Văn Khúc - vùng đất gắn với lịch sử, văn hóa thời Vua Hùng

17:17, 30/03/2012

HGĐT- Trong lịch sử dựng nước và giữ nước thời Hùng Vương, cho đến nay đã có không ít những tài liệu được công bố với những bằng chứng lịch sử hoặc dựa theo truyền thuyết về những vùng đất “Địa linh nhân kiệt” ở Phú Thọ, gắn với lịch sử, văn hoá có liên quan đến thời đại Vua Hùng...


Những vùng đất ấy vẫn ngàn năm theo dòng chảy của lịch sử dân tộc. Con người nơi ấy luôn không ngừng phát huy truyền thống anh hùng bất khuất của tổ tiên, bảo vệ và phát triển quê hương ngày càng thịnh vượng. Một vùng quê ấy bây giờ mới được nhắc đến, đó là mảnh đất Văn Khúc - một xã miền núi thuộc huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ.


Văn Khúc cách Đền Hùng theođường chim bay khoảng gần 20 cây số về phía Tây Bắc; có núi Đọi Đèn đỉnh cao 386 m so mực nước biển và nhiều đồi núi thấp như núi Lắc Lư, đồi Trùng, đồi Cây Khế. Có các gò như gò Bểnh, gò Làng, gò Đền, gò Hươu nổi lên giữa một vùng nước mênh mông đầm Meo, đầm Chương, đầm Trúc... như những hòn đảo. Có các con ngòi Cỏ, ngòi Me bắt nguồn từ huyện miền núi Yên Lập đổ về, tạo nên những cánh đồng chiêm trũng như đồng Gia, đồng Trịnh, đồng Trò...Vùng chân đồi, những người dân xưa kia đã bằng lao động chân tay tạo ra những cánh đồng bậc thang như đồng Lốc, Cán Cờ, đồng Hầu... thật sơn thuỷ hữu tình. Sản vật Văn Khúc xa xưa nổi tiếng là nhiều cá và nhiều hổ báo, nên mới có câu: “Cá đầm Meo, beo (hổ) Cây Khế”; đồng chiêm có các loại lúa chiêm chanh, chiêm tép, nếp vách; trên đồi là rừng cây cọ, cây chẩu, cây dọc và rừng chè. Dưới đồng và đầm, vào tháng ba, tháng tư, tháng năm cá đẻ ầm ào như muôn bàn tay vỗ. Mùa đông trên các đầm, gò những đàn chim sâm cầm, cò, diệc bay về đậu, kiếm mồi kêu náo động cả không gian. Người Việt bao gồm người Kinh, người Tày, người Mường... đến đây ở từ lâu đời, đã làm nên lịch sử và văn hóa. Di tích lịch sử, văn hóa đến nay còn lại là những đình, đền thờ vua Hùng, phu nhân, các công chúa và các danh tướng.

 

Đến với Văn Khúc khách có thể thấy ngay ở trung tâm xã là Đền Rừng Già thờ bà công chúa Quế Hoa, tương truyền Bà là công chúa Vua Hùng thứ XVII, có công dạy dân trong vùng trồng lúa và đánh giặc giữ nước. Nhân dân Rừng Già cho đến nay còn giữ tục cúng cốm, làm cốm bằng thứ nếp chiêm cấy quanh làng. Khi nào cúng cốm xong, mới gặt lúa mang về, được say giã gạo và nấu cơm ăn. Vừa theo một tín ngưỡng đồng thời vừa thể hiện lòng biết ơn bà Quế Hoa đã dạy mình làm ra thứ gạo ngon quý giá này... Đình Trình Khúc nay có tên là đình Văn Khúc, gọi theo tên mới do nhà vua Thiệu Trị (triều Nguyễn) cho đổi tên từ làng Trình Khúc sang tên Văn Khúc, vì nhà vua cho rằng, đã Trình bầy Khúc triết thì phải là Văn Khúc. Năm đó là năm 1841, cách đây 161 năm. Đình Văn Khúc thờ vua Hùng Duệ Vương thứ XVIII. Theo ngọc phả của đình Văn Khúc còn ghi, vua Hùng Duệ Vương tuần du đến đất này, gặp một nàng tiên được thượng đế sai xuống để giữ nước an dân. Vua lấy làm lạ về sự tác hợp của lòng trời nên cầu hôn, lập cung thứ ba. Một đêm Vua mơ thấy cây đào có ba cành nở hoa và kết quả. Chính đêm ấy nàng tiên mang thai sau sinh ra ba nàng công chúa: Đệ nhất Tiên Dung, đệ nhị Ngọc Hoa, đệ tam Liễu Tam Lang (tức Liễu Hoa). Nàng tiên thiên sứ ấy có tên là Quế Anh. Chuyện đó chỉ là huyền thoại còn trên thực tiễn Bà là người xã Văn Khúc hết sức xinh đẹp nên được nhà vua yêu thương lấy làm vợ và lập cung thất ở đây. Người dân Văn Khúc đã xây đình, đền thờ vua Hùng, phu nhân và các nàng công chúa rất khang trang và bề thế. Sau nhiều thời gian biến động, đình, đền bị phá hủy, nay được nhân dân cung tiễn tiền của và được Sở Văn hóa tỉnh Phú Thọ hỗ trợ một phần, nên đền thờ bà phu nhân Quế Anh đã được xây dựng mới khá khang trang; còn ngôi đình lớn thờ vua đã được tôn tạo nhưng chưa được như đình cũ. Đình Văn Khúc đã được UBND tỉnh Phú Thọ xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa. Du khách về đây có thể chiêm ngưỡng 10 đạo sắc phong của các vua triều Nguyễn, đọc các câu đối có nhiều ý nghĩa như: “Văn Lang quốc hiệu trấn hùng châu - Thập bát thế truyền lưu cổ sử”, (Văn Lang tên nước hùng mạnh - Mười tám đời vua lưu sử xanh) và bức hoành phi với bốn chữ: Thiên tác Cao Sơn (trời sinh ra ông Cao Sơn) tức vua Hùng Duệ Vương....

