Xây dựng nếp sống văn hóa giao thông qua báo chí và nghệ thuật

10:34, 27/02/2012
Xây dựng nếp sống văn hóa giao thông là một trong những biện pháp lớn, quan trọng góp phần làm giảm tình trạng ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, tạo bộ mặt văn minh đô thị.

Ðể góp phần thực  hiện việc xây dựng nếp sống văn hóa giao thông, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia phối hợp Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc thực hiện Ðề án "Ðưa văn hóa giao thông vào cộng đồng  qua các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức nghệ thuật".

Những năm gần đây, tai nạn giao thông đã trở thành vấn đề nổi cộm, bức xúc của xã hội.  Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông như cơ sở hạ  tầng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển giao thông, công tác quản lý còn nhiều bất cập... Tuy nhiên, có một nguyên nhân là ý thức tham gia  giao thông rất kém. Việc vi phạm Luật Giao thông đường bộ xảy ra thường xuyên như: vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, đi không đúng làn đường, tốc độ,  phóng nhanh vượt ẩu, đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, đi xe máy lên vỉa hè, uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông. Những cơ sở vận chuyển khách còn sử dụng phương tiện cũ nát, lái xe coi thường sinh mạng của khách trên xe dẫn đến những tai nạn thảm khốc... Hầu hết các tai nạn xảy ra đều liên quan đến ý thức của người tham gia giao thông, đến nỗi nhiều người rất lo sợ khi ra đường vì có khi thực hiện nghiêm chỉnh, đúng luật đi đường vẫn có người vô ý thức, vô văn hóa gây tai nạn cho mình. Văn hóa giao thông không những liên quan mật thiết tới cộng đồng mà còn thể hiện nhân cách mỗi người khi biết nhường nhịn nhau lúc ùn tắc, không chen lấn, sẵn sàng giúp đỡ những người bị tai nạn. Xây dựng nếp sống văn hóa giao thông chính là góp phần xây dựng con người mới trong xã hội văn minh, hiện đại. Văn hóa giao thông phải thật sự trở thành nếp sống, nếp nghĩ của mỗi người khi tham gia giao thông. Công việc này phải được tiến hành thường xuyên, lâu dài để nó trở thành thói quen của mỗi người từ những việc nhỏ nhất như khi thấy đèn đỏ là phản xạ, lập tức dừng xe mặc dù đường vắng, không có Công an.

