Những nghệ sĩ vừa chụp vừa giấu máy ảnh

16:10, 19/04/2012

 "Văn hóa thuộc về nhân dân", đó là thông điệp của 150 bức ảnh tại triển lãm ngoài trời nằm giữa  khu vực đẹp nhất thủ đô, được chụp bởi 64 "tay máy" hoàn toàn nghiệp dư đến từ 9 nhóm cộng đồng dân tộc thiểu số suốt dọc chiều đất nước.


Chồng tui ghen, lúc đầu không cho đi" - chị Lý Hoàng Kiều, 48 tuổi người dân tộc Khmer, tỉnh Sóc Trăng rớm nước mắt đứng trên bục diễn đàn - "Tui muốn chụp đêm hát của người Khmer nên phải đi lúc 10 giờ tối, cùng đứa cháu. Tui thích khi nghe "người nông dân tự chụp hình người nông dân" nên tui xung phong, mặc dù ai cũng bảo tui lớn tuổi rồi. Để đỡ ngại, tui bế cháu đi chụp, giấu máy ảnh ra đằng sau vạt áo".

Những bức ảnh nằm bên bờ Hồ Gươm đang kể câu chuyện về cuộc sống sinh kế, tâm linh, gia đình của người dân tộc thiểu số được chụp bởi chính người dân tộc thiểu số, không hề có bàn tay của nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp hay sự sắp đặt nào khác. Chúng khiến nhiều người kinh ngạc bởi sức biểu cảm, sự hồn nhiên, chân thực và cả sự lành nghề.




Tất cả nằm trong dự án "Văn hóa của mình" sử dụng phương thức photovoice - những bức ảnh cất lên tiếng nói từ bên trong. Trong vòng 4 tháng kể từ tháng 1/2012, đoàn dự án đã có mặt tại 5 tỉnh thành trải từ Bắc chí Nam, gặp gỡ 7 dân tộc, bao gồm: H'mông Si, Dao (Yên Bái), H'mông đen, Dao đỏ (Lào Cai), Mường, Thái (Thanh Hóa), Pa Cô, Vân Kiều (Quảng Trị), và Khmer (Sóc Trăng)

Chị Trương Thị Thủy, người dân tộc Mường, tỉnh Thanh Hóa nhớ lại những ngày đầu tiên: "Đoàn dự án đến thôn, tập hợp mọi người lại và hỏi xem có ai muốn tham gia chương trình. Thôn bầu lên 6 người, trong đó có em. Nhưng 5 người kia từ chối, có mỗi mình em là không từ chối" - chị cười, khán giả cũng bật cười theo - "Lúc đầu nói chuyện chụp ảnh, kể chuyện bằng hình ảnh em cũng không hiểu gì cả, nhưng có mấy anh chị trong thôn bảo "Hay là nó biết đi làm dự án được nhiều tiền hay sao mà không từ chối". Em thấy buồn, nhưng tự nhủ "Thôi thì mình đi cho biết". Sau đó mọi người thấy được nói lên bản sắc văn hóa của mình thì cũng ủng hộ".

Những người đứng đằng sau, đã thực hiện dự án đẹp đẽ và nhiều ý nghĩa này bằng cách mang những chiếc máy ảnh đến cho người dân vùng cao - đến từ Viện nghiên cứu Xã hội, kinh tế và Môi trường. Nhóm cho biết: "
Chúng tôi tin rằng văn hóa luôn biến động, biến đổi. Khi người dân có cơ hội thảo luận, trao đổi với nhau, với người dân tộc khác về văn hóa của mình - thì văn hóa sẽ ngày càng giàu, càng đẹp hơn, khối đại đoàn kết dân tộc sẽ càng mạnh mẽ.

Chúng tôi không làm gì to tát, chỉ là trao quyền lại cho những người dân tộc thiểu số để tự họ thấu hiểu và chia sẻ với thế giới về văn hóa của mình. Tôi cho rằng văn hóa phải thuộc về nhân dân, của nhân dân, do nhân dân tự làm chủ và phát triển. Mọi nền văn hóa đều bình đẳng, có quyền phát triển và đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Người dân có hiểu về văn hóa của mình mới có thể tự hào và giữ gìn được văn hóa dài lâu
" - ông Lê Quang Bình, viện trưởng Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường chia sẻ.

