, gia cầm (Bắc Quang); Dự án nuôi thử nghiệm cá Chiên lồng ở 5 xã của Bắc Quang, Vị Xuyên; Dự án nâng cao năng lực tham gia hoạt động cộng đồng cho phụ nữ dân tộc thiểu số (Quản Bạ); cải thiện quyền năng KT-XH cho nhóm phụ nữ dễ bị tổn thương... tạo nên một “điểm tựa” vững chắc cho tất cả các hội viên đi lên khẳng định mình trong gia đình và xã hội. Lồng ghép với những mô hình kinh tế này chính là các Câu lạc bộ: “Trách nhiệm chia sẻ”; Trợ giúp pháp lý, Phụ nữ tìm hiểu pháp luật; các buổi tập huấn kiến thức “Giới, lồng ghép giới”, chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống bạo lực gia đình được hội chú trọng tuyên truyền, nhằm trang bị cho các hội viên những kỹ năng, kiến thức cơ bản xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc và bình đẳng, tiến bộ. Thành công của hoạt động này không chỉ dừng lại ở việc phát huy được những tiềm năng trong các gia đình hội viên mà còn làm thay đổi cơ bản nhận thức của chị em trong phát triển kinh tế, XĐGN, xây dựng gia đình hạnh phúc trên cơ sở bình đẳng.
Điểm nổi bật nhất của những mô hình kinh tế, các dự án này chính là đã phản ánh được một cách khách quan, sự lôgic của 6 chương trình trọng tâm do hội triển khai thực hiện tại cơ sở. Bởi đó là cả một quá trình tuyên truyền vận động, giáo dục, xây dựng củng cố tổ chức hội... một cách quy mô, bài bản, khoa học, có sự hưởng ứng nhiệt tình của các hội viên. Trong năm qua, Hội LHPN tỉnh đã đứng ra tín chấp cho 20.857 hội viên vay 158.856 triệu đồng từ các nguồn của Ngân hàng Chính sách xã hội, vốn giải quyết việc làm... cho các hội viên phát triển kinh tế, đồng thời tiến hành phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn nghiệp vụ vay vốn, chuyển giao KHKT cho các hội viên, giúp các hội viên nắm được quy trình hoạt động, cách thức sử dụng, điều hành đồng vốn, các mô hình kinh tế tại gia đình, phát huy được nội lực trong dân. Điều đó đã giúp nhiều gia đình hội viên xoá nghèo một cách bền vững, làm cơ sở cho việc xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc trong các hội viên, đã tạo nên bước đột phá trong công tác hội.
Ý kiến bạn đọc