Đâu là lời giải chấm dứt việc khai thác quặng trái phép tại Hố Quáng Phìn?
(HGĐT)- Tròn 1 năm kể từ khi quả đồi nằm trên địa phận 2 thôn Tả Phìn, Tả Cồ Ván, xã Hố Quáng Phìn (Đồng Văn) được phát hiện có quặng Thiếc và một số người vào khai thác trái phép, đến nay tình hình vẫn diễn biến phức tạp, bất chấp những nỗ lực giải quyết của chính quyền huyện. Hậu quả là khắp vùng đồi bị đào bới tan hoang, những nương ngô đang trổ bông bị lật tung gốc để tìm quặng, trên sườn đồi nham nhở những hố đất do dân đào quặng lậu gây ra.
Nhân dân bỏ lao động sản xuất đi khai thác quặng.
Sau nhiều nỗ lực giải tán, ngăn chặn dòng người từ khắp các địa phương đổ về bãi quặng ở Hố Quáng Phìn để khai thác trái phép không thành, ngày 16.7.2007 UBND huyện Đồng Văn đã thành lập BCĐ, huy động toàn lực tập trung trên bãi quặng. Khác với những lần ra quân trước thường chỉ tiến hành trong thời gian ngắn, lần này các tổ cắm chốt dài ngày trên bãi với quyết tâm ngăn chặn bằng được tình trạng khai thác quặng trái phép. Ngày 22.7, 6 tổ công tác đã hành quân lên khu vực bãi quặng cắm chốt, dựng lán trại. Ngay khi đến nơi, các tổ công tác đã triển khai lực lượng tại vị trí được phân công, đồng thời tuyên truyền, vận động người dân tự giải tán, vận động nhân dân sở tại không được giúp đỡ các đối tượng nơi khác đến khai thác quặng, kiểm tra công tác tạm trú tạm vắng trên địa bàn… Theo thông báo nhanh, sau 5 ngày ra quân tổng lực, các tổ công tác đã truy quét, tịch thu dụng cụ, phá hủy lều, trại, đánh sập hầm khai thác và kiểm soát được tình hình. Thế nhưng, đây chỉ là bề nổi, thực tế việc kiểm soát tình hình tại khu vực bãi quặng cũng hết sức khó khăn, nhất là vào ban đêm.
Để nắm bắt động thái mới, chúng tôi lên đường vào Hố Quáng Phìn. Những hình ảnh đầu đầu tiên chúng tôi bắt gặp vẫn là dòng người “tay xách, nách mang” các loại dụng cụ phục vụ việc khai thác quặng ùn ùn kéo về Hố Quáng Phìn. Nhưng chỉ có điều khác là khi tiến sát khu vực có quặng, dòng người này không chạy thẳng lên bãi, họ thận trọng hơn, nấp vào nương ngô chờ đợi. Và thời cơ đến, khi các thành viên tổ công tác nghỉ trưa, họ liền nhào lên khu vực có quặng xúc vội từng thỏi đất cho vào bao tải và gùi ra ngoài. Khi đêm xuống, việc kiểm soát tình hình của các tổ công tác gặp rất nhiều khó khăn nhưng lại là thời điểm lý tưởng của những người đào quặng lậu. Cả vùng đồi rộng khoảng 150 ha tối như bưng, địa hình hiểm trở, trong khi đó lực lượng tại các tổ chỉ có vài người nên không thể kiểm soát được. Trong ngày đầu ra quân, các tổ công tác đã gặp phải sự phản kháng quyết liệt của những người khai thác quặng, đã nhiều lần tổ công tác phải nổ súng cảnh cáo. Đêm đầu dựng lán, nhiều đối tượng đã ném đá vào lán trại của tổ công tác và cán bộ đi tuần. Do ban ngày các tổ công tác làm quyết liệt nên những người khai thác quặng đã chuyển thời gian hoạt động về đêm. Thay vì đào đất và đãi quặng ngay trong khu vực khai thác, mục tiêu hiện tại của những người đào quặng trái phép là lấy được nhiều đất, gùi thật nhanh ra ngoài bãi, tập kết ở một vị trí sau đó mới đãi đất. Hiện nay, giá 1 kg quặng thiếc do các đầu nậu thu mua tại bãi lên tới 100 nghìn đồng. Trong khi đó, bình quân 1 người có thể đãi được 1kg quặng/ngày. Vì vậy, thu nhập từ 1 ngày khai thác quặng trái phép cao gấp hàng chục lần lên nương trồng ngô, lúa. Điều này có sức hút rất lớn và cũng là nguyên nhân khiến nhiều người từ khắp nơi vẫn tiến vào bãi quặng, bất chấp việc ngăn cản của lực lượng chức năng.
