Đồn Biên phòng Săm Pun giúp dân xóa đói giảm nghèo

17:25, 24/09/2007

(HGĐT)- Theo những cung đường uốn lượn vắt ngang các sườn núi, phải vật lộn trên những ổ voi và những khúc cua gấp khúc thật vất vả chúng tôi đến được Đồn Biên phòng Săm Pun thuộc huyện Mèo Vạc. Trên đường đến Săm Pun, chúng tôi gặp các cháu học sinh tấp nập cắp sách đến trường, khuôn mặt nở những nụ cười hân hoan.


Bước chân vào Đồn, chúng tôi thật ngỡ ngàng, từ nhà ăn, nhà nghỉ đến nhà làm việc, sở chỉ huy đứng bề thế, hiên ngang giữa đại ngàn bao la. Lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới như khẳng định chủ quyền quốc gia ở miền cực Bắc xa xôi của Tổ quốc. Đồng bào nơi đây chủ yếu là dân tộc Mông, sống bằng nghề nông, lấy cây ngô là lương thực chủ yếu. Trước đây, do tập quán canh tác lạc hậu, cùng với thời tiết khí hậu khắc nghiệt, nên hiệu quả năng suất còn thấp. Trong khi đó vẫn có những hộ di cư tự do, vượt biên trái phép và một số đối tượng xấu lợi dụng tự do tín ngưỡng đã truyền đạo trái phép gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị. Trước tình hình đó, cấp ủy chỉ huy đồn Biên phòng Săm Pun đã quán triệt, triển khai thực hiện công tác dân vận và tăng cường nhiệm vụ tuần tra bảo vệ đường biên mốc giới, đồng thời phối hợp với cấp ủy, chính quyền củng cố hệ thống chính trị từ thôn bản đến xã.

Những ngày ở Săm Pun, chúng tôi đến thăm chợ Xín Cái, vào phiên chợ có đông đảo người dân của nước ta và nước bạn Trung Quốc đến mua bán và trao đổi. Đồng chí Đại úy Phạm Hồng Sơn, Đồn phó, cho biết: Từ khi có chính sách mở cửa, người dân đến chợ ngày càng đông hơn. Các sản phẩm như ngô, lúa... làm ra được bán và trao đổi ngày càng nhiều. Đến nay đời sống của người dân đã được cải thiện rõ rệt, thu nhập lương thực đạt trên 300kg/người/năm, có được những kết quả như vậy là Đảng ủy Đồn đã ra nghị quyết lãnh đạo và triển khai thực hiện đúng, sát thực tế, coi việc giúp dân phát triển kinh tế gắn với củng cố quốc phòng là trọng tâm, nên đã giữ vững được an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

 

Người lính biên phòng Săm Pun luôn xác định “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”. Ban ngày bộ đội xuống ruộng cấy lúa, lên nương trồng ngô, làm mẫu hướng dẫn bà con, giúp đồng bào lồng ghép xây dựng các mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình. Buổi tối, những người lính mang quân hàm xanh lại vượt qua bao con đường mòn để vận động con em đồng bào đến trường, bám lớp. Đêm đêm, tiếng chân tuần tra của các anh lặng lẽ in dài trên mỗi đường biên, mốc giới để giữ yên giấc ngủ cho nhân dân và sự thanh bình cho vùng biên cương. Mặc dù Đồn phải quản lý địa bàn hai xã Xín Cái và Thượng Phùng với địa bàn biên giới hiểm trở, nhưng cán bộ, chiến sỹ của Đồn luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn mọi âm mưu của các thế lực thù địch, nhất là các đối tượng buôn bán ma tuý, vận chuyển hàng nhập lậu qua biên giới, bắt cóc trẻ em và trộm cắp gia súc.

 

Cán bộ Đồn Biên phòng Săm Pun còn tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương củng cố, xây dựng cơ sở chính trị xã hội vững mạnh và thường xuyên tuyên truyền, vận động đồng bào chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân trên địa bàn, nên đã giảm được ác vụ việc vi phạm, góp phần giữ gìn an ninh trật tự xóm bản.

