50 năm Báo Hà Giang một chặng đường vì Hà Giang phát triển
Ngày 13.4.1964 dưới sự chủ trì của Bí thư Tỉnh ủy Lê Văn Lương, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hà Giang đã họp bàn và ra nghị Quyếtchuyên đề số 11-NQ/TU, V/v Nâng tờ “Tin Hà Giang” lên thành tờ “Báo Hà Giang” và chính thức thành lập cơ quan Báo của Đảng bộ Đảng lao động Việt Nam tỉnh Hà Giang, Toà soạn là cơ quan của Đảng bộ tỉnh, do Tỉnh uỷ trực tiếp lãnh đạo. Đồng chí Phạm Kim Quy, cán bộ đang phụ trách tờ Tin Hà Giang, được Tỉnh uỷ bổ nhiệm là Tổng biên tập đầu tiên; đ/c Nguyễn Thế Kỳ, Thường vụ Tỉnh uỷ được phân công là Chủ nhiệm chính trị của tờ báo. Ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, số báo Hà Giang đầu tiên đã ra mắt bạn đọc và nhân dân các dân tộc trong tỉnh! Kể từ đó, ngày 13.4.1964 chính thức trở thành mốc son lịch sử về ngày thành lập Toà soạn Báo Hà Giang và Báo Hà Giang ra số đầu tiên. Đến hôm nay, tờ báo của Đảng bộ tỉnh Hà Giang, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Hà Giang, đã có chặng đường lịch sử 50 năm, thành lập, xây dựng, cống hiến, trưởng thành.
Lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên và cán bộ công chức Báo Hà Giang hiện nay.
Trước thời điểm thành lập Báo Hà Giang, tại tỉnh ta, từ năm 1951, Đảng bộ tỉnh đã cho xuất bản tờ “Tin Hà Giang” để chỉ đạo, thông tin phục vụ sự lãnh đạo của tỉnh và làm phương tiện tuyên truyền. Tờ Tin Hà Giang 2 trang, khổ 30 x 42cm, do Phòng Thông tin trực thuộc Uỷ ban kháng chiến hành chính tỉnh xuất bản, mỗi tháng 2 kỳ, sau tăng lên 3 kỳ, đ/c Phạm Kim Quy, Trưởng phòng Thông tin phụ trách. Suốt chặng đường hơn 10 năm (1951-4/1964), tờ Tin Hà Giang tuy xuất bản không đều, lượng phát hành ít, nhưng đã có mặt ở tất cả các cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện, các chi bộ xã; Thông tin về sự chỉ đạo, điều hành của tỉnh trên các lĩnh vực kinh tế- chính trị - quốc phòng - an ninh và đời sống nhân dân, phản ánh những việc làm tốt, những gương điển hình ở cơ sở. Có thể khẳng định, tờ Tin Hà Giang với hơn 13 năm tồn tại, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và đó chính là sự tập dượt, chuẩn bị, là tiền thân, khởi đầu xứng đáng cho sự ra đời của tờ Báo Hà Giang - cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh, tiếng nói chính thống của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang.
Ngày đầu thành lập, Toà soạn chỉ có 8 cán bộ, vừa làm phóng viên, vừa biên tập tin bài. Những phóng viên đầu tiên là các anh: Chu Thái Tinh, Quang Sơn, Kim Quang. Thư ký Toà soạn là anh Bùi Công Bính. 3 năm sau là anh Đăng Cương. Đội ngũ phóng viên, biên tập viên đa số được tuyển từ ngành Giáo dục sang. Số Báo Hà Giang đầu tiên ra 4 trang, khổ 42 x 30, phát hành mỗi tuần một kỳ, lượng phát hành 700 tờ/kỳ. Một thời gian sau nâng dần lên 1.000 tờ/kỳ, phát hành xuống cơ sở xã, và bán qua Bưu điện cho các cơ quan trong tỉnh, giá bán 4 xu/tờ. Nghị quyết của Tỉnh uỷ về tờ báo của Đảng bộ cũng chỉ rõ về chế độ nhuận bút: “Để khuyến khích việc viết báo phục vụ cho tờ báo của tỉnh, tờ Báo Hà Giang cũng bắt đầu trả nhuận bút kể từ ngày tờ báo Hà Giang bắt đầu phát hành lấy tiền, so với phần trăm theo với báo Trung ương mà chính sách đã có”.
