Sách mới: Bác Hồ với Thái Nguyên-Thái Nguyên với Bác Hồ
“Tôi chỉ có một ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”, để thực hiện được ước mơ đó, cả cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hy sinh hạnh phúc của mình cho cách mạng.
Công lao và những tình cảm của Người dành cho nhân dân các dân tộc cả nước nói chung, Thái Nguyên nói riêng là hết sức to lớn. Nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng TW Đảng về An toàn khu Thái Nguyên lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (20-5-1947-20-5-2007), chào mừng năm du lịch Quốc gia Thái Nguyên 2007-Về Thủ đô gió ngàn, Chiến khu Việt Bắc, Tỉnh uỷ tổ chức biên soạn và xuất bản cuốn sách “Bác Hồ với Thái Nguyên-Thái Nguyên với Bác Hồ”.
Ngay tiêu đề của cuốn sách đã nói lên những ngày Bác làm việc tại Thái Nguyên, cũng như tình cảm hết sức sâu đậm của Đảng bộ, đồng bào Thái Nguyên với Bác. Cuốn sách được chia thành 5 chương.
Chương thứ nhất: Bác Hồ với việc lựa chọn Thái Nguyên làm nơi xây dựng An toàn khu. Trong chương này, giới thiệu Thái Nguyên trong tầm nhìn chiến lược của Bác Hồ, Bác Hồ với việc lựa chọn Thái Nguyên làm nơi xây dựng An toàn khu. Theo lời tựa cuốn sách do Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì: Trước cách mạng Tháng tám 1945, khi mới về nước hoạt động ở Cao Bằng, trong một cuộc họp, Bác nói: “Hôm nay, ta có hai chỗ đứng chân là Căn cứ Cao Bằng và Căn cứ Bắc Sơn (Lạng Sơn), ta phải củng cố cả hai căn cứ đó, mở rộng thành Căn cứ Cao-Bắc Lạng, Cao Bằng có truyền thống cách mạng, thuận tiện cho việc liên lạc với quốc tế, nhưng vị trí ở xa TW quá; vì vậy, cần thiết phải chọn một nơi để xây dựng thành trung tâm của Căn cứ địa Việt Bắc. Nơi ấy phải có nhân dân tốt, cơ sở chính trị tốt và ở đó “Tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ”. Cuối cùng Bác đã quyết định lấy Thái Nguyên làm địa bàn trung tâm của Căn cứ địa Việt Bắc và Bác đã cùng với TW tập trung chỉ đạo xây dựng ở Thái Nguyên các An toàn khu và lực lượng Cứu quốc quân. Với tầm nhìn xa trông rộng, ngay sau Cách mạng Tháng tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân công đồng chí Phạm Văn Đồng cùng một số cán bộ ở lại Việt Bắc một thời gian để củng cố căn cứ địa. Tháng 11-1946, TW Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định thành lập Đội công tác đặc biệt, do đồng chí Trần Đăng Ninh phụ trách, chuyên lo việc nghiên cứu, di chuyển và chọn địa điểm an toàn đặt các cơ quan TW trong trường hợp xảy ra chiến tranh. Giữa tháng 12-1946, một số cán bộ trong Đội trong công tác đặc biệt lần lượt lên Việt Bắc làm nhiệm vụ. Sau một thời gian khảo sát thực tế, Đội quyết định chọn các huyện Định Hoá, Đại Từ, Phú Lương, Võ Nhai (Thái Nguyên) cùng các huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hoá (Tuyên Quang) và Chợ Đồn (Bắc Kạn) làm nơi xây dựng ATK của TW.