 

Cách đình Văn Khúc 600m, có đền Quang Trung thờ các danh tướng Cao Sơn, Quý Minh, Đại Hải các ông đều là các tướng tài, từng giúp đỡ vua Hùng Duệ Vương đánh giặc giữ nước. Các ông về đây xây thành Phượng Dực (Phượng bay)sau này các ông được lập đền thờ cùng với đình thờ vua Hùng Duệ Vương. Đến thời Kiều Thuận là người đứng đầu một trong mười hai xứ quân, tự là Cương Nghị quân (vua Cương Nghị), về đây đã cho quân khôi phục thành Phượng Dực, xây dựng một căn cứ quân sự, gọi là căn cứ Tam Thành, thời ấy thuộc xã Chương Xá, Hoa Khê. Đức Kiều Thuận là một người yêu nước thương dân, tuy bị quân Đinh đánh dẹp, ông phải tuẫn tiết. Đến năm 1980, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi vua, hiệu là Đinh Tiên Hoàng, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, xét ông có công với nước đã truy phong cho đức Kiều Thuận là Cương Nghị Đại Vương và sai hai làng Phú An và Trù Mật làm đền thờ. Hiện nay, Đức Kiều Thuận được đánh giá lại theo quan điểm mới và đã được xếp là danh nhân lịch sử thế kỷ thứ X.Thành Phượng Dực bây giờ vẫn còn dấu vết, nay thuộc xóm Quang Trung xã Văn Khúc, huyện Cẩm Khê. Đền Quang Trung thờ các danh tướng thời Hùng Vương đã được tôn tạo lại sau nhiều năm xuống cấp, được UBND huyện Cẩm Khê cấp lại đất và công nhận.

 

Văn Khúc còn có một đền và một đình trong khu vực gò Làng và khu rừng Vầu, đó là đền Kim Giao và đình Vũ. Đền Kim Giao dựng trên nền nhà của gia đình cha mẹ Phụ quốc Ma Khê. Cụ là con một tộc trưởng họ Ma, thuộc dân tộc Tày một bộ tộc lớn sống ở vùng núi Đọi Đèn. Lớn lên năm 18 tuổi Ma Khê thay cha làm tộc trưởng, khi nước có chiến tranh với nhà Thục, ông đem dân binh giúp vua Hùng được nhà vua tin tưởng phong là đại tướng quân... Ông lấy vợ ở vùng núi Vy, thuộc dòng dõi vua Hùng sinh được một trai và một gái, người con trai tên là Ma Xuân theo nghiệp binh sau cũng là đại tướng quân, lập nên Ma Thành (nay là trung tâm thị xã Phú Thọ)... Nhân dân Văn Khúc và cả vùng tự hào về một người con quê hương tài năng có công lớn, nên đã lập đền thờ ông... Trong đền có bức hoành phi ghi rõ: “Phụ quốc Ma Vương, đại thần, đại tướng quân Ma Khê”. Trước đền là gò Trình, hàng năm thuyền bè về đây đậu làm lễ trình trước khi lên đình Vũ...