Lật lại sự việc, chúng tôi được biết: Khoảng tháng 7.2006, người dân đã phát hiện tại quả đồi thuốc 2 thôn Tả Phìn và Tả Cồ Ván có quặng Thiếc và tổ chức khai thác trái phép. Lúc đầu chỉ có vài chục người nhưng từ sau Tết Nguyên đán, tình hình khai thác quặng trái phép tại khu vực này lại bùng phát mạnh mẽ, vượt khỏi tầm kiểm soát. Mỗi ngày, có hàng nghìn người dân từ các xã Phố Cáo, Phó Bảng, Vần Chải, Sủng Trái và các xã của Yên Minh, Mèo Vạc kéo sang khai thác quặng. Sức hút của quặng thiếc hấp dẫn đến mức nhiều công chức, giáo viên, học sinh cũng tranh thủ thời gian, bỏ cả học lên bãi đào quặng. Vào các chợ phiên, quặng Thiếc được bày bán công khai, bình quân mỗi phiên chợ, số lượng quặng do các đầu nậu thu gom được khoảng 1 tấn - anh Nguyễn Đức Toàn, Đội quản lý thị trường cho biết. Còn các cán bộ Chi cục Hải quan Phó Bảng khẳng định: Hàng ngày có từng đoàn người gùi quặng theo các lối mòn sang bên kia biên giới bán... Việc khai thác quặng trái phép diễn ra trong thời gian dài không kiểm soát được là cơ hội làm giàu cho nhiều đầu nậu, còn Nhà nước đã mất đi nguồn tài nguyên quý. Theo các thầy cô giáo trường THCS Hố Quáng Phìn cho biết: Từ việc khai thác quặng trái phép, nhiều gia đình ở Hố Quáng Phìn giàu lên trông thấy, một lúc sắm cả 2 xe máy. Theo ước tính của các cơ quan chức năng, trung bình những ngày cao điểm có hàng tấn quặng bị đưa ra khỏi mỏ.
Được biết, đầu tháng 3 vừa qua, huyện đã điều tổ công tác gồm 17 người lên bãi quặng dựng 3 lán tại 2 khu vực khai thác và đánh sập nhiều hầm khiến các đối tượng khai thác trái phép phải rút lui. ở trên bãi được vài ngày, nhận thấy tình hình đang dần ổn định tổ công tác rút về, chỉ để mấy người chốt chặn trên đường vào xã Vần Chải, Sủng Trái và Hố Quáng Phìn. Nhưng các tổ chốt chặn đã không ngăn được dòng người kéo về bãi quặng mỗi ngày một đông. Trước diễn biến ngày càng phức tạp, huyện lại tăng cường tổ công tác mới gồm 14 người. Trong đó, 10 người được giao nhiệm vụ chốt tại 2 lán trên khu vực khai thác, 4 người còn lại chia làm 2 tổ chốt chặn trên đường vào khu vực khai thác. Qua 2 đợt ra quân, lực lượng chức năng đã thu giữ 24 xe máy tham gia vận chuyển quặng, đất nghi nhiễm quặng, tịch thu 13 nghìn kg đất nhiễm quặng. Tuy nhiên, các biện pháp đó vẫn không thể ngăn cản được dòng người đào quặng lậu. Vì vậy, trong đợt ra quân lần này, lực lượng huy động hùng hậu hơn, gồm Công an, Quân sự, DQTV và các tổ chức đoàn thể của xã Hố Quáng Phìn, thời gian cắm chốt tại khu vực khai thác của các tổ công tác khoảng 2 tháng. Với biện pháp chỉ đạo quyết liệt, tình trạng khai thác quặng trái phép đã tạm lắng xuống nhưng không biết điều này sẽ duy trì được bao lâu? Và liệu khi lực lượng chức năng rút về thì người dân có quay lại?
Sự việc xảy ra, sau nhiều lần giải quyết cứ được một thời gian lại bùng lên. Như vậy, việc huy động lực lượng chức năng canh trên bãi quặng chỉ là tạm thời, về lâu dài cần có giải pháp tối ưu hơn. Được biết khu vực đang diễn ra hoạt động khai thác quặng trái phép Văn phòng Chính phủ đã có công văn 3513, ngày 25.06.2007 đồng ý cho Công ty TNHH Giang Sơn thăm dò. Thế nhưng, phía công ty chưa hoàn thiện các thủ tục trình Bộ TN-MT nên chưa được cấp phép khai thác. Hiện tại, việc quản lý mỏ vẫn hoàn toàn trông chờ vào lực lượng chức năng. Đây thực sự là bài toán khó, không dễ gì đưa ra lời giải của Đồng Văn. Sau sự việc này, nhiều người đã đặt câu hỏi vì sao chính quyền lại bất lực trước nạn khai thác quặng trái phép? Và nếu sự việc được ngăn chặn từ lúc chỉ có vài chục người thì đâu đến nỗi khó dẹp như hôm nay(!)
Thiết nghĩ, không chỉ đưa lực lượng chức năng lên là giải quyết được. Mấu chốt của sự việc vẫn là vấn đề công ăn việc làm, chỉ có tạo việc làm ổn định cho người dân mới là giải pháp tối ưu để chấm dứt tình trạng trên.
Ý kiến bạn đọc