Chương thứ hai là những hoạt động chủ yếu của Bác Hồ tại An toàn khu Thái Nguyên lãnh đạo sự nghiệp kháng chiến kiến quốc. Trong chương này đề cập sâu tới Bác Hồ ở An toàn khu trong những năm đầu toàn quốc kháng chiến (1947-1950). Tại Thái Nguyên, ngày 11-5-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp Pôn Muýt, đặc phái viên của Cao uỷ Đông Dương Bôlae. Sau cuộc hội kiến với Pôn Muýt tại T.X Thái Nguyên, Bác Hồ trở về Sơn Dương, Tuyên Quang. Một thời gian ngắn sau đó, ngày 20-5-1947, từ làng Sảo, Sơn Dương, Bác cùng 8 cán bộ cảnh vệ trèo đèo, lội suối sang Định Hoá ở tạm ngoài xã Bình Thành, vài ngày sau, Bác chuyển vào Điềm Mặc, xã Thanh Định, nay là xã Điềm Mặc. Cũng chính tại ATK Định Hoá, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị chọn một ngày trong năm làm “ngày thương binh”, để nhân dân có dịp tỏ lòng biết ơn, yêu mến thương binh. Thực hiện Chỉ thị của Người, hội nghị trù bị tổ chức tại xã Phú Minh, Đại Từ đã nhất trí lấy ngày 27-7-1947 làm “Ngày toàn dân giúp đỡ thương binh và gia đình liệt sỹ”, gọi tắt là “Ngày thương binh liệt sỹ”. Cũng tại đây, Người đã lấy bút danh X.Y.Z viết tác phẩm “sửa đổi lề lối làm việc” đề cập đến phê bình và sửa chữa, tư cách và đạo đức cách mạng, tư cách của đảng viên chân chính, chống thói ba hoa... Sống và làm việc tại ATK, Người luôn nghĩ cách đối phó với âm mưu, hành động táo bạo của địch. Bài thơ “Cảnh khuya” ra đời trên cơ sở thực hiện này đã nói lên tâm trạng của Bác:
Tiếng suối trong như tiếng hát xa
Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa
Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà
Đặc biệt, ngày 6-12-1953, tại Tỉn Keo, Phú Đình, ATK Định Hoá, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí trong Bộ Chính trị đã quyết định mở chiến Điện Biên Phủ (với bí danh là Chiến dịch Trần Đình). Như vậy, tại Tỉn Keo, xã Phú Đình, Trung tâm của An toàn khu Việt Bắc, Thủ đô kháng chiến của cả nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí trong Bộ Chính trị, TW Đảng đã ra một quyết định lịch sử. Từ quyết định này, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đã đi đến chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải kí hiệp định Giơnevơ, cam kết công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhân dân 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia, rút hết quân đội viễn chinh ra khỏi Đông Dương. Với ý nghĩa đó, Tỉn Keo, Phú Đình, ATK Định Hoá-nơi phát tích chiến dịch Điện Biên Phủ đã trở thành vùng đất thiêng liêng của cả dân tộc Việt Nam.
Chương thứ ba: Bác Hồ với Thái Nguyên, Thái Nguyên với Bác Hồ trong kháng chiến chống Pháp. Trong chương này được chia làm 2 phần: Phần I Bác Hồ với Thái Nguyên; Phần II Vâng lời Bác Hồ, nhân dân và Đảng bộ Thái Nguyên đấu tranh giành và giữ chính quyền. Mở đầu chương I là câu chuyện khi Bác mới đặt chân đến ATK Định Hoá ít hôm, Người đã cho mời đồng chí Chủ tịch Uỷ ban hành chính huyện đến để nghe báo cáo tình hình mọi mặt địa phương. Bác căn dặn đồng chí Chủ tịch huyện phải luôn chăm lo đến công tác kháng chiến, trước hết là chăm lo đời sống của nhân dân. Không những quan tâm, mà Bác còn viết bài trên Báo Cứu quốc nêu gương, biểu dương phong trào thi đua đóng thuế nông nghiệp, làm đường, giúp đỡ bộ đội của nhân dân huyện Định Hoá. Vâng lời Bác Hồ, nhân dân và Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đấu tranh giành và giữ chính quyền. Phần này trong chương 3 đã nêu từng mốc son lịch sử kể từ ngày thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên năm 1936 tại La Bằng (Đại Từ), sau đó phát triển sang Võ Nhai rồi phong trào cách mạng sục sôi ở các huyện phía Nam (Phú Bình, Phổ Yên)... Thực hiện chủ trương vừa kháng chiến vừa kiến quốc, quân dân Thái Nguyên tích cực tham gia chiến dịch Trung du, Hoà Bình, Tây Bắc... với khẩu hiệu “tất cả cho chiến dịch Điện Biên Phủ”, “tất cả vì tiền tuyến, tất cả để đánh thắng”.
