Dự thảo Nghị định chính sách viện phí mới: Rõ ràng hơn, minh bạch hơn
Ngày 22-11, Mặt trận tổ quốc Việt Nam và Bộ Y tế đã có cuộc họp về việc thảo luận bản “Dự thảo Nghị định Về chính sách viện phí và hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh cho các đối tượng thuộc diện chính sách xã hội, người nghèo, cận nghèo trong các cơ sở y tế công lập” trình Quốc hội và Chính phủ trong thời gian tới.
Bản dự thảo sửa đổi được căn cứ theo Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001; Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân ngày 30 tháng 6 năm 1989 và đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã được đăng trên Website Chính phủ để lấy ý kiến nhân dân trước khi đưa ra thảo luận. Nghị định dự kiến sẽ bổ sung một số quy định về việc thu viện phí của các cơ sở y tế công lập, ngòai công lập. Theo đó, sẽ có chính sách rõ ràng về đối tượng nộp, được giảm nộp, miễn nộp viện phí.
Theo báo cáo tóm tắt được Bộ Y tế trình bày tại cuộc họp, đối tượng được miễn nộp viện phí của Nghị định mới lần này sẽ là những người bị bệnh tâm thần phân liệt, động kinh, bệnh phong, bệnh lao, người mắc các bệnh dịch truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm, người bệnh trong các trường hợp thiên tai, thảm họa lớn, người tàn tật nặng không còn khả năng lao động, trẻ em mồ côi, người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa và không có nguồn thu nhập. Ngoài ra, trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi được giảm nộp một phần viện phí.
Bản sửa đổi còn quy định một số điều về nội dung thu viện phí, hình thức thu viện phí, thẩm quyền quyết định mức viện phí, về sử dụng viện phí thu được để bảo đảm và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế. Cũng theo bản báo cáo thì việc sửa đổi chính sách viện phí sẽ giảm bớt sự bao cấp tràn lan trong khám chữa bệnh, người bệnh có khả năng chi trả viện phí phải trả đủ viện phí cho bệnh viện. Thực hiện tốt quy định này sẽ huy động được đóng góp hợp lý của các tầng lớp nhân dân trong khám chữa bệnh, dành ngân sách nhà nước để hỗ trợ các đối tượng chính sách, người nghèo, cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi với mức hỗ trợ cao hơn. Các cơ sở khám, chữa bệnh có kinh phí để đảm bảo và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế.
Đặc biệt, Nghị định sửa đổi lần này tạo sự khác biệt cơ bản về mức viện phí ở các tuyến, khuyến khích người mắc các bệnh thông thường điều trị ở tuyến dưới và tuyến cơ sở, góp phần làm giảm mức độ quá tải ở các bệnh viện tuyến trên và giảm bớt chi phí xã hội ngoài chi phí khám, chữa bệnh của người dân như chi phí đi lại, thăm nuôi…
Tại cuộc họp đã có nhiều ý kiến được đưa ra nhằm sửa đổi, bổ sung hoàn chỉnh Nghị định cho phù hợp hơn trước khi trình Quốc hội và Chính phủ.
Ý kiến bạn đọc