Điện về bản vùng cao

17:21, 26/11/2007

(HGĐT)- Chúng tôi về Đồn Biên phòng 219 vào một ngày cuối năm. Khác hẳn với miền xuôi, ở đây thời tiết rất lạnh. Gần cuối năm nên sương mù đặc quánh lối đi.


Người dân bản Xín Mần của xã Xín Mần (huyện Xín Mần) coi bộ đội Biên phòng như con của bản, vì bà con nặng lòng với bộ đội lắm. Nhờ bộ đội mà nhiều nhà biết cách dùng điện thắp sáng, mua cái đài, cái ti vi về xem sau khi có dòng điện chạy qua. Con đường về thôn Hậu Cấu và Lau Pờ, vốn đã u tịch lại càng trở nên tĩnh lặng hơn. Cũng chính con đường ấy, hàng ngày thi thoảng vẫn có bóng dáng một vài trai Mông đến thăm anh em và xem ti vi nhờ ở thôn Xín Mần vì nơi họ ở chưa có điện. Điện ở đây có thể nói quý như vàng. Ai lên mảnh đất này mới thấu hiểu cuộc sống của những con người nơi đây, 100% là dân tộc Mông. Những năm trước, người dân các bản sống trong cảnh tăm tối. Bà con chưa từng nghe và biết điện là gì. Có người hỏi: Nó có ăn được không? Năm 2004, được sự đầu tư của Chính phủ, thôn Xín Mần có đường điện Quốc gia chạy quanh vùng. Vậy là sự khát khao cháy bỏng của người dân đã trở thành hiện thực. Những cây cột ngất ngưởng, nặng trịch được người dân cùng bộ đội vần, lăn, kéo qua những mỏm núi để đưa lên đỉnh cao. Bà con không biết giá trị của nó là bao nhiêu tải ngô, bằng mấy con ngựa thồ hàng nhưng họ hiểu công sức bỏ ra để có một cây cột về tới bản là rất lớn. Có cột thì phải chôn nó xuống đất. Chuyện đi “cõng” nước lên đỉnh núi trộn bê tông có thể coi là một kỳ tích. Nước ăn vô cùng khan hiếm, nhất là mùa đông, nhưng tất cả vì nguồn sáng, vì dòng điện, vì văn minh, người dân đã không ngần ngại bỏ công sức cùng nhau gùi nước, xi-măng, đá cho công nhân đổ chân cột. Biết bao gian lao đổ vào đó, tai nạn, ốm đau luôn rình rập... gian lao vất vả là thế nên họ càng hiểu giá trị của dòng điện và nguồn sáng ấy phải đổi bằng máu xương, mất mát. Ngày đầu tiên điện về đúng độ đầu xuân. Hình như cả hôm đó là một rừng hoa, rừng cờ ngời sáng trên khuôn mặt mỗi người. Thôn bản ngập trong tiếng cười. Người người nắm tay nhau thổ lộ niềm vui: “Cái điện còn chạy nhanh hơn cả con ngựa thiến. Bật “tắc” một cái, bóng đã sáng ngay” - ông cụ 70 tuổi Già Gìn Ngán, móm mém khoe với mọi người như vậy.