 

Vùng đất Văn Khúc có hai ngôi đền đặc biệt thờ hai nữ tướng đời hai Bà Trưng. Sau khi Hai Bà Trưng hy sinh, hai nữ tướng anh hùng là Quỳnh Hoa và Nguyễn Thị Thanh đã kéo một số quân về vùng núi Đọi Đèn cố thủ chiến đấu chống quân nhà Hán thêm thời gian nữa và đã hy sinh oanh liệt. Nhân dân Văn Khúc đã dựng đền thờ hai Bà ở thôn Hào Khê, chính nơi các Bà tử trận.

 

Trong các thời kỳ cách mạng đền Hào Khê đã đón các đồng chí là tù chính trị vượt ngục Sơn La đã qua ở đây; đồng chí Nguyễn Lương Bằng theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh đi chuẩn bị chiến trường chống thực dân Pháp xâm lược và đồng chí Võ Nguyên Giáp trong những năm kháng chiến chống Pháp đi điều nghiên mặt trận đã về làm việc tại đây nhiều ngày...

 

Văn Khúc còn có đền thờ Cụ Đề Kiều, tướng quân thời Cần Vương. Trên đất Văn Khúc nghĩa quân thời đó đã chiến đấu anh dũng diệt nhiều quân Pháp tại đồng Cán Cờ, Đồng Lốc, Thùng Than dưới chân và sườn núi Đọi Đèn. Ông Đề Kiều đã cho lập bản doanh tại Rừng Già và Thùng Thình. Cụ Nguyễn Quang Bích một anh hùng chống Pháp, một lãnh tụ thời Cần Vương cùng các tướng sỹ và sau này người con trai cả của Cụ là Ngô Quang Đoan đã đến ở Rừng Già và Thùng Thình nhiều ngày. Đền thờ Tướng quân Đề Kiều làm tại Thùng Thình, sát với núi Đọi Đèn. Vào đền ta có thể nhìn thấy hình ảnh ông và người mẹ già, có thể đọc câu đối ca ngợi ông: “Nhiệt thành ái độc văn minh sử - Hào kiệt lai tòng đại tướng môn”. Ý nói ông là người nhiệt thành, một hào kiệt phục vụ sự nghiệp cứu dân, cứu nước, như là một đại tướng quân...

 

Xã Văn Khúc có nhiều di tích lịch sử văn hóa. Thực là một làng cổ có truyền thồng lịch sử văn hóa đặc sắc của Phú Thọ. Có đủ đình, đền, miếu, chùa thờ nhân thần và thờ Phật. Riêng về các nhân thần gồm Vua Hùng, phu nhân, các bà công chúa, nữ tướng, các danh tướng kiệt xuất. Người dân Văn Khúc trải qua nhiều giai đoạn đau thương của chiến tranh tàn phá. Từ thời lập nước Văn Lang đền thời hiện đại nhiều giai đoạn đất này không có bóng người. Một là do bị giặc hủy diêt, hai là chiến sự diễn ra liên miên nên người dân phải phiêu bạt đến nơi khác... Đến thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ I, vào khoảng những năm thuộc thập kỷ 8 và 9 thế kỷ XIX, nhân dân Văn Khúc phải di tản đến nơi khác vì ở đây quân Cần Vương chống trả quyết liệt giặc Pháp. Đến năm 1949, trong cuộc xâm lược lần II, giặc Pháp mở cuộc càn chữ o, cho 1 tiểu đoàn quân tràn qua làng Văn Khúc đốt phá, nhân dân phải đi sơ tán hết, giặc rút mới trở về sinh sống làm ăn.


