Kết quả sau một năm Báo Hà Giang thực hiện Nghị quyết số 08 của Đảng bộ tỉnh

10:21, 23/09/2014

HGĐT - Kỷ niệm 88 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam năm nay (21.6.1925 – 2013) cũng là dịp vừa tròn một năm những làm báo Hà Giang triển khai thực hiện nội dung Nghị quyết số 08-NQTU, ngày 25.4.2012 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV về: “Tăng cường lãnh đạo công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trên địa bàn tỉnh trong tình hình mới”. Đây là Nghị quyết chuyên đề về hai mảng nội dung công tác quan trọng của Đảng bộ, là tư tưởng, lý luận và báo chí.


Một năm, thời gian chưa dài, chưa nhiều cho việc triển khai thực hiện các nội dung, yêu cầu đặt ra của Nghị quyết; nhưng với nhận thức chính trị và trách nhiệm trước Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong tỉnh, những người làm báo Hà Giang đã nghiêm túc tổ chức học tập, nghiên cứu, thảo luận nội dung để rồi xây dựng chương trình hành động thực hiện, đưa các yêu cầu về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, (phần chuyên đề về công tác báo chí) của Nghị quyết trở thành các yêu cầu, chỉ tiêu, nội dung cụ thể của Nghị quyết chi bộ, mục tiêu kế hoạch công tác của Ban biên tập, các phòng nghiệp vụ, các tổ chức đoàn thể và cán bộ công chức trong Tòa soạn với quyết tâm chính trị: Từng bước vững chắc thực hiện thắng lợi nội dung yêu cầu về công tác báo chí do Nghị quyết 08-NQTU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI đề ra.

 

Trụ sở Tòa soạn
Trụ sở Tòa soạn

 

I. Đánh giá thực trạng và nhiệm vụ đặt ra cho công tác báo chí Hà Giang trong tình hình mới:

 

Với cách nhìn biện chứng, Đảng bộ tỉnh đánh giá: Hoạt động báo chí của tỉnh luôn đúng tôn chỉ mục đích. Báo chí ngày càng bám sát tình hình, đời sống chính trị của tỉnh, của đất nước, tuyên truyền tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh; phản ánh kịp thời những hoạt động nổi bật diễn ra trên địa bàn tỉnh; các cuộc vận động, những tấm gương tiêu biểu trong các phong trào thi đua, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh phòng, chống những biểu hiện tiêu cực, tệ nạn xã hội, chống âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Đồng thời, những hạn chế, yếu kém còn đang tồn tại cũng được chỉ ra: “Chưa thường xuyên làm tốt chức năng phát hiện những vấn đề mới; chưa mạnh dạn phản ánh những cái xấu cần đấu tranh phê phán; những khuyết điểm, yếu kém cần phải khắc phục; chưa phản ánh đầy đủ những tâm tư, nguyện vọng, bức xúc của người dân; hiệu quả sử dụng thông tin qua các loại hình báo chí của người dân chưa cao”.

 

Từ thực trạng trên, những người làm báo Hà Giang xác định rõ: Báo Hà Giang là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, các tổ chức chính trị – xã hội; là diễn đàn của nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, sự quản lý của Nhà nước, tôn trọng pháp luật, luôn đảm bảo tính tư tưởng, chiến đấu, chân thật và đa dạng, phong phú trong cách thể hiện. Tuyên truyền sâu, rộng, kịp thời, hiệu quả Nghị quyết của Đảng; biện pháp thực hiện, chế độ chính sách, của chính quyền; làm tốt chức năng định hướng dư luận xã hội thông qua các bài viết về các vấn đề còn nổi cộm, bức xúc trong xã hội về kinh tế – xã hội; phong tục, tập quán, về nhiệm vụ bảo vệ an ninh Quốc gia, chủ quyền biên giới; đặc biệt là các bài viết phê phán, đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực như tham nhũng, lãng phí, hối lộ, quan liêu, tệ nạn xã hội. Kiên quyết đấu tranh, phản bác lại các quan điểm, nhận thức sai trái, phản động đi ngược lại đường lối của Đảng, Nhà nước; từ đó, bảo vệ vững chắc trận địa tư tưởng – văn hóa, sự ổn định xã hội. Đồng thời, là kênh thông tin quan trọng, thường xuyên tuyên truyền, quảng bá trong Đảng bộ và toàn xã hội về công việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng đội ngũ cán bộ công chức gắn học tập, thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm, việc triển khai thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI): “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; tuyên truyền, quảng bá về yêu cầu, nội dung, các tấm gương điển hình trong việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức của Bác Hồ kính yêu.