"Trong cuộc đối thoại nội tại này, người dân tộc thiểu số cũng hiểu hơn về nền văn hóa của dân tộc mình và các dân tộc khác. Bên cạnh việc chụp những bức ảnh, họ còn có nhiệm vụ chú thích về phong tục tập quán, hoặc những hoạt động thường nhật đã được ghi hình. Bằng cách đó "người ở bên ngoài" được chia sẻ và được hiểu về văn hóa từ một nguồn tin cậy, đồng thời những người trẻ lại có dịp học hỏi từ những người già trong làng để hiểu thêm về nguồn gốc sâu xa của những phong tục gần gũi với chính họ"

Tục lệ bói chân gà

Thông điệp chân thực về cuộc sống của người dân tộc thiểu số đã gây xúc động mạnh mẽ cho nhiều người xem, không ít trong số đó là các học sinh sinh viên sinh sống trên địa bàn thủ đô. "Dân mình nghèo khổ quá!", "Tôi yêu Việt Nam", "Đây là triển lãm rất hay và hữu ích. Không chỉ là những bức ảnh biết nói mà còn là những con người thật", "Khi em đi học về em thường qua đây. Hôm nay họ mở một triển lãm tranh về những người dân tộc. Em liền qua xem. Em thấy cuộc sống của họ rất nghèo khổ nhưng lại biết gắn bó và đoàn kết. Khi nào trường có tổ chức Tết và ủng hộ, em sẽ đóng góp rất nhiều" - Dòng chữ non nớt của một em học sinh viết trên tấm giấy lưu niệm màu đỏ, như là dấu son của sự giao cảm gần gũi nhất từ miền xuôi gửi tới tấm lòng hồn hậu của bà con miền ngược.

Dự kiến sau triển lãm, các tác phẩm sẽ được xuất bản thành sách và các triển lãm nhỏ sẽ được tổ chức theo yêu cầu của một số địa phương.

Hình ảnh về buổi triển lãm "Văn hóa của mình", khai mạc ngày 19/4, kéo dài đến 22/4/2012 tại khuôn viên vườn hoa Lý Thái Tổ, Hà Nội, nhân dịp kỉ niệm Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Lý Thị Líu, 18 tuổi, dân tộc Dao, tỉnh Yên Bái - thành viên trẻ nhất trong nhóm chụp ảnh "Em tự hào hơn về bản thân và văn hóa dân tộc em"



Những vị khách trong buổi khai mạc triển lãm

Những "tay máy" nghiệp dư đã tạo nên những bức ảnh đầy hồn hậu

Một vị khách nước ngoài gắn logo "Văn hóa của mình" lên túi

Những đứa trẻ ở bản làng, ảnh chụp và chú thích được viết bởi những người dân tộc thiểu số trước đó chưa hề cầm máy ảnh.

Mới 6 tuổi, các em bé gái đã tự tập thêu

"Sống trong môi trường thiên nhiên, gần rừng núi, người Pa cô thường hay bắt những con vật trong thiên nhiên rồi thuần dưỡng, nuôi trong nhà..."



Mẹ xảy gạo làm quà cho con gái đi lấy chồng

Người phụ nữ xe sợi, lăn vải để may áo


Em bé Hà Nội đang trượt patin ở khu vườn hoa cũng đứng lại xem

64 gương mặt nhiếp ảnh




Toàn cảnh khu công viên với những bức tranh khổ lớn



Khu công viên thủ đô về đêm vẫn rực rỡ những hình ảnh từ người dân vùng cao

Dòng lưu niệm của một em học sinh tiểu học Hà Nội

Hồ Hương Giang


vietnamnet

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Văn Khúc - vùng đất gắn với lịch sử, văn hóa thời Vua Hùng
HGĐT- Trong lịch sử dựng nước và giữ nước thời Hùng Vương, cho đến nay đã có không ít những tài liệu được công bố với những bằng chứng lịch sử hoặc dựa theo truyền thuyết về những vùng đất “Địa linh nhân kiệt” ở Phú Thọ, gắn với lịch sử, văn hoá có liên quan đến thời đại Vua Hùng...
30/03/2012
Giọt nước
Suối tìm mình thấy sôngsông tìm mình thấy biểnbiển tìm sông dội mãi sóng vào bờ sông tìm suối hóa khúc quanh co
30/03/2012
Cô giáo miền xuôi
Cô giáo trẻ lên miền biên giớiXa đồng bằng cô tới Cao nguyênMiền đất lạ nhấp nhô núi đáSớm ngày sương trắng tỏa khắp nơi.
30/03/2012
Sông Gâm
Sông GâmCánh cung của thần ErốtBắn vào em vào taMũi tên tình yêu
30/03/2012