Ðể xây dựng nếp sống văn hóa giao thông, trước hết phải làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục, giúp nâng cao ý thức của các tầng lớp nhân dân. Ðề án văn hóa giao thông mà Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc đang thực hiện là một cách thức để tuyên truyền giáo dục. Mục tiêu của đề án là huy động sự tham gia của các phương tiện thông tin đại chúng, các hình thức văn hóa nghệ thuật, các nhà báo, trí thức, văn nghệ sĩ cả nước vào cuộc, xây dựng nếp sống văn hóa giao thông cho cộng đồng. Hàng loạt các cuộc hội thảo về văn hóa giao thông đã được tổ chức tại các tỉnh, thành phố, đã đi sâu bàn thảo về đặc điểm giao thông của từng vùng, miền (đô thị, đồng bằng, miền núi) nêu ra các hiện tượng tiêu cực, phi văn hóa trong giao thông, đề ra các giải pháp xây dựng nếp sống văn hóa giao thông, đưa văn hóa giao thông lan tỏa trong cộng đồng. Cùng với các cuộc hội thảo, các cơ quan thông tin đại chúng báo viết, báo hình, báo mạng và truyền hình... đã biểu thị sự chia sẻ, hợp tác mạnh mẽ bằng một chiến dịch tuyên truyền rộng rãi và liên tục về đề tài văn hóa giao thông. Cho đến nay đã có tới hàng trăm bài viết về văn hóa giao thông - an toàn giao thông, hàng chục chương trình đã phát trên các đài truyền hình, đài phát thanh từ Trung ương đến địa phương. Ban chủ nhiệm dự án văn hóa giao thông cũng đã mở đầu bằng một cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật, tọa đàm với sự tham gia của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, các giám đốc nhà hát cùng các tác giả, nghệ sĩ, các đơn vị nghệ thuật biểu diễn hàng đầu thuộc các lĩnh vực văn học, sân khấu, âm nhạc, điện ảnh, mỹ thuật. Chỉ sau cuộc tọa đàm một thời gian ngắn, một số sáng tác của văn nghệ sĩ được hoàn thành. Ban chủ nhiệm Dự án đã đầu tư cho Nhà hát Tuổi trẻ thực hiện chương trình kịch ngắn "Giao thông - Quốc nạn" do NSND Lê Hùng đạo diễn. Các vở diễn đã tập trung phê phán những hành vi vô văn hóa khi tham gia giao thông, đồng thời nêu bật ý nghĩa của việc thực hiện văn hóa giao thông. Ngay sau chương trình này, Nhà hát tiếp tục xây dựng chương trình hài kịch và ca nhạc với đề tài trên. Các chương trình được biểu diễn ở nhiều nơi. Bên cạnh đó còn có các chương trình sử dụng nghệ thuật truyền thông tuyên truyền văn hóa giao thông như: múa rối nước của nghệ sĩ Phạm Thanh Liêm, chương trình hát xẩm của nhạc sĩ Mai Tuyết Hoa kết hợp với ca khúc của Phạm Việt Long được trình diễn rất có hiệu quả tại Trường đại học Văn hóa và sắp tới sẽ biểu diễn tại các trường phổ thông. Cuộc thi thiếu nhi vẽ tranh về đề tài văn hóa giao thông cũng thu hút đông thiếu nhi cả nước tham gia. Các tranh đoạt giải được trưng bày triển lãm cùng với bộ ảnh đề tài văn hóa giao thông tại Cung Thiếu nhi Hà Nội đã gây được tiếng vang... Có thể nói,  các hình thức hoạt động tuyên truyền giáo dục xây dựng nếp sống văn hóa giao thông của Dự án giao thông đạt kết quả bước đầu rất tốt. Từ đó, có thể rút ra những bài học kinh nghiệm để tiến hành tuyên truyền giáo dục văn hóa giao thông thấm sâu đến tận trường học, gia đình, ngõ xóm, khu dân cư, đưa nội dung văn hóa giao thông lồng ghép với phong trào xây dựng con người mới, nếp sống mới, xây dựng gia đình, khu dân cư văn hóa.

Việc triển khai dự án đưa văn hóa giao thông đến cộng đồng cho thấy, cần tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền xây dựng nếp sống văn hóa giao thông qua hoạt động của các thiết chế văn hóa, các đội thông tin tuyên truyền lưu động, các tổ đội văn nghệ quần chúng, câu lạc bộ gia đình văn hóa, v.v. Tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông bằng các chương trình hoạt động sôi nổi tích cực, hấp dẫn, dễ đi vào lòng người, góp phần biến văn hóa giao thông thành nề nếp để mọi người thực hiện, hạn chế đến mức thấp nhất việc vi phạm các quy định về an toàn giao thông.

Ði đôi với việc tuyên truyền, giáo dục văn hóa giao thông cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước  trong lĩnh vực này. Ðể có nếp sống văn hóa giao thông không thể chỉ trông chờ vào ý thức và sự tự nguyện của người tham gia giao thông nhiều khi đã trở thành hình thức, với những khẩu hiệu suông, mà cần có  những chế tài bắt buộc. Kinh nghiệm ở các nước phát triển cho thấy, không phải ngay một lúc có được trật tự an toàn giao thông mà là cả một quá trình thực hiện luật lệ một cách nghiêm khắc. Những người vi phạm bị xử phạt rất nặng, khi đó, việc thực hiện đúng luật sẽ trở thành thói quen, thành nếp.

Giáo sư, Anh hùng lao động Vũ Khiêu: Việc ứng xử có tình, có lý đã thể hiện rõ rệt trong văn hóa giao thông của ông cha ta. Việc gia tăng tình trạng chen lấn, tranh giành, không nhường nhịn người già, người khuyết tật, phụ nữ, trẻ em, rồi tổ chức đua xe, coi thường pháp luật, phóng nhanh vượt ẩu gây tai nạn, v.v trong những năm gần đây không chỉ cho thấy sự yếu kém về văn hóa trong giao thông mà thật sự là sự suy thoái trong văn hóa ứng xử giữa người với người. Ðể khắc phục sự suy thoái này và khôi phục văn hóa giao thông, cần thực hiện hai biện pháp là trừng phạt và giáo hóa. Trừng phạt là phải rất nghiêm, theo đúng tinh thần pháp trị. Sai là phải phạt, không có trường hợp chiếu cố, tùy tiện tha, tùy tiện phạt. Giáo hóa là việc nhà trường, gia đình phải làm, nhưng chủ yếu là của gia đình, trước hết là của các bậc làm cha, làm mẹ với con cái của mình.