 

II. Kết quả công tác tuyên truyền, xuất bản – khẳng định tính đúng đắn, đi vào cuộc sống của Nghị quyết:

 

Qua hơn một năm triển khai thực hiện Nghị quyết 08 NQTU, thời gian chưa nhiều, nhưng tính hiệu quả đã khẳng định rất rõ nét. Trên mặt báo Hà Giang hàng ngày, Hà Giang điện tử, Hà Giang cực Bắc, rất nhiều bài viết về thực hiện Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ tỉnh, về yêu cầu 4 đổi mới, 8 đột phá, 15 chương trình trọng tâm; về các hoạt động, những việc làm cụ thể của các cấp, ngành thực hiện nhiệm vụ của mình về KT-XH, AN-QP và chăm lo đời sống nhân dân; rất nhiều điển hình về phương pháp sản xuất, hiệu quả, năng động, có tính sáng tạo, phù hợp với thực tiễn cuộc sống đã được giới thiệu; hàng trăm tấm gương người tốt - việc tốt, những nhân tố mới, những điển hình đi đầu trong học tập và làm theo gương Bác đã được phát hiện, kiểm tra và giới thiệu. Những mạnh dạn đi đầu trong ứng dụng tiến bộ KHKT, đầu tư nguồn vốn, công sức vào sản xuất, kinh doanh ở Khu công nghiệp Bình Vàng, vùng rau hoa Quyết Tiến; làm đường giao thông nông thôn, chung tay xây dựng Nông thôn mới, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, tiến đến no đủ, làm giàu ở các huyện có phong trào thi đua sôi nổi như Xín Mần, Quang Bình, Vị Xuyên, Mèo Vạc, thành phố Hà Giang và khắp nơi trong tỉnh được phóng viên Báo Hà Giang tiếp cận, tìm hiểu, điều tra để viết bài, quay clip, chụp ảnh giới thiệu, tuyên truyền tạo dư luận xã hội tốt, định hướng và nhân rộng, có sức lan tỏa mạnh mẽ, tạo thành phong trào quần chúng. Bên cạnh đó, nhiệm vụ đấu tranh với các biểu hiện suy thoái, tiêu cực, vi phạm đạo đức lối sống, vi phạm pháp luật luôn được chú trọng. Bằng nghiệp vụ báo chí, đã đưa ra công luận nhiều vụ sai phạm, như vụ khai thác lâm sản trái phép ở rừng đặc dụng Phong Quang; vụ làm trái các quy định về quản lý đất đai ở tổ 1, phường Nguyễn Trãi; vụ vận chuyển khoáng sản trái phép tại cửa khẩu Nghĩa Thuận (huyện Quản Bạ); vụ đòi hối lộ, làm trái các quy định pháp luật tại Văn phòng Cảnh sát điều tra Công an tỉnh; vụ cố ý làm trái tại Công ty Cổ phần xi-măng Hà Giang... và nhiều vụ việc có nội dung tiêu cực, sai phạm khác đã được Báo Hà Giang điều tra làm rõ, có tác dụng thông tin, giáo dục và định hướng chính xác nội dung của vụ việc, giúp các ngành chức năng, cơ quan chuyên môn xác định đúng tính chất vụ việc, phục vụ cho điều tra, kết luận, sai phạm theo quy định của pháp luật.

 

Cùng với yêu cầu về nội dung, nhiệm vụ của công tác xuất bản – phát hành các loại báo chí của Tòa soạn cũng được cải tiến, đổi mới. Báo Hà Giang tăng kỳ xuất bản từ 3 kỳ/tuần lên 4 kỳ/tuần, ra vào các ngày thứ ba, tư năm, bảy hàng tuần, với số lượng từ 7.500-8.000 tờ/kỳ. Trong đó, bán qua Bưu điện từ 2.500-3.000 tờ, số còn lại được cấp phát không thu tiền phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh đến nhiều đầu mối cấp xã, phường và thôn bản, tổ dân phố. Báo “Hà Giang cực Bắc” in 4 mầu, chữ đậm, nhiều ảnh phục vụ yêu cầu giáo dục, tuyên truyền và công tác chống tái mù chữ ở cơ sở, xuất bản 1kỳ/tháng, số lượng 3.000 bản/kỳ. Đặc biệt, Báo Hà Giang điện tử rất đa dạng, phong phú về chuyên mục, có cả truyền hình Internet cập nhật liên tục 24/24 giờ hàng ngày, là loại hình báo chí nhanh nhạy về thông tin, có sức lan tỏa mạnh mẽ, rộng khắp. Các loại hình báo chí của Tòa soạn có sự đan xen, phối hợp tốt, tạo nên sức mạnh tuyên truyền rất hiệu quả, thiết thực.

