Tiềm năng “hút” khách của lễ hội

08:01, 25/04/2012

Lễ hội của đồng bào các dân tộc thiểu số nước ta cho đến nay hầu hết vẫn giữ được những nét truyền thống đặc sắc. Chính điều đó đã tạo nên một sức hút lớn đối với khách du lịch. Tham gia lễ hội của đồng bào thiểu số đã trở thành một trải nghiệm thú vị được nhiều du khách trong và ngoài nước lựa chọn cho hành trình du lịch của mình.


Nét văn hóa đặc sắc và độc đáo

Đó là những gì mà du khách nhận thấy khi tham gia các lễ hội dân gian truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số như lễ hội Xuống đồng (Lồng tồng) của người Tày, lễ hội Katê của người Chăm, lễ hội Ooc om bok của người Khmer... Con số thống kê được đưa ra tại Hội nghị đánh giá kết quả 10 năm bảo tồn, phát huy lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số do Vụ Văn hóa dân tộc, Bộ VH-TT&DL tổ chức cho thấy: cả nước hiện có gần 8.000 lễ hội dân gian truyền thống.
 
Đáng chú ý trong số này là những lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số - nơi còn giữ được gần như nguyên gốc các giá trị văn hóa, tín ngưỡng đặc sắc, những nét truyền thống lâu đời của các tộc người. Chính các lễ hội này mới là những nhân tố chủ đạo tạo nên sự phong phú và bản sắc độc đáo của nền văn hóa Việt Nam.

Hầu hết lễ hội dân gian của đồng bào các dân tộc thiểu số đều gắn với tín ngưỡng, tâm linh, chu trình canh tác, nông lịch sản xuất, nghi lễ vòng đời... với nhiều nghi thức, lễ thức, trò diễn độc đáo. Phần lớn các lễ hội đều được tổ chức không cầu kỳ với chi phí không tốn kém nhưng lại có tác dụng không nhỏ trong việc gắn kết cộng đồng và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.

 Du khách nước ngoài say sưa với khoảnh khắc lễ hội Việt Nam.

Tiềm năng phát triển du lịch

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hoàng Thị Điệp, những chuyến du lịch trải nghiệm, tìm hiểu, khám phá văn hóa bản địa, đặc biệt là cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số với nhiều lễ hội, nhiều phong tục, tập quán thú vị, độc đáo luôn có sự hấp dẫn, lôi cuốn không chỉ với khách du lịch trong nước mà cả những du khách nước ngoài và những người quan tâm đến văn hóa Việt Nam. Các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trải dài từ Nam ra Bắc, từ đầu năm đến cuối năm đã góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy sự tăng trưởng du lịch.

Trong những năm gần đây, thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, Bộ VH-TT&DL đã hỗ trợ phục hồi và phát huy giá trị của hơn 50 lễ hội dân tộc thiểu số trên địa bàn các tỉnh miền núi, các tỉnh đặc biệt khó khăn như Lễ hội đâm trâu xoay cột của đồng bào thiểu số vùng miền núi Phú Yên, Lễ hội trò trám của đồng bào dân tộc Tày Phú Thọ, Lễ hội đua bò của dân tộc Khmer (An Giang)...
 
Nhờ đó, nhiều lễ hội tiêu biểu đặc sắc có nguy cơ mai một và lai căng đã được bảo tồn, được tiến hành một cách nghiêm túc, đảm bảo tính nguyên gốc, đồng thời loại bỏ một số hủ tục lạc hậu. Điều này góp phần không nhỏ vào việc thu hút khách du lịch.
 
Để phát triển sản phẩm du lịch mới gắn với các lễ hội truyền thống, ngành du lịch đã chọn 15 lễ hội tiêu biểu cho các vùng miền, các dân tộc, trong đó có lễ hội Xuống đồng của người Tày, lễ hội Katê của người Chăm, lễ hội Ooc om bok của người Khmer... để đầu tư, chuẩn hóa thông tin, kịch bản với mục đích vừa tôn trọng tính truyền thống đặc sắc của lễ hội, vừa bảo đảm tính khoa học trong công tác tổ chức, đáp ứng yêu cầu của khách tham quan du lịch.
 
Ngoài ra, ngành du lịch cũng thường xuyên tổ chức cho các công ty lữ hành, các nhà báo đi thực tế, tham dự một số lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số để xem xét, kiến nghị đưa vào chương trình chào bán cho du khách.
 
Điều mà ngành du lịch cũng như ngành văn hóa hiện nay đang rất quan tâm là làm thế nào để các lễ hội dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số vừa đáp ứng được nhu cầu trải nghiệm văn hóa của khách du lịch, vừa giữ nguyên được bản sắc. Theo bà Hoàng Thị Điệp, ngành văn hóa cần kết hợp với ngành du lịch, chính quyền địa phương rà soát lại những lễ hội tiêu biểu đặc sắc.
 
Căn cứ vào quy mô, tính chất, thời gian, địa điểm và điều kiện cơ sở vật chất của từng lễ hội để chọn ra khoảng 20 - 30 lễ hội đáp ứng yêu cầu để đầu tư đưa vào khai thác phục vụ du lịch. Đối với một số lễ hội, nếu cần thiết, phải quy định cụ thể số lượng khách du lịch tối đa có thể tham gia để không ảnh hưởng đến môi trường tâm linh, môi trường tự nhiên và xã hội của lễ hội, đặc biệt là phải bảo vệ được các giá trị truyền thống của lễ hội, không vì lợi nhuận trước mắt mà can thiệp thô bạo vào các lễ hội của đồng bào. 

suckhoedoisong.vn

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Văn Khúc - vùng đất gắn với lịch sử, văn hóa thời Vua Hùng
HGĐT- Trong lịch sử dựng nước và giữ nước thời Hùng Vương, cho đến nay đã có không ít những tài liệu được công bố với những bằng chứng lịch sử hoặc dựa theo truyền thuyết về những vùng đất “Địa linh nhân kiệt” ở Phú Thọ, gắn với lịch sử, văn hoá có liên quan đến thời đại Vua Hùng...
30/03/2012
Chúc mừng phụ nữ Việt Nam
Mừng Ngày mồng 8 tháng 3Phụ nữ Quốc tế gần xa bình quyềnTrai tài – gái đảm chung chuyênNữ thêm chức phận: Mẹ hiền sinh con
30/03/2012
Quang Bình – tổ chức hội diễn văn nghệ quần chúng năm 2012
HGĐT - Nhân kỷ niệm Ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng 30.4 và Ngày quốc tế Lao động 1.5, sáng ngày 18.4.2012, Ban tổ chức Hội diễn văn nghệ quần chúng huyện Quang Bình đã tổ chức hội diễn văn nghệ quần chúng toàn huyện năm 2012.
20/04/2012
Nhìn lại “Tuần Văn hóa Du lịch Lễ hội Chợ tình Khâu Vai”
HGĐT - “Tuần Văn hóa Du lịch Lễ hội Chợ tình Khâu Vai 2012” đã khép lại nhưng dư âm về những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc vùng cao Mèo Vạc vẫn còn đọng mãi trong lòng mỗi du khách có dịp về thăm. Điều đó minh chứng cho sự thành công của sự kiện văn hóa lần đầu tiên được tổ chức với quy mô lớn này.
20/04/2012