Báo Hà Giang thành lập được 1 năm thì cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta lan rộng ra cả nước, Hà Giang là tỉnh trong vùng hậu phương lớn, nhưng bừng bừng khí thế ra quân chống Mỹ. Các phong trào: “Hậu phương thi đua với tiền phương”, “Thanh niên ba sẵn sàng”, “Phụ nữ ba đảm đang”, “Mỗi người làm việc bằng hai, vì miền Nam ruột thịt” được phát động. Báo Hà Giang đã bám sát Nghị quyết của tỉnh và phong trào thi đua của quần chúng để tuyên truyền về các nội dung trọng tâm như thâm canh lúa, ngô, trồng rừng, xây dựng nếp sống mới, xây dựng HTX, phong trào thanh niên hăng hái tòng quân vào Nam chiến đấu, phong trào trồng chè, chăn nuôi trâu, bò, làm thuỷ lợi, đóng góp nghĩa vụ cho Nhà nước, từ tuyên truyền của báo, nhiều HTX tiên tiến trong lao động sản xuất được được phát hiện, thành gương sáng cho toàn tỉnh học tập, làm theo như: Tân Cương, Kè Nhạn, Thôn Quyền, Thôn Hạ (Bắc Quang); Cường Thịnh, Bản Lúp (Vị Xuyên); Bảo An, Thanh Vân (Quản Bạ); Nà Đông (Yên Minh).
Những phóng viên thực sự lăn lộn với cơ sở, có nhiều bài viết tốt thời kỳ này là các anh các chị: Gia Trung, Văn Khoá, Đỗ Xuân Bặc, Bùi Công Bính, Chu Thái Tinh, phóng viên ảnh Văn Báo. Thư ký Toà soạn: Đăng Cương. Rồi lớp phóng viên kế tiếp là các anh: Nguyễn Lục, Đức Trọng, Cao Sơn, Xuân Mai, chị Việt Đức lại tiếp tục lên đường lăn lộn cùng cơ sở; Anh Thào Mí Chá được phân công làm tờ phụ trương tiếng Mông, mỗi tháng ra 3 kỳ, anh Chá vừa biên tập, vừa dịch ra tiếng Mông, lên ma két, sửa mo-rát, tờ phụ trương tiếng Mông này phát hành đến thẳng các xã vùng cao trong toàn tỉnh...
Năm 1975, thống nhất đất nước, năm 1976, hai tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang sát nhập thành tỉnh Hà Tuyên, tờ báo được đổi tên là Báo Hà Tuyên, Trụ sở Toà soạn đặt tại Hà Giang, và từ năm 1979 chuyển về Tuyên Quang. Báo Hà Tuyên gắn liền với thời kỳ phát triển của tỉnh Hà Tuyên trong 16 năm từ 1976-1991. Đây là một thời kỳ rất quan trọng trong lịch sử phát triển của Báo Hà Giang và Báo Tuyên Quang. Sát nhập năm 1976, thì đến tháng 2/1979, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới của Tổ quốc diễn ra, toàn tuyến biên giới Việt - Trung trên địa bàn tỉnh Hà Giang trở thành mặt trận ác liệt. Cán bộ, phóng viên của Toà soạn lại cùng lúc vừa tuyên truyền cho nhiệm vụ xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội; vừa hành quân ra mặt trận làm công tác tuyên truyền cho cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Năm 1980, Toà soạn ra thêm tờ “Hà Tuyên mặt trận”, khổ nhỏ, ra tuần/kỳ. Với nội dung chuyên sâu về cuộc sống, chiến đấu của cán bộ, chiến sỹ nơi chiến hào biên giới. Nhà báo Nguyễn Trọng Hùng, được phân công phụ trách tờ “Hà Tuyên mặt trận”. Ở thời kỳ này các nhà báo Nguyễn Văn Yêu, Vương Văn Phát, Hoàng Kiệm, Đặng Quang Vượng, Sùng Mí Chứ, Nguyễn Đức Tằng, Dương Trung Thanh, Việt Đức (của Hà Giang cũ) cùng các nhà báo Nguyễn Trọng Hùng, Nguyễn Việt Thanh, Ma Xuân Quang, Phí Văn Tường, Nguyễn Chính, Đỗ Hùng, Dương Thị Phúc, Hoàng Liên, Lại Cao Khải (của Tuyên Quang cũ) đã sát cánh cùng nhau cống hiến cho tờ Báo Hà Tuyên, bước chân các anh trải dài, in dấu từ Sơn Dương, Yên Sơn đến Đồng Văn, Mèo Vạc, Quản Bạ, Yên Minh; Từ Na Hang, Chiêm Hoá đến Su Phì, Xín Mần, Vị Xuyên tuyến lửa. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của người chiến sỹ cầm bút sát cánh cùng các chiến sỹ cầm súng, và nhân dân các dân tộc Hà Tuyên, khẳng định và viết lên trang sử hào hùng, giữ vững biên giới thiêng liêng của Tổ quốc nơi đỉnh đầu cực Bắc.
Tháng 10/1991, Hà Tuyên chia tách thành 2 tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang. Việc tái lập tỉnh đúng vào thời kỳ cả nước bước vào công cuộc đổi mới; Anh Hoàng Kiệm, Trưởng phòng Phóng viên Báo Hà Tuyên được giao nhiệm vụ phụ trách, sau đó là Phó tổng biên tập Báo Hà Giang cùng 10 cán bộ phóng viên lên xây dựng lại tờ Báo Hà Giang sau 16 năm sát nhập Hà Tuyên. Báo Hà Giang lại bước vào một thời kỳ mới: Tuyên truyền, cổ vũ cho nhiệm vụ xây dựng lại tỉnh Hà Giang, gắn liền với nội dung yêu cầu của sự nghiệp đổi mới đất nước, trong đó yếu tố về mở cửa, hội nhập như là một tất yếu cho nhiệm vụ xây dựng và phát triển tỉnh Hà Giang. Các vấn đề về chính trị, kinh tế, văn hoá, lối sống về đạo đức xã hội ở giai đoạn này đặt ra; tạo nên sự phân hoá đan xen, nhiều giá trị khác biệt, thậm chí là đối lập nhau, nhưng vẫn được phép cùng tồn tại, dẫn đến sự phân hoá mạnh mẽ trong xã hội nhất là các tiêu chí về kinh tế và chuẩn mực, khoảng cách giàu nghèo trong xã hội, nền kinh tế nhiều thành phần, xã hội có sự phân cấp về tiêu chí, chuẩn mực về mức sống và lối sống, đòi hỏi Đảng và Nhà nước; cấp uỷ, chính quyền và cả hệ thống chính trị tỉnh phải đối mặt đón nhận, tiếp thu và xử lý nhưng vẫn phải giữ đúng định hướng chính trị, không chệch hướng các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc. Trong bối cảnh đó, với điều kiện của một tỉnh miền núi vừa chia tách, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang đã dồn sức tập trung cho nhiệm vụ trọng tâm là đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo, nâng cao dân trí mọi mặt cho nhân dân; Chú trọng công tác xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị; Công tác quốc phòng - an ninh giữ vững đường biên mốc giới, tạo lập mối quan hệ bình đẳng hữu nghị hợp tác với nước bạn láng giềng... Thấm thoát đã 18 năm sau ngày chia tách, vượt qua vô vàn khó khăn, thách thức của một tỉnh nghèo vùng cao, biên giới, Hà Giang đã thực sự chuyển mình, bằng những bước đi tự tin vững chắc: Tăng trưởng kinh tế liên tục nhiều năm, đạt trên 10%. Chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế theo hướng đẩy mạnh sản xuất hàng hoá, thu nhập bình quân đạt 14,5 triệu đồng/người. Tỷ lệ hộ nghèo từ trên 50% ngày mới tách tỉnh giảm xuống còn 27,03%.