 

Để hiểu thêm về cuộc sống của đồng bào vùng biên, chúng tôi đến xã Thượng Phùng, người mà chúng tôi gặp đầu tiên là Chủ tịch xã Mý Sinh, sau cái bắt tay thân mật, Chủ tịch xã thông báo về tình hình phát triển kinh tế của bà con nhân dân có sự tăng trưởng khá, an ninh trật tự thôn bản được giữ vững, người dân đã biết đầu tư cho con cái đến trường học chữ. Minh chứng những điều Chủ tịch Sính vừa cho biết: Chúng tôi tìm đến gia đình ông Giàng Minh Xá, ở bản Sính Phình Chư, các con ông đều được ăn học đến nơi đến chốn, kinh tế của gia đình khá giả, vừa làm ruộng và kết hợp với chăn nuôi, hiện nay gia đình có 10 con bò, gia cầm trên 50 con. Ông bảo: “Có được như vậy là nhờ bộ đội biên phòng Săm Pun đã hướng dẫn các mô hình phát triển kinh tế, nên gia đình biết cách làm ăn, bây giờ đã có của ăn của để”.

 

Chúng tôi rời Săm Pun trong cái nắng vàng cuối chiều dìu dịu. Tiếng các em học sinh đọc bài vọng vào không gian hòa với gió ngàn hun hút. Dưới chân dãy núi có những mái nhà được bao quanh bởi ruộng lúa bậc thang xanh biếc. Dòng Nho Quế bàng bạc uốn lượn nghiêng mình chảy qua những dãy núi trông như một bức tranh sơn thủy hữu tình thật nên thơ. Một cảm giác ấm áp và thanh bình đến với tôi khi cuộc sống của người dân nơi đây đang từng ngày thêm no ấm. Chia tay Đồn Biên phòng Săm Pun, trong tôi còn khắc sâu hình ảnh những người lính mang quân hàm xanh đang ngày đêm thắp sáng một vùng biên cương thân yêu của Tổ quốc.


Trần Cao Đại (HT: 3NB-20 -Phú Thọ)

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Việt Nam đã sẵn sàng với văn hóa "không dùng tiền mặt"?
Ông Barry Wong, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương về dịch vụ bảo mật và rủi ro toàn cầu của MasterCard Worldwide cho biết, Việt Nam hiện có 25 triệu tài khoản hoạt động, 9 triệu tài khoản tài chính, sẵn sàng thích ứng với văn hóa không sử dụng tiền mặt.
29/08/2007
Festival thiếu nhi Hà Giang lần thứ Nhất
(HGĐT)- Nhân kỷ niệm 15 năm Ngày thành lập Nhà Thiếu nhi tỉnh, hướng tới 62 năm ngày Quốc khánh 2.9, tiến tới Đại hội Đoàn toàn tỉnh lần thứ 14, trong 2 ngày 28 - 29.8, Tỉnh đoàn Hà Giang tổ chức Festival thiếu nhi Hà Giang lần thứ Nhất. Tham dự có 200 em thiếu nhi đến từ 11 huyện thị trong tỉnh.
29/08/2007
Công chức phải mở tài khoản để nhận lương
Cán bộ, công chức làm việc tại các bộ, cơ quan Chính phủ, UBND tỉnh thành sẽ nhận lương qua tài khoản. Đây là chỉ thị của Thủ tướng mới ban hành nhằm thực thi Luật phòng chống tham nhũng.
28/08/2007
Báo Thái Nguyên kỷ niệm 45 năm ngày thành lập (25.8.1962 - 2007)
(HGĐT)- Hòa chung không khí cả nước thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 62 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2.9, sáng 25.8.2007, tại Hội trường UBND Thành phố Thái Nguyên, Báo Thái Nguyên đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 45 năm Ngày thành lập (25.8.1962 - 2007).
27/08/2007