Từ cực Bắc đến nghĩa trang Trường Sơn
(HGĐT)- Những ngày này, trên khắp các miền, các địa phương trong cả nước đang diễn ra nhiều hoạt động hướng tới 60 năm ngày TBLS. Còn trên mảnh đất địa đầu Tổ quốc, những người làm báo Hà Giang đã làm một cuộc hành trình hơn 1 nghìn cây số, mang theo tâm tư, tình cảm và lòng tri ân của người cực Bắc đến với những người con của quê hương đang yên nghỉ ở nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn.
Những người làm báo Hà Giang viếng nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn.
Đầu tháng 7, đất, trời Quảng Trị tràn ngập trong nắng nóng và gió Lào bỏng rát. Trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ xâm lược, mảnh đất Quảng Trị đã phải hứng chịu sự tàn phá nặng nề của bom đạn. Nhưng cũng trên mảnh đất này đã thể hiện tinh thần quật khởi, ý chí sắt thép của quân và dân ta. Mảnh đất oanh liệt này đã ghi dấu của những trận đánh hào hùng và cũng đã dang rộng vòng tay, ôm những người con anh dũng vào lòng đất mẹ. Trong những năm tháng ác liệt của cuộc chiến tranh, hàng ngàn người con từ khắp miền Tổ quốc đã chiến đấu và hy sinh trên đất Quảng Trị. Sự hy sinh đó đã giành lại độc lập - tự do cho dân tộc. Và nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn với hàng ngàn ngôi mộ trắng là bằng chứng không thể nào quên về những năm tháng oanh liệt đó. Với niềm khát khao, sự mong mỏi được về nghĩa trang Trường Sơn, được đặt chân trên con đường Trường Sơn huyền thoại, chúng tôi những người làm báo Hà Giang do TBT Lê Trọng Lập dẫn đầu đã về nghĩa trang Trường Sơn thắp nén nhang, bày tỏ lòng biết ơn đối với những liệt sỹ đã anh dũng chiến đấu và nằm lại trên mảnh đất này. Buổi sáng - nghĩa trang Trường Sơn thật u tịch. Cầm nén hương thơm, tay run run cắm lên từng bia mộ, không ai cầm được lòng mình, nước mắt trực trào trong khóe mắt. Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, hàng trăm con em Hà Tuyên (Hà Giang - Tuyên Quang) đã có mặt ở nơi đầu tuyến lửa, đã chiến đấu anh dũng và 154 liệt sỹ còn nằm lại với đồng đội ở nghĩa trang Trường Sơn. Các anh đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, khi tuổi xuân vẫn đang căng tròn nhựa sống.
Mảnh đất Quảng Trị, chứng tích của những mất mát, đau thương, chúng tôi những thế hệ đi sau chỉ biết qua từng trang lịch sử và qua những câu chuyện của thế hệ cha anh. Nhưng khi đã đặt chân đến mảnh đất này mới thấy hết, mới cảm nhận sâu sắc về một thời oanh liệt đã qua. Quảng Trị có hàng chục nghĩa trang liệt sỹ nhưng nghĩa trang được nhiều người thăm viếng chính là nghĩa trang Trường Sơn bởi sự hoành tráng, uy nghi. Nghĩa trang Trường Sơn là chứng tích gắn chặt với lịch sử hào hùng của Binh đoàn 559 và con đường Trường Sơn huyền thoại. Trong những năm tháng chiến tranh, hàng triệu tấn bom, hàng vạn tấn chất độc hóa học đã đổ xuống mảnh đất này với mưu đồ chặn bước tiến chi viện của quân dân miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Thế nhưng những ý định điên cuồng của kẻ thù, những bom đạn của chiến tranh không thể cản nổi bước tiến của quân ta. Lớp này ngã xuống, lớp sau lại tiếp bước với ý trí mạnh mẽ hơn, điều này đã làm lên những kỳ tích trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Gần 20 nghìn chiến sỹ đã ngã xuống trên đất Quảng Trị là bằng chứng không thể nào quên, là bài học về tinh thần anh dũng, quật khởi của quân và dân ta.
Tổng Biên tập Báo Hà Giang thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ.
Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn được xây dựng từ năm 1975-1977, đây là nơi yên nghỉ của những liệt sỹ Binh đoàn Trường Sơn đã ngã xuống trong suốt những năm khai mở, bảo vệ và giữ vững tuyến đường Trường Sơn. Con đường này là mạch máu quan trọng nối 2 miền Nam - Bắc của đất nước những năm tháng khói lửa. Hàng ngàn chiến sỹ của Binh đoàn Trường Sơn đã ngã xuống trên con đường này nhằm đảm bảo sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam trong những năm dài đánh Mỹ. Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn được xây dựng tại đồi Bến Tắt, xã Vĩnh Tường huyện Gio Linh (Quảng Trị) với diện tích gần 40 ha, khu trung tâm nghĩa trang nằm trên ngọn đồi cao 32,4m. Đài tưởng niệm được làm bằng đá rỗng ruột, khuyết 3 mặt thể hiện nỗi mất mát to lớn của dân tộc. Mộ liệt sỹ được sắp xếp theo từng địa phương và chia thành 5 khu: Khu 1 nằm ở trung tâm nghĩa trang có 935 mộ liệt sỹ thuộc các tỉnh thành Hà Nội, Bình Trị Thiên (cũ) và các tỉnh phía Nam; khu 2 có 2.268 mộ liệt sỹ thuộc các tỉnh Hà Tây, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hòa Bình và các phần mộ tử sỹ; khu 3 gồm 2.131 mộ liệt sỹ các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh; khu 4 có 3.142 mộ thuộc các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa và khu 5 gồm 1.187 mộ thuộc các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc…Xen kẽ giữa các khu mộ là rừng cây xanh, lối đi lát gạch, dưới chân đồi là hồ nước nhân tạo. Theo những đồng nghiệp công tác tại Quảng Trị kể lại, nghĩa trang Trường Sơn có 2 hiện tượng rất kỳ lạ đó là: Khi nghĩa trang khánh thành được 6 tháng, ngay phía sau Đài tưởng niệm mọc lên 1 cây bồ đề, chỉ sau 3 năm tán lá bồ đề đã che mát của khu vực xung quanh. Đây là hiện tượng lạ bởi trong vòng bán kính 10km xung quanh nghĩa trang không hề có cây bồ đề nào. Còn hồ nước nhân tạo lúc nào cũng đầy và trong xanh ngay cả những năm hạn hán kéo dài.
Đã nhiều lần được biết đến nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn qua những trang tư liệu. Nhưng khi đặt chân đến đây, chúng tôi không khỏi lạnh người trước những mất mát hy sinh quá lớn. Từng hàng bia mộ trắng trải dài vô tận cứ nhức nhối trong ánh nắng gay gắt của đất trời Quảng Trị. Và chúng tôi càng xót xa hơn khi biết có đến hơn 80% liệt sỹ nằm lại nơi đây tuổi đời rất trẻ: 18-22. Các anh ngã xuống khi tuổi xuân đang phơi phới, lồng ngực đang căng trào sự sống và biết bao khát vọng sẽ thực hiện sau ngày đất nước thống nhất. Năm tháng qua đi, vết bụi thời gian có thể làm cho ai đó quên đi những gì đã diễn ra nhưng các thế hệ sau, sau nữa khi đặt chân đến nghĩa trang Trường Sơn dù một lần thì sẽ mãi mãi không bao giờ quên những năm tháng hào hùng của dân tộc. Thắp nén nhang thơm trên những mộ chí, chúng tôi tự hứa với lòng mình: Thế hệ con em của các anh sẽ không bao giờ quên quá khứ, quên sự hy sinh mất mất của các anh để có cuộc sống thanh bình hôm nay. Và chúng tôi cũng tự hào khi có những người con quê hương Hà Giang đã anh dũng chiến đấu, góp công sức xây dựng và bảo vệ vững chắc từng tấc đất của Tổ quốc. Đến với các anh, chúng tôi cũng nguyện suốt đời phấn đấu, học tập, đóng góp công sức đưa quê hương, đất nước ngày càng phát triển, xứng đáng với sự hy sinh anh dũng của các thế hệ trước.
Rời nghĩa trang Trường Sơn, rời những hàng bia mộ trắng chúng tôi mang trong mình suy tư nặng trĩu. Con đường trở về miền cực Bắc hàng nghìn cây số xa xăm nhưng chúng tôi luôn nhớ về các anh. Những cái tên liệt sỹ như Nguyễn Văn Thư (Tân Quang - Bắc Quang); Mai Quốc Rào (Phương Thiện - Vị Xuyên)… và nhiều nữa những người con của Hà Giang hy sinh khi tuổi xuân đang phơi phới sẽ mãi là niềm tin để chúng tôi vững bước xây dựng cuộc sống ấm no, giữ vững từng nhành cây, ngọn cỏ trên dải đất biên cương Hà Giang.
Ý kiến bạn đọc