Trong thành tựu lớn lao đó của tỉnh, Báo Hà Giang thông qua công tác tuyên truyền báo chí đã thực sự khẳng định vai trò, vị trí của mình - là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh nhà. Luôn bám sát, vận dụng đúng đắn, sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin; Tư tưởng Hồ Chí Minh, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để tuyên truyền, giải thích, chuyển tải thông tin, nắm bắt tâm tư, tình cảm, những vấn đề bức xúc trong cuộc sống để từ đó đưa vào các tác phẩm báo chí của mình những thông tin chân thực, sống động, bổ ích. Các loại hình báo chí của Toà soạn đã thực sự là nhu cầu hàng ngày, là người bạn thân tình, gắn bó, cần thiết của bạn đọc, của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. đó là tờ Báo Hà Giang chính thức ra 3 kỳ/tuần với lượng phát hành từ 3.000 bản/kỳ, tăng lên 5.000 bản, rồi 7.000 bản/kỳ. Từ năm 2013 tăng lên 4 kỳ/tuần, ra các ngày thứ 3,4,5,7, với lượng phát hành từ 8.000 - 8.500 bản/kỳ, phát hành đến tất cả các Đảng bộ, Chi bộ cơ sở, các cơ quan, đơn vị, trường học, các xã, phường, tổ dân phố, thôn bản trong toàn tỉnh. Là tờ báo ảnh Hà Giang Cực Bắc khổ nhỏ, ra tháng một số theo hình thức chữ to, ảnh nhiều thông tin kịp thời các sự kiện trong tỉnh đến các trường học, thôn, bản, vùng cao, vùng sâu, xa với lượng phát hnàh 3.000 bản/kỳ. Đó là Báo Hà Giang Điện tử, tuy mới ra đời từ ngày 3.2.2007, đến nay sau hơn 7 năm hoạt động, tuy còn non trẻ nhưng đã khẳng định ưu thế vượt trội của mình trong các loại hình báo chí. Đấy chính là kênh thông tin quan trọng thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu hiệu quả nhất cho kinh tế- xã hội, đời sống nhân dân, tiềm năng, thế mạnh, khả năng thu hút đầu tư; những sản phẩm hàng hoá truyền thống, tấm lòng rộng mở, chân tình của Hà Giang với Đảng, Chính phủ, các bộ ngành Trung ương, các tổ chức xã hội, nhân dân và bạn bè trong nước và toàn thế giới thông qua địa chỉ: www.baohagiang.vn. Với tiêu chí 70% là các thông tin trong tỉnh; 30% là tin tức thời sự trong nước và quốc tế. Hiện nay trung bình có khoảng 40 nghìn lượt truy cập/ngày vào Báo Hà Giang điện tử, đến nay đã có hơn 52 triệu lượt truy cập. Đặc biệt từ tháng 10/2007 đến nay, Báo Hà Giang điện tử đang thử nghiệm thêm loại hình truyền hình mạng, trung bình mỗi tháng có khoảng từ 7 - 10 Video-Clipvề các hoạt động trọng tâm, quan trọng của tỉnh ta được đưa vào mạng Internet, tạo thêm một kênh thông tin quan trọng nữa tuyên truyền, quảng bá cho tỉnh nhà ra cả nước và toàn thế giới. Với các loại hình báo chí năng động, hiện đại của mình, cùng với các phương tiện thông tin đại chúng khác trong tỉnh, Báo Hà Giang đã thực sự trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu và không thể thay thế của bạn đọc trong toàn tỉnh.