Nằm trên độ cao hơn 1.500 m so với mặt nước biển, nên quanh năm ở đây trời mù đặc. Những căn nhà đất trình tường vốn đã thấp lại thêm tăm tối. Không như ở nhiều địa bàn khác có rừng, có suối, có khe nước để bà con tận dụng chạy máy phát điện loại nhỏ, Hà Giang chỉ có đá, toàn đá. Bản Xín Mần cũng thế. Mùa khô đồng bào phải đi vài ba cây số mới lấy được nước sinh hoạt. Cùng với giáo dục, y tế... thì điện cũng có vai trò vô cùng quan trọng. Điện về là văn minh khơi sáng. Những năm trước không có điện, không có ti vi, đài phát thanh chưa nhiều, do vậy lối nghĩ cổ hủ, lạc hậu ngàn đời vẫn ăn sâu trong tâm tưởng người dân. Từ chuyện không có điện nên bà con phải dùng chân, dùng tay để giã lúa, ngô. Cái đầu lúc nào cũng u mê, tăm tối, kẻ thù lợi dụng vào đó để tuyên truyền nhảm, kích động, chia rẽ mối đoàn kết toàn dân. Sau khi có điện về thôn, về xã, Cục Chính trị Quân Khu 2 đã lắp tặng bà con ở đây một Trạm thu phát sóng truyền hình, để thu và phát những chương trình phát thanh, truyền hình của đài T.Ư, địa phương. Từ khi có điện, nhiều nhà đã tiết kiệm và mua được ti vi, đài, máy xay sát. Cuộc sống người dân đổi thay từng ngày, trình độ dân trí không ngừng nâng cao.


Dòng điện về, Bí thư Đảng ủy xã Lò Văn Khún là người mua ti vi đầu tiên. Từ ngày có ti vi, ông biết thêm cách trồng ngô cho năng suất cao, biết đưa chuồng trại ra xa nhà, ăn ở hợp vệ sinh, ngồi một chỗ nhưng biết cả tình hình chính trị của tỉnh, các nước khu vực, vậy là trong buổi họp thôn, ông thông báo rộng rãi cho bà con hiểu tiện ích của dòng điện. Ông bảo: Điện quý lắm, nó như “máu của đá” trên cao nguyên “khát” mình đấy. Nhà nào có điện nhớ phải tiết kiệm thôi, không được để nó lãng phí. Hai thôn Hậu Cấu và Lau Pờ còn khổ mà, họ chưa có điện đâu. Nhiều người không hiểu hỏi lại: “Điện không có chân, nó chạy đi đâu mà mất”. Lò Văn Khún giải thích rõ hơn: “Vì trước đây không có điện nên đầu tối là phải rồi. Mình phải tiết kiệm nó bằng cách mua bóng không tốn điện, ngày đi làm thì phải tắt nó đi, mua loại dây tốt, không để dây mắc lên cành cây, điện nó “đi” hết xuống đất. Không được thắp sáng ngoài chuồng trâu, chuồng ngựa, nếu trâu, ngựa rét thì mình lấy củi đốt cho sưởi là được”. Bà con lại rầm rì: “ừ!” Thế thì hiểu rồi. Dễ tiết kiệm quá nhỉ! Nhưng cán bộ Khún à, dùng điện thì thích thật, nhưng cũng không thích lắm”. “Sao lại thế bà con?”. “Nhà tao dùng điện phải mất ngô đấy, phiên chợ vừa rồi mất cả con gà, mình phải bán nó để trả tiền điện”. “úi da, đầu mọi người biết nghĩ rồi đấy. Thế mới cần phải tiết kiệm điện để không phải bán nhiều lúa, ngô, gà”.


