5 tỉnh, thành tái phát dịch cúm gia cầm
Ông Hoàng Văn Năm - Phó cục trưởng Thú y (Bộ NN&PTNT) đã chính thức xác nhận dịch cúm gia cầm vừa tái phát tại 5 tỉnh, thành Nghệ An, Nam Định, Quảng Ninh, Sơn La và Cần Thơ.
Dịch cúm gia cầm tái phát nhưng nhiều người dân vẫn thờ ơ. |
Tại Nghệ An, sau các ổ dịch phát tại hai huyện Diễn Châu và Hưng Nguyên đầu tháng 5, hai ổ dịch mới đã xảy ra tại huyện Yên Thành và Nghi Lộc, nâng tổng số xã của tỉnh này tái phát dịch từ 1/5/2007 lên 7 xã, với số vịt ốm, chết là 1.694 con. Tỉnh đã tiêu độc, khử trùng và tiêu huỷ hơn 10.500 con vịt.
Tại Quảng Ninh, dịch cúm gia cầm tái phát ngày 16/5, tại một hộ chăn nuôi ngan, vịt ở thôn 7, xã Hải Yến (thị xã Móng Cái). Số vịt, ngan chết là 116 con trên tổng đàn 443 con. Số vịt này 35 ngày tuổi, chưa tiêm phòng.
Tại Cần Thơ, ngày 17/5, dịch xảy ra tại 2 hộ chăn nuôi vịt xã Thạnh Lộc, huyện Vĩnh Thạnh với 375 con vịt chết trong tổng đàn 1.500 con vịt 78 ngày tuổi. Đàn vịt này chưa được tiêm phòng.
Tại Sơn La, ngày 18/5, dịch đã xảy ra ở một hộ gia đình nuôi vịt và ngan thuộc bản Ban, xã Chiềng Mai (huyện Mai Sơn), làm 30 con vịt chết trong tổng đàn 600 con và 100 con ngan chết trong tổng đàn 360 con. Số ngan, vịt này từ 20 đến 30 ngày tuổi, chưa được tiêm phòng.
Gần đây nhất, ngày 19/5, dịch đã xảy ra tại các hộ chăn nuôi vịt ở 3 xã thuộc 3 huyện của tỉnh Nam Định. Trong đó, tại huyện Vụ Bản, dịch tái phát ở thôn Thượng Đồng, xã Hiến Khánh, khiến 150 con vịt chết trong tổng đàn 450 con, 71 ngày tuổi.
Ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó Cục trưởng Chăn nuôi: “Không thể mãi chạy theo quy trình định sẵn” Dịch cúm xảy ra đợt này nằm ngoài dự kiến của chúng ta. Điều đó làm chúng ta ngạc nhiên và sẽ không tránh khỏi sự lúng túng trong xử lý. Có lẽ, đã đến lúc chúng ta phải xem xét một cách thật đầy đủ, thận trọng nhất về nguyên nhân, cơ chế lây lan và cách phòng chống, chứ không chỉ dừng lại ở một câu quen thuộc trong các báo cáo “là do đàn gia cầm chưa được tiêm phòng”. Nếu chúng ta cứ mãi chạy theo quy trình “Phát hiện dịch - Nhanh chóng khoanh vùng, dập dịch - Tiêu hủy, tiêu độc, khử trùng - Tiêm phòng” thì chưa biết đến bao giờ chúng ta mới chủ động trong việc phòng chống dịch, chưa biết đến bao giờ dịch mới kết thúc. Đã 4 năm chúng ta chạy theo quy trình này rồi. |
Tại huyện Nam Trực, dịch tái phát tại một hộ chăn nuôi vịt ở xóm 7, xã Nam Toàn với 975 con chết trong tổng số 1.400 con; tại huyện Mỹ Lộc, dịch tái phát ở xóm 1, xã Mỹ Thành với 150 con chết trong tổng đàn 1.100 con, 19 ngày tuổi, chưa được tiêm phòng.
Cục Thú y cho biết, mẫu bệnh phẩm của tất cả các đàn ngan, vịt trên qua xét nghiệm đều dương tính với virus cúm H5N1. Như vậy, từ 1/5/2007 đến nay, dịch cúm gia cầm đã tái phát tại 13 xã thuộc 10 huyện của 5 tỉnh, thành, với hơn 3.600 con ngan, vịt chết trong tổng đàn hơn 16.300 con.
Tại cuộc họp BCĐ, ông Hoàng Văn Năm nhận định: Hai địa phương vừa tái phát dịch có nguy cơ lan rộng là Nghệ An và Nam Định, do chưa thực hiện nghiêm ngặt việc tiêm phòng cho gia cầm, thuỷ cầm. Các tỉnh, thành xung quanh các địa phương có dịch cũng hết sức lưu ý về khả năng dịch lây lan, bùng phát.
Theo ông Năm, hiện, virus cúm đang tồn tại ở khắp nơi, chỉ chờ cơ hội là bùng phát. Cũng theo ông Năm, lâu nay, theo dõi diễn biến các nhà khoa học nhận thấy dịch cúm gia cầm chủ yếu phát sinh vào mùa lạnh. Thế nhưng, năm nay, dịch lại tái phát đúng vào mùa hè, ở những ngày khí hậu nóng nực. Điều đó khiến chúng ta phải đặt nghi ngờ về khả năng virus đã biến đổi và cần nhanh chóng thực hiện các biện pháp sinh học, thú y.
Ý kiến bạn đọc