Để đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao và nặng nề hiện nay, phát huy truyền thống của các thế hệ nhà báo đi trước, cán bộ, phóng viên, biên tập viên của Báo Hà Giang hôm nay đã xác định rõ ràng cho mình rằng: Làm báo là một nghề đặc biệt, mang tính chính trị xã hội rất sâu sắc, có tính định hướng cụ thể, rõ ràng, đòi hỏi năng lực, trình độ, khả năng tư duy, phương pháp nghiệp vụ phải ngày một cao hơn thì mới tồn tại và sống được với nghề báo trước cuộc sống sôi động, nhiều chiều hiện nay. Được sự quan tâm sâu sắc của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong tỉnh, đội ngũ nhà báo của Toà soạn hôm nay đã trưởng thành vượt bậc, 20/22 phóng viên, biên tập viên có trình độ đại học, 100% là đảng viên, 100% anh em thao tác nghiệp vụ bằng thiết bị tin học; Toà soạn có Trụ sở khang trang, các công đoạn làm báo được nâng cấp, hiện đại hoá, các loại hình báo in đều chế bản điện tử trực tiếp tại Toà soạn. Các chế độ đảm bảo mang tính đặc thù của nghề báo mà Nhà nước đã thể chế, quy định như chế độ tiếp cận thông tin; học tập nâng cao nghiệp vụ; chế độ nhuận bút được cấp uỷ, chính quyền tỉnh quan tâm, từng bước giải quyết cho các nhà báo theo điều kiện cụ thể của tỉnh. Toà soạn hiện nay cùng lúc xuất bản 3 loại hình báo chí: Báo hàng ngày, báo ảnh vùng cao, báo điện tử. Trong đó có cả truyền hình mạng - Nhiệm vụ nặng nề, yêu cầu về chất lượng nội dung, hình thức thể hiện, thể loại chuyển tải ý đồ tuyên truyền đều đòi hỏi nâng cao và khắt khe về chất lượng. Đối tượng tuyên truyền mở rộng, phong phú, phức tạp hơn rất nhiều, nhưng định hướng tuyên truyền thì phải luôn khẳng định, chỉ rõ. Trước yêu cầu đó Báo Hà Giang đã chủ động và tích cực trong việc vận dụng nghị quyết và các giải pháp triển khai của tỉnh vào nhiệm vụ tuyên truyền và kế hoạch xuất bản cụ thể cho từng thời điểm, từng loại hình báo chí; Bám sát nghị quyết nhiệm vụ trọng tâm, chú trọng tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, các vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội để phản ánh, đưa vào tác phẩm báo chí của mình. Có thể khẳng định trước cuộc sống sôi động, nhiều chiều hiện nay, trước yêu cầu phải thực hiện thành công nhiệm vụ xoá đói giảm nghèo, nâng cao dân trí, cải thiện từng bước nhưng phải vững chắc chất lượng cuộc sống cho người dân tỉnh nhà; Bên cạnh các giải pháp quan trọng về kinh tế – xã hội, thì các tác phẩm báo chí là, một yếu tố vô cùng quan trọng góp phần quyết định không kém gì đồng vốn và các giá trị vật chất. Bởi vì từng người dân Hà Giang đã hiểu rất sâu sắc rằng báo chí nói chung, các loại hình báo chí của Báo Hà Giang nói riêng chính là một nguồn cung cấp tri thức, vốn sống, hiểu biết xã hội, cách thức làm ăn, để xóa nghèo, biết cách làm giàu cho người dân nhanh nhất, nhiều nhất, thuận tiện nhất; Và có tri thức hiểu biết là sẽ có tất cả, tri thức chính là đồng vốn để XĐGN, nâng cao chất lượng cuộc sống mọi mặt cho người dân.