Nhà văn Phạm Việt Long: Mỗi người cần tự xây dựng thói quen tốt khi tham gia giao thông. Ðiểm này thuộc về văn hóa cá nhân, tức là nhân cách của con người. Nếu con người có ý thức tạo cho mình những thói quen tốt khi tham gia giao thông thì anh ta sẽ trở thành con người có văn hóa. Ngược lại, quen chen lấn, giành đường vượt ẩu, anh ta sẽ trở thành người thiếu văn hóa. Nếu được giáo dục tốt, có nhân cách tốt, thì tất yếu, khi tham gia giao thông, con người cũng biết tự trọng mà chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ giao thông. Cần kiên trì xây dựng cho từng cá nhân, cho cả xã hội một cơ sở văn hóa vững chắc - văn hóa pháp luật. Trên cơ sở ấy, mọi hành vi của con người sẽ nhất quán theo "nền" văn hóa ở mỗi người. Báo chí và các loại hình nghệ thuật đóng vai trò quan trọng trong việc góp phần tuyên truyền và xây dựng nên cái "nền" văn hóa ấy.

NSND Nguyễn Thị Tâm Chính: Việc con trẻ được học luật lệ giao thông trong trường và được bổ túc thông qua các phương tiện ngoại khóa như đi xem biểu diễn nghệ thuật sân khấu (tiểu phẩm, hài kịch, xiếc...), ca múa nhạc, thì bài học về văn hóa giao thông đối với các em sẽ có tác dụng hết sức lớn. Những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật sân khấu mong rằng đây sẽ là một "kênh" chuyển tải văn hóa giao thông cho các em nhỏ và mọi người dân hành xử cho đúng về an toàn giao thông, ngõ hầu tránh được những tai nạn, tổn thất về người và của, tạo nên một xã hội văn minh trong tham gia giao thông.


Nhân dân

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hoàng Su Phì: Tổ chức Hội chọi Dê
HGĐT- Ngày 25.2, tại sân vận động trung tâm huyện UBND Hoàng Su Phì đã tổ chức Hội chọi Dê lần thứ nhất.
27/02/2012
Các cặp nhảy trong Bước nhảy Hoàn vũ 2012
Bước nhảy Hoàn vũ - Dancing with the stars" là chương trình truyền hình nổi tiếng trên thế giới, pha trộn giữa truyền hình thực tế và biểu diễn kết hợp thi đấu khiêu vũ thể thao. Cuộc thi lần thứ ba tại Việt Nam với 10 liveshow, sẽ phát sóng vào 21h chủ nhật hàng tuần trên kênh VTV3, từ ngày 18/3, tại Cung thể thao Quần Ngựa, Hà Nội.
24/02/2012
Triển lãm ảnh “Thương nhớ Đồng Văn”
HGĐT - Trong 2 ngày 18 - 19.2, tại chợ Phố cổ Đồng Văn, Ban quản lý Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn phối hợp với Diễn đàn Phượt và Box Du lịch (diễn đàn Trái Tim Việt Nam o­nline) tổ chức cuộc triển lãm ảnh mang chủ đề “Thương nhớ Đồng Văn”.
21/02/2012
Thắng cố ở chợ phiên Đồng Văn
HGĐT- Cứ vào chủ nhật hàng tuần, là ngày chợ phiên của huyện Đồng Văn. Ngày chợ, cả trung tâm huyện đông vui nhộn nhịp hẳn lên, người dân trong vùng kéo nhau đến chợ, dòng người từ các ngả đường tuôn về chợ như dòng nước tràn về thung lũng. Người đi chợ thường là bán hoặc mua một cái gì đó, nhưng ở chợ Đồng Văn lại có cả những người không bán, không mua gì cũng đổ về chợ. Họ
20/02/2012