Điện về bản, người dân đua nhau đi mua đài về mở nhạc “xập xình” chói cả tai, tiếng loa vút lên tận Đồn Biên phòng 219 đứng chân trên địa bàn. Biết xã vận động bà con phải tiết kiệm điện, Thiếu tá Đào Hồng Hà, Chính trị viên Đồn 219 bàn với anh em đi gặp chính quyền địa phương, đề nghị đồn được lắp một loa công suất lớn để hàng ngày mở chương trình của Đài tiếng nói Việt Nam, đồng thời đơn vị thông báo tình hình an ninh chính trị địa bàn, vận động bà con nhận biết, cảnh giác với âm mưu của kẻ xấu, chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương. Cuối buổi chiều, khi mọi người đã rời nương về nhà thì mở chương trình ca nhạc phát bằng tiếng Mông, tiếng phổ thông, nêu những tấm gương sáng trong lao động sản xuất. Vậy là chỉ một chiếc loa nhưng cả bản cùng được nghe, đi lên nương cũng nghe rõ. Làm như vậy tiết kiệm được khá nhiều điện, hiệu quả lại cao. Vô tuyến cũng vậy, đồn mở và để ngoài sân, thi thoảng lại mở băng đĩa chiếu phim, hay quá, buổi tối bà con tập trung đến đó xem vừa đông vui, vừa có người bàn tán, trao đổi nghĩ cách làm ăn. Có hộ đi cả nhà lên Đồn Biên phòng xem, vậy là các bóng điện của gia đình nào cũng tắt hết. Việc làm nhỏ ấy nhưng góp phần lớn vào tiết kiệm điện năng. Lúc đầu mỗi gia đình phải nộp từ 10.000 đ đến 30.000 đ tiền điện, nhưng sau đó đã giảm xuống còn khoảng chục ngàn mỗi tháng tùy vào mức độ tiêu thụ của mỗi gia đình. Người vùng cao cuộc sống chồng chất khó khăn, việc sử dụng điện của họ chưa nhiều, chủ yếu điện mới chỉ phục vụ nhu cầu cuộc sống hàng ngày, điện dùng cho sản xuất chưa có, nhưng qua đó cho thấy ý thức của họ đã hình thành ngay từ ngày cây cột đầu tiên được dựng lên.

Có điện rồi ngô, lúa lại treo đầy gác bếp, lợn gà, trâu ngựa rồi cũng đầy chuồng vì những kinh nghiệm làm kinh tế được bà con học qua sách báo, ti vi, đài truyền thanh. Có điện rồi, bà con lại nhìn rõ hơn bước chân những người lính mang quân hàm xanh của Đồn Biên phòng 219 trên khắp nẻo biên cương. Một mai, thôn Hậu Cấu và Lau Pờ, hai thôn duy nhất của xã chưa có điện rồi ánh sáng cũng đến từng góc khuất quanh co. Và người dân lại bắt đầu đón nhận một niềm vui mới.


Hoàng Nghiệp (Hòm thư: 3NB. 20 - Phú Thọ)

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Công bố kết quả kiểm toán Đề án 112: Chủ trương đúng, triển khai sai, hiệu quả thấp
Sáng 30/10, tại Hà Nội, Kiểm toán Nhà nước đã tiến hành họp báo thông báo về kết quả kiểm toán Đề án tin học hóa quản lý hành chính nhà nước (Đề án 112) giai đoạn 2001-2005. Cuộc họp báo được tiến hành dưới sự chủ trì của Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Lê Minh Khái.
31/10/2007
Sẽ tiếp tục lộ trình điều chỉnh lương
Trước những ý kiến bức xúc về chỉ số giá tiêu dùng tăng nhanh, ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân và tình trạng tai nạn giao thông vẫn rất nghiêm trọng, trong ngày làm việc hôm 29/10 tại hội trường, các đại biểu Vũ Văn Ninh - Bộ trưởng Bộ Tài Chính; đại biểu Hồ Nghĩa Dũng - Bộ trưởng bộ Giao thông Vận tải đã có phần giải trình trước Quốc hội.
30/10/2007
Ra mắt mạng lưới phòng chống bạo lực gia đình
Hôm nay (27/10), tại Hà Nội, một số cá nhân, tổ chức chính phủ và phi chính phủ trong nước và quốc tế đã cho ra mắt mạng lưới phòng chống bạo lực gia đình tại Việt Nam, nhằm tăng cường sức mạnh trong hoạt động này.
28/10/2007
Vai trò của đảng bộ xã Minh Tân
(HGĐT ) Những năm qua, xã Minh Tân (Vị Xuyên) đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trên hầu hết các lĩnh vực kinh tế- văn hoá, xã hội, đặc biệt là trong công tác xoá đói, giảm nghèo (XĐGN). Tỷ lệ hộ khá, giàu ngày càng tăng, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần. Để đạt được kết quả đó là do vai trò lãnh đạo đúng đắn của Đảng bộ xã cùng với sự cố gắng vượt khó của chính quyền và người
27/10/2007