Nhận thức được điều đó, anh chị em phóng viên, biên tập viên đã xác định đúng, rõ ràng về trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của người làm báo, nhiệm vụ là người chiến sỹ cầm bút trên mặt trận tuyên truyền của Đảng. Đó là thế hệ phóng viên trẻ, năng động, được đào tạo cơ bản của Toà soạn hiện nay; Tiêu biểu là: Ngọc Quỳnh, Biện Luân, Khánh Toàn, Đức Dũng, Thiên Thanh, Bình Minh, Hữu Thụy, Phan Hùng, An Dương, Huy Toán; Hoàng Ngọc, Phi Anh, Văn Nghị, Kim Tiến, Nguyễn Hùng, Hiến Chương. Là các biên tập viên tận tụy, sâu sắc: Vũ Thị Thành, Đỗ Minh Tuấn, Đặng Phương Hoa, Hùng Hiền, Việt Thắng; hoạ sỹ Ngọc Bích, hàng ngày âm thầm, cần mẫn trên từng trang bản thảo để sửa ý, chữa câu, thay chữ, làm đẹp cho từng bài báo. Rồi các kỹ thuật viên chế bản: Hải Quỳnh, Kim Thoa; Các kỹ thuật viên Báo Điện tử: Như Lâm, Phan Mạnh, Thanh Thuỷ; Cán bộ theo dõi bạn đọc và các CTV: Lý Ngân, kế toán Hoàng Thiệp, theo dõi phát hành báo Hoàng Bình, văn thư Đặng Bình, nhân viên hành chính Nguyễn Thị Huyền, lái xe Thế Học.... Các anh, các chị mỗi người mỗi việc, âm thầm gắn bó, sáng tạo, tỉ mỉ, chính xác, chăm lo cho những công việc không tên nhưng phải có, phải làm tốt, có trách nhiệm để cả 3 loại hình báo chí hiện nay của Toà soạn đều đặn, đúng kỳ, đến với bạn đọc trong toàn tỉnh và hoà vào mạng Internet toàn cầu.
Ngày 3.2.2007, đúng dịp kỷ niệm 77 năm ngày thành lập Đảng kính yêu, cùng với cả nước, Đảng bộ Hà Giang đã phát động và triển khai Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, cùng với cán bộ, đảng viên, nhân dân trong toàn tỉnh, những người làm Báo Hà Giang cũng xác định cho mình quyết tâm, mục tiêu, nội dung và ý thức trách nhiệm trong việc “Học tập và làm theo Bác”. Học tập và làm theo tư tưởng và tấm gương đạo đức của Bác chính là làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách làm việc, phương pháp làm báo của nhà báo Hồ Chí Minh! Vì Bác chính là nhà báo cách mạng đầu tiên, người thầy vĩ đại, chân tình, sâu sắc nhất của mọi thế hệ làm báo cách mạng Việt
Bác luôn nhắc nhở chúng ta về phương pháp làm báo – với câu hỏi đặt ra khi cầm bút: Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào? Và khi viết xong một bài báo phải tự mình biên tập, tự nhặt ra những hạt sạn trong bài, phải không dấu dốt, biết lắng nghe bạn bè, đồng nghiệp và quan trọng nhất là biết tiếp thu nhận xét, góp ý của quần chúng, người lao động, vì quần chúng nhân dân hiểu, nghĩa là quảng đại quần chúng hiểu. Như vậy, bài viết mới đạt yêu cầu, có tác dụng tuyên truyền tốt được! Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống của mình, mỗi cán bộ, phóng viên, biên tập viên của Báo Hà Giang xin hứa với Bác, xin hứa với Anh linh nhà báo vĩ đại Hồ Chí Minh: Chúng cháu sẽ đoàn kết, quyết tâm học tập, rèn luyện làm theo Bác, xứng đáng là những nhà báo hậu duệ của Người trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng quê hương Hà Giang và đất nước hôm nay.