Người xưa nói: “Đất có người mới linh” và “Phú quý đa nhân hội”. Xã Văn Khúc trước Cách mạng Tháng Tám có 700 người, hiện nay có trên 5000 người, là thế mạnh để phát triển kinh tế và văn hóa. Con người Văn Khúc sinh ra và ở đất này cũng rất tài hoa. Trong chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, có ông Cao Long là người đánh giặc giỏi, lập công to. Ông từng là Trung đoàn trưởngTrung đoàn 141, chỉ huy trực tiếp Tiểu đoàn 11 (Tiểu đoàn Phủ Thông) đánh chiếm chỉ huy sở Đờ Cát trên chiến trường Điện Biên Phủ. Từng là Trung đoàn trưởng, Trung đoàn pháo binh 208, xây dựng trung đoàn thành đơn vị Ba nhất được Bác Hồ về thăm. Từng là Tư lệnh phó Phân khu Nam (thuộc Khu 5), từng là Sư phó, Tham mưu trưởng Sư đoàn 325 chỉ huy bộ đội suốt 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ Quảng Trị. Quân Mỹ và ngụy rất sợ uy danh ông gọi ông là con hổ xám Bắc Việt. Về Văn Khúc còn nhớ cố Thượng tướng Nguyễn Khắc Nghiên, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng tham mưu trưởng quân đội nhân dân Việt Nam, xưa cùng địa danh xã Văn Khúc, nay là người xã Chương Xá, sát với Văn Khúc đã từng ở và học tại trường Phổ thông cấp II Văn Khúc, được nhiều thầy cô giáo và bà con Văn Khúc dạy dỗ, cưu mang, đi bộ đội chống Mỹ lập nhiều chiến công lớn và trưởng thành, rất tiếc là ông qua đời sớm khi chưa đầy 60 tuổi. Có thầy Cao Văn Tư, nguyên nhà giáo Ưu tú, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo tỉnh Lào Cai. Có anh Đặng Quang Vượng nhà báo, nhà văn (Hội Nhà văn Việt Nam), người có nhiều đóng góp cho sự nghiệp báo chí, văn học ở cực Bắc Hà Giang; hiện nay là Phó tổng Biên tập Báo Hà Giang và có hàng trăm người tốt nghiệp đại học, hàng chục thạc sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư... Gần đây có em Cao Hoàng Yến 18 tuổi, nữ sinh học nghề tại Tiệp Khắc, dự thi Hoa hậu công chúa thế giới ở châuu, với 42 nước tham gia được tặng danh hiệu Á hậu 2 công chúa thế giới...


Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ và chính quyền địa phương, nhân dân Văn Khúc đang ngày đêm phấn đấu xây dựng quêhương ngày càng giàu mạnh... Các di tích lịch sử văn hóa đang dần dần được khôi phục, làm cơ sở cho xây dựng, phát triển kinh tế và văn hóa. Văn Khúc là điểm du lịch về cội nguồn rất tốt, vì ở đây đậm đặc các di tích lịch sử văn hóa thời Hùng Vương, thời Hai Bà Trưng, thời 12 xứ quân, thời Cần Vương. Lên đỉnh núi Đọi Đèn có thể nhìn thấy sông Lô, sông Đà, ngã ba Hạc, Việt Trì, thị xã Phú Thọ, một phần đất huyên Yên Lập và Thanh Sơn, nhìn tới Thanh Ba, Hạ Hòa, Đoan Hùng, nhìn xa có thể thấy núi Tam Đảo, núi Ba vì, Vĩnh Phúc, Sơn Tây (thuộc Hà Nội). Đầm Trúc, đầm Chương, đầm Meo, đồi Con Tượng, ngòi Cỏ là thắng cảnh, có nhiều đặc sản về cá tôm, chim muông, chè cọ.Nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hữu Nhàn khi về thăm Văn Khúc đã nói: “Về Văn Khúc, ở Văn Khúc như được thấy vua Hùng, phu nhân, các công chúa, các danh tướng, các nhân vật lịch sử. Tất cả đều rất gần gũi, thân quen như thấy họ đang cùng sống với những người dân lành hiền, thấy họ đi lại, nói cười một cách tự nhiên, vui vẻ. Họ là tổ tiên, cha ông của chúng ta, những người làm ra lịch sử và văn hóa, đời đời được tôn vinh”.


Ths CAO VĂN THỊNH, Nguyên GV trường ĐH Hùng Vương, Phú Thọ

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Chúc mừng phụ nữ Việt Nam
Mừng Ngày mồng 8 tháng 3Phụ nữ Quốc tế gần xa bình quyềnTrai tài – gái đảm chung chuyênNữ thêm chức phận: Mẹ hiền sinh con
30/03/2012
Mèo Vạc quê em
Tôi lên Mèo Vạc cùng emQuanh co đường dốc đã êm lắm rồiMây leo sườn núi đỉnh đồiThượng Phùng, Xín Cái đất trời biên cương
30/03/2012
Sông Gâm
Sông GâmCánh cung của thần ErốtBắn vào em vào taMũi tên tình yêu
30/03/2012
Cô giáo miền xuôi
Cô giáo trẻ lên miền biên giớiXa đồng bằng cô tới Cao nguyênMiền đất lạ nhấp nhô núi đáSớm ngày sương trắng tỏa khắp nơi.
30/03/2012