Trưởng Đại diện UNICEFT tại Việt Nam:
Trẻ em cần được tham gia vào những vấn đề của chính mình
"Sự tham gia của trẻ em ở Việt Nam hiện nay đã khác rất nhiều so với cách đây 5-7 năm.
Cách đây 18 năm, Công ước Quốc tế quyền trẻ em được Đại hội đồng LHQ thông qua. Năm nay, những ai tròn 18 tuổi là những người thuộc thế hệ đầu tiên được Công ước bảo vệ từ khi sinh ra cho đến khi trưởng thành. Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và là nước thứ 2 trên thế giới phê chuẩn công ước này. Nhân dịp kỷ niệm ngày Công ước quốc tế trẻ em tròn 18 tuổi (20/11/2007), phóng viên VTV đã có cuộc phỏng vấn với ông Jesper Morch - Trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEFT) về những thành tựu và thách thức của Việt Nam sau 18 năm thực hiện Công ước Quốc tế về quyền trẻ em.
PV: Thưa ông, Công ước Quốc tế về quyền trẻ em luôn là tôn chỉ của mọi hoạt động của UNICEFT. Vậy các nguyên tắc của Công ước đó là gì?
Ông Jesper Morch: Ra đời vào ngày 20/11/1989, đến nay, đã có193 nước phê chuẩn Công ước này. Và đây là văn kiện quyền con người được nhiều nước phê chuẩn nhất trong lịch sử. Công ước Quốc tế về quyền trẻ em gồm 54 điều được xây dựng với 4 nguyên tắc cơ bản: 1. Không phân biệt đối xử; 2. Các quyền được dành điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của trẻ; 3. Quyền được sống còn và bảo vệ; 4. Quyền được phát biểu ý kiến.
PV: Ông đánh giá như thế nào về những kết quả Việt Nam đã đạt được sau 18 năm thực hiện Công ước quyền trẻ em?
Ông Jesper Morch: 18 năm qua, VN đã đạt được những thành tựu rất đáng kể trong lĩnh vực bảo vệ quyền trẻ em. Các bạn hãy nhìn vào các con số liên quan đến tỷ lệ trẻ tử vong dưới 5 tuổi và sơ sinh giảm 1 nửa; VN đã thanh toán được bệnh bại liệt, uốn ván bà mẹ và trẻ sơ sinh; tỷ lệ trẻ mắc sởi giảm 95%. Trẻ em được hưởng nền giáo dục tốt hơn. Có thể nói, VN là nước duy nhất trong các nước đang phát triển có thể đạt được những thành tích như vậy.
PV: Vậy liệu còn những tồn tại, thách thức gì và UNICEFT có khuyến nghị gì với Chính phủ VN để vượt qua những thách thức ấy?
Ông Jesper Morch: Một thách thức lớn của VN là khoảng cách giàu nghèo. Vẫn còn khoảng 10 - 15% dân số sống ở vùng sâu, vùng xa chưa được thừa hưởng những thành tựu xã hội mang lại, và đặc biệt là nhóm dân tộc thiểu số. Một thách thức khác nữa là sự tin cậy của những số liệu mang tính chuyên biệt, cụ thể của Việt Nam chưa cao, đặc biệt là những số liệu liên quan đến lĩnh vực bảo vệ trẻ em. Điều này gây khó khăn cho việc hoạch định chính sách. Chúng tôi khuyến nghị Việt Nam cần có nhiều biện pháp hơn nữa để có thể cải thiện, tăng sự tin cậy của hệ thống số liệu. Tiếp nữa, Việt Nam có thể xem xét sửa đổi định nghĩa về trẻ em. Đây không phải là vấn đề đúng hay sai nhưng hầu hết các trên thế giới cũng như các văn kiện pháp lý quốc tế đều định nghĩa trẻ em là người từ 18 tuổi trở xuống. Trong khí đó định nghĩa chính thức của Việt Nam, trẻ em là người từ 16 tuổi trở xuống. Một điều nữa tôi muốn nói đến là sự tham gia của trẻ em. Làm sao để trẻ em được tham gia 1 cách thực sự, bày tỏ quan điểm của mình trong các diễn đàn, các cơ hội các em có thể có được.
PV: Nói về sự tham gia của trẻ em, vậy làm thế nào để trẻ em có thể tham gia một cách tốt nhất vào các hoạt động của Chính phủ và xã hội?
Ông Jesper Morch: Sự tham gia của trẻ em ở VN hiện nay đã khác rất nhiều so với cách đây 5-7 năm. Tôi vẫn khuyến nghị đây là điều có thể tiếp tục được cải thiện. Sự tham gia của các em ở nhiều nơi còn có tính hình thức, chỉ là đưa vài ý kiến, kiến nghị để người lớn xem xét, không biết người lớn có tiếp thu, có thực sự thực hiện hay không. Nhiều khi chúng ta mời các em đến, các em hát vài bài, nói vài câu, các đại biểu vỗ tay rồi mời các em ra về để người lớn bàn những việc liên quan đến cuộc sống của các em. Chúng tôi mong muốn làm sao để việc tham gia của các em trở thành 1 ưu tiên của cả UNICEFT và Chính phủ, các em có thể thực sự tham gia lập kế hoạch và quyết định đến những việc thiết thực.
PV: Việt Nam đang trên đà đạt được các mục tiêu thiên niên kỷ, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề nảy sinh, trong đó có những vấn đề liên quan đến trẻ em. Ông đánh giá thế nào về điều này?
Ông Jesper Morch: Đúng là như vậy, đó là vấn đề tai nạn thương tích trong trẻ em như tai nạn giao thông, chết đuối, sự thay đổi của cấu trúc gia đình truyền thống, HIV/AIDS... Tuy nhiên, có thể nói Việt Nam là một trong rất ít nước có thể đạt được phần lớn các mục tiêu TNK vào năm 2015 như cam kết. Cái mà tôi muốn nói là về tầm quốc gia, VN sẽ đạt được các mục tiêu TNK vào năm 2015, nhưng vì khoảng cách phát triển giữa các địa phương nên không phải vào thời điểm này, các mục tiêu TNK có thể đạt được ở tất cả 64 tỉnh thành. Chúng ta cần xem xét 1 cách hết sức nghiêm túc, nghiên cứu tình hình thực tế ở các địa phương và đưa các mục tiêu TNK vào trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương cũng như toàn quốc trong giai đoạn 2011 - 2015.
PV: Trong thời gian tới, UNCEFT sẽ có kế hoạch hỗ trợ như thế nào để VN thực hiện ngày càng tốt hơn công ước quyền trẻ em?
Ông Jesper Morch: UNICEFT có mặt ở VN từ năm 1975, là 1 thành viên trong gia đình LHQ tại VN. Chúng tôi sẽ tiếp tục sát cánh cùng các tổ chức LHQ khác giúp đỡ chính phủ VN thực hiện hàng loạt dự án cũng như các hoạt động vì trẻ em. Chúng tôi sẽ đẩy mạng các hoạt động đã có với các bộ ngành, với Quốc hội, với các ban của Đảng. UNICEFT không thể đến VN với chương trình riêng của mình mà chúng tôi là 1 đối tác, cùng chính phủ xác định những khó khăn, yêu cầu rất cụ thể để làm sao có thể đáp ứng được tốt nhất cho trẻ em VN và cùng chính phủ xây dựng các chương trình chung, các hoạt động chung phù hợp với chương trình kinh tế, xã hội trong từng giai đoạn.
Ý kiến bạn đọc