 

III. Xây dựng đội ngũ và môi trường làm báo tốt, yếu tố quyết định thực hiện Nghị quyết thành công:

 

Để hoàn thành và thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, từng bước đưa các nội dung Nghị quyết 08-NQ/TU

vào thực tiễn cuộc sống, thực sự trở thành nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt cho hoạt động báo chí tỉnh nhà trong thời gian tới; Báo Hà Giang xác định rõ, phải xây dựng đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cán bộ công chức của Tòa soạn thành một tập thể đoàn kết, có nhận thức chính trị, tinh thông nghiệp vụ, trách nhiệm cao trong công việc, sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ được giao. Với yêu cầu đặt ra của Nghị quyết 08-NQTU, vấn đề nâng cao phẩm chất đạo đức, lối sống; năng lực, trình độ chuyên môn; khả năng nắm bắt, hiểu và xử lý tình huống do nhiệm vụ và cuộc sống đem lại đối với từng phóng viên, biên tập viên là rất cấp thiết. Trách nhiệm của Ban chi ủy, Ban biên tập, các tổ chức đoàn thể, các phòng nghiệp vụ là phải tạo ra cho được môi trường làm báo thân thiện, có tính cạnh tranh cao, thi đua mạnh mẽ, tôn vinh người có năng lực, có trí tuệ, bản lĩnh nghề nghiệp; nhưng chân thành, vì cái đúng, vì lợi ích chung. Đồng thời, chỉ ra, giúp đỡ cụ thể để những hạn chế, yếu kém, làm sai được sửa chữa, khắc phục, không tái phạm. Bên cạnh đó, Báo Hà Giang đã thực sự chú trọng xây dựng đội ngũ cộng tác viên; mở nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ viết báo; qua đó lựa chọn, tìm ra những cộng tác viên tích cực, say mê, yêu thích viết báo. Đến nay, đã có gần 200 người tham gia, trong đó số cộng tác thường xuyên, viết đều, có chất lượng gần 50 người, phân bổ rộng khắp toàn tỉnh, góp phần rất quan trọng vào nhiệm vụ tuyên truyền của Tòa soạn.

 

Đã tròn một năm, Báo Hà Giang cùng các cơ quan báo chí trong tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết 08-NQTU (phần chuyên đề về công tác báo chí). Như một sự tất yếu – kết quả của hoạt động báo chí – truyền thông đã góp phần quan trọng vào thành tích chung của công tác tư tưởng – văn hóa. Kết quả bước đầu đã rất rõ nét, đây sẽ là những yếu tố cơ bản, vững chắc để Tòa soạn tiếp tục triển khai thực hiện sâu rộng, đồng bộ các nội dung, yêu cầu của Nghị quyết, đáp ứng sự tin tưởng, mong đợi của cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong tỉnh dành cho những người làm báo tỉnh nhà.


Lê Trọng Lập

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

50 năm Báo Hà Giang một chặng đường vì Hà Giang phát triển
Ngày 13.4.1964 dưới sự chủ trì của Bí thư Tỉnh ủy Lê Văn Lương, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hà Giang đã họp bàn và ra nghị Quyếtchuyên đề số 11-NQ/TU, V/v Nâng tờ “Tin Hà Giang” lên thành tờ “Báo Hà Giang” và chính thức thành lập cơ quan Báo của Đảng bộ Đảng lao động Việt Nam tỉnh Hà Giang, Toà soạn là cơ quan của Đảng bộ tỉnh, do Tỉnh uỷ trực tiếp lãnh đạo. Đồng chí Phạm Kim Quy,
11/09/2014
Tự tin với những bước đi ban đầu
Báo Hà Giang điện tử đã được chính thức lên mạng Internet ngày 3.2.2007. Đến nay, qua hơn 7 năm với những bước đi vững chắc, địa chỉ: http://baohagiang.vn đã trở thành trang báo mạng không thể thiếu với đại đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc tỉnh nhà và độc giả trong và ngoài tỉnh. Hiện nay, số lượng truy cập đạt trên 40.000 lượt/ngày, khẳng định Báo Hà Giang
10/09/2014
Những người “giữ lửa”
Cùng với sự trưởng thành và phát triển của Báo Hà Giang 50 năm qua nói chung, phòng Hành Chính trị sự nói riêng đến nay đã không ngừng lớn mạnh cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Với chức năng nhiệm vụ tham mưu cho Ban Biên tập vềcông tác tổ chức cán bộ, thực hiện các chế độ chính sách đối với cán bộ, chăm lo về đời sống, cơ sở vật chất... cho toàn thể cán bộ trong cơ quan, phòng
10/09/2014
Cơ cấu Toà soạn Báo Hà Giang hiện nay

Hiện nay Báo Hà Giang có 5 phòng chuyên môn, bao gồm: Phòng Phóng viên; Phòng Thư ký - Xuất bản; Phòng Báo điện tử; Phòng Trị sự; Phòng Bạn đọc.

10/09/2014