50 năm là cả một chặng đường dài, phấn đấu, rèn luyện, cống hiến, trưởng thành của biết bao thế hệ nhà báo đã từng làm báo tại Toà soạn Báo Hà Giang. Từ đ/c Phạm Kim Quy sau 14 năm phụ trách tờ “Tin Hà Giang”, anh là Tổng biên tập đầu tiên và giữ trọng trách đó suốt 25 năm, các Tổng biên tập tiếp theo là các anh Phí Văn Tường, Nguyễn Thế An, Nguyễn Văn Yêu, Nguyễn Văn Tông, Hoàng Kiệm, Lê Trọng Lập và các Phó tổng biên tập Hoàng Quang Sôi, Chu Thái Tinh, Nịnh Văn Độ, Ma Xuân Quang, Nguyễn Việt Thanh, Đặng Quang Vượng, Sùng Mí Chứ, sự có mặt, cống hiến của các anh, các chị như một dòng chảy của cuộc đời, và của nghề làm báo gian khổ nhưng vinh quang. Các anh, các chị, các thế hệ lãnh đạo của Toà soạn, cùng với biết bao các anh chị phóng viên, biên tập viên của Báo Hà Giang từ những ngày đầu tiên gian khó, thử thách đã lần lượt viết nên những trang sử truyền thống tốt đẹp, rất đáng tự hào cho Báo Hà Giang, cho tất cả các thế hệ những nhà báo từ những ngày đầu tiên thành lập cho đến hôm nay.
Tập thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên của Toà soạn Báo Hà Giang hôm nay: Kế thừa và phát huy những thành quả, truyền thống các thế hệ làm báo Hà Giang đi trước giao lại là một tập thể đoàn kết, chân thành, hết lòng vì công việc làm báo, biết đồng cảm và chia sẻ, trước mỗi niềm vui, từng nỗi buồn trong cuộc sống, dám đón nhận và biết cách vượt lên khó khăn, vì nhiệm vụ tuyên truyền của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Giang. Được làm báo trong một môi trường thuận lợi, có điều kiện phát huy sự sáng tạo cho hoạt động nghiệp vụ, trang thiết bị làm báo từng bước được hiện đại hoá; Trình độ, năng lực, phương pháp làm báo của phóng viên, biên tập viên ngày càng được hoàn thiện, nâng cao. Điều đó khẳng định sự quan tâm, chăm lo cho báo chí, cho đội ngũ những người làm báo của cấp uỷ, chính quyền tỉnh; là sự ủng hộ, cộng tác, giúp đỡ của Đảng bộ, chính quyền các huyện thị, các cơ quan, ban ngành, trường học, lực lượng vũ trang trong tỉnh và đặc biệt là sự cảm thông, giúp đỡ, đón nhận chân thành của đông đảo bạn đọc, quần chúng nhân dân tỉnh nhà giành cho tờ báo và những người làm báo Hà Giang hôm nay. Chúng tôi xin hứa sẽ trân trọng giữ gìn và phát huy những thành quả mà thế hệ các chị, các anh trao lại; Đoàn kết, tự tin, sáng tạo để không phụ lòng tin của các thế hệ đi trước giành cho chúng tôi hôm nay.
Tập thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên Báo Hà Giang xin chân thành biết ơn: Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh, các sở, ban, ngành, các huyện thị, các xã, phường, thôn, bản, tổ dân phố, cán bộ, chiến sỹ các lực lượng vũ trang, các thầy cô giáo và các em học sinh, các cây bút CTV trong ngoài tỉnh, và bạn đọc gần xa đã cảm thông, trân trọng, giúp đỡ, chia sẻ suốt 50 năm qua, đó là động lực to lớn để chúng tôi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình!
Kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống, những người làm Báo Hà Giang nguyện không ngừng học tập, rèn luyện để có tâm, có tầm, hiểu biết, say mê, đoàn kết, thống nhất cả về nhận thức và hành động, sống, học tập và làm báo theo tấm gương của nhà báo vĩ đại Hồ Chí Minh. Xứng đáng với sự tin cậy và mong đợi của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Hà Giang./.
Ý kiến bạn đọc