Chương thứ tư: Bác Hồ với Thái Nguyên, Thái Nguyên với Bác Hồ trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chương này gồm 3 phần. Phần I Bác Hồ với Thái Nguyên; Phần II, Vâng lời Bác dạy, Đảng bộ và nhân dân Thái Nguyên xây dựng chủ nghĩa xã hội và kháng chiến chống Mỹ; Phần III, Đảng bộ và nhân dân Thái Nguyên thực hiện di chúc Bác Hồ, góp phần vào thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc... Phần một nêu rõ: Trong bộn bề công việc đại sự quốc qua, Bác Hồ vẫn dành cho Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Thái Nguyên những tình cảm và sự quan tâm sâu sắc. Từ tháng 12-1954 tới tháng 1-1964, đã có 7 lần Người trực tiếp lên thăm hỏi, động viên nhân dân và chỉ đạo Đảng bộ Thái Nguyên và nhân dân xây dựng cuộc sống mới. Vâng lời Bác, nhân dân các dân tộc Thái Nguyên đã phấn khởi bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới. Sau thắng lợi của cuộc cải cách ruộng đất, năm 1955, 3 hợp tác xã nông nghiệp đầu tiên trên miền Bắc được thành lập ở xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ. Năm 1960 giá trị sản xuất công nghiệp địa phương tăng gần 5 lần so với năm 1955. Sự nghiệp giáo dục, văn hoá tiếp tục phát triển. Cùng với khu gang thép, năm 1960 Nhà máu nhiệt điện Cao Ngạn, mỏ sắt Trại Cau được khởi công xây dựng, đưa Thái Nguyên trở thành khu công nghiệp lớn trên miền Bắc. Giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ đang ở giai đoạn cam go, Chủ tịch Hồ Chí Minh-vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc đã từ trần. Trong niềm tiếc thương và lòng biết ơn sâu sắc, Đảng bộ, nhân dân Thái Nguyên đinh ninh trong dạ lời huấn thị của Người “Phải làm cho tỉnh ta trở thành một tỉnh giàu có và phồn vinh nhất miền Bắc”.
Lời dạy đó, được Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên biến thành hành động cụ thể. Các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế-xã hội được cụ thể hoá ở Chương V cũng là chương cuối cùng của cuốn sách đó là: Dưới ánh sáng tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, Đảng bộ Thái Nguyên từng bước trưởng thành. Chương này gồm 2 phần: Đảng bộ Thái Nguyên trưởng thành trong cách mạng và hai cuộc kháng chiến; Đảng bộ Thái Nguyên trưởng thành trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Cuốn sách “Bác Hồ với Thái Nguyên, Thái Nguyên với Bác Hồ được xuất bản đúng vào dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng TW Đảng trở về ATK Thái Nguyên lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp; chào mừng Năm du lịch Quốc gia Thái Nguyên 2007, chào mừng cuộc bầu cử Quốc hội khoá XII. Đây là tài liệu học tập, giáo dục truyền thống, tư tưởng Hồ Chí Minh cho cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, đặc biệt là thế hệ trẻ, nhất là trong giai đoạn cả nước đang đẩy mạnh cuộc học tập “tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Qua đó, nhằm động viên các tầng lớp nhân dân tiếp tục giữ vững và phát huy thành tựu đã đạt được, biến chủ nghĩa Anh hùng cách mạng trong các cuộc đấu tranh vệ quốc thành tinh thần cách mạng tiến công trong sự nghiệp CNH-HĐH đất nước, xây dựng Thái Nguyên trở thành tỉnh giàu có và phồn vinh.
Ý kiến bạn đọc