Náo nức Hội chọi dê nơi miền Tây Hoàng Su Phì
HGĐT- Miền Tây, hai từ ấy thôi đã chất chứa những nhọc nhằn của mùa hè nắng cháy, mùa đông lạnh giá và mùa mưa đầy khắc nghiệt... Nhưng, miền Tây trong sự nhọc nhằn ấy lại chứa đựng rất nhiều giá trị sinh ra từ cuộc sống lao động, từ tạo hóa khắc nghiệt.
Mới đây thôi, Hoàng Su Phì đã được cả nước biết đến với ruộng bậc thang vàng óng được công nhận là di sản quốc gia. Để tiếp thêm cho sự độc đáo của miền Tây dốc núi, Hội chọi dê với quy mô cấp huyện gần như là chỉ có một không hai trong cả nước đã được tổ chức tại Hoàng Su Phì trong những ngày xuân này.
Vào Hoàng Su Phì trong cái nắng xuân ấm áp, trên những con đường ngoằn nghèo đầy vất vả, nhưng bù lại hai bên đường nở rực một mầu sáng của sắc hoa đào. Điểm nhấn ấy khiến du khách cảm thấy thật ý nghĩa biết bao khi phải trải qua những con đường đầy cua, dốc để đến với Hoàng Su Phì. Có người nói, xưa nay chỉ nghe đến hội chọi trâu, chọi gà, chọi bò chứ có bao giờ nghe nói đến hội chọi dê đâu. Thế nhưng, đó cũng là lí do để Hoàng Su Phì quyết tâm xây dựng một hội chọi dê với quy mô cấp huyện, được tổ chức thường niên kể từ năm nay.
Là huyện núi đất phía tây của tỉnh, Hoàng Su Phì có 25 xã, thị trấn với 12 dân tộc anh em. Bà con các dân tộc nơi đây có truyền thống chăn nuôi, trong đó đàn dê luôn có sự phát triển mạnh. Theo thống kê, đàn dê của toàn huyện hiện có gần 25 ngàn con. Việc phát triển đàn dê đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho rất nhiều gia đình. Đồng chí Hoàng Hải Lý, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Để phát huy và thúc đẩy hoạt động chăn nuôi, khơi dậy bản sắc văn hóa và tạo cơ hội quảng bá hình ảnh của địa phương, huyện Hoàng Su Phì đã nghiên cứu và xây dựng hội chọi dê quy mô cấp huyện. Trước khi diễn ra hội chọi dê toàn huyện lần này, Hoàng Su Phì cũng đã thí điểm tổ chức hội chọi dê cấp xã và cụm xã từ cuối năm 2011. Qua những hội chọi dê đó là tiền đề để huyện tổ chức hội chọi dê toàn huyện lần thứ nhất này.
Hội chọi năm nay được tổ chức trong 2 ngày 24 và 25.2 tại sân vận động trung tâm huyện và trải qua 2 vòng là vòng loại và vòng chung kết. Các “đấu sĩ” dê được chia thành 4 hạng cân thi đấu gồm: Hạng từ 27 – 31kg, hạng 32 – 36kg, hạng 37 – 41kg và hạng 42 – 46kg. Tham gia hội chọi dê lần thứ nhất này, các xã trong huyện đã ghi danh với tổng số 32 dê chọi được lựa chọn từ các xã. Nghe nói, nhiều gia đình cũng muốn tham gia lắm, nhưng quy mô chỉ cho phép có vậy nên Ban tổ chức cấp huyện phải tuyển những chú dê đã khẳng định được “bản lĩnh” tại các sườn núi. Trong số các xã tham dự, các xã như Nậm Ty, Nậm Dịch, Thông Nguyên là những xã có số dê chọi tham gia đông đảo. Để động viên các chủ dê, Ban tổ chức Hội chọi đã hỗ trợ cho mỗi chủ dê số tiền 400.000đ vận chuyển, chăm sóc dê.
Nô nức đổ về Hội chọi dê, ngay từ sáng sớm ngày 24.2, đã có rất nhiều bà con từ các xã trong và ngoài huyện kéo về thị trấn Quang Vinh. Với sự độc đáo của Hội chọi nên có khá nhiều phóng viên, các nhiếp ảnh gia đã lặn lội từ các nơi về với Hoàng Su Phì. Vì thế, chưa có hội nào, thậm chí là cả Chợ tình Khâu Vai lại có mật độ tác nghiệp của các phóng viên báo chí nhiều như ở đây. Tại sới chọi dê chật cứng người xem, chúng tôi gặp một cụ già 74 tuổi ở xã Nậm Ty tên là Tẩn Quáng Phù, cụ cho biết, ở xã mình có nhiều nhà nuôi dê lắm. Con dê rất dễ nuôi và rất phù hợp với điều kiện ở những nơi có nhiều đồi núi rất nhiều loại cây cỏ tự nhiên. Ở những vùng rừng núi, những chú dê thường leo trèo kiếm ăn nên rất khỏe và lực lưỡng. Có những nhà nuôi đến vài chục con dê, mỗi lần xuất bán cũng được kha khá tiền. Cụ Phù cũng cho biết, trong mỗi đàn dê thường có một con đực đầu đàn. Đó là con dê rất có uy lực về vóc dáng và bản lĩnh, vì thế nó được “quyền chăm sóc” các “chị em dê” trong đàn để duy trì nòi giống. Vì có nhiều gia đình nuôi dê và vì khả năng có tính dục cao nên trong nội tại đàn dê đôi khi cũng xảy ra việc đánh nhau để tranh giành vị trí thủ lĩnh hoặc dê đầu đàn này chạm chán với với dê của đàn khác... Những chú dê khi đánh nhau mà có những “cô nàng” dê bên cạnh thì lại càng hăng máu hơn. Thế nên, có những trận đánh ở bìa rừng kéo dài cả tiếng đồng hồ mà không phân thắng bại, hôm nay đánh chưa xong, hôm sau lại đánh tiếp...
Với gần 30 trận đấu diễn ra ở cả vòng loại và vòng chung kết tại Hội chọi lần này, đã đem đến cho khán giả rất nhiều trận đấu hay và quyết liệt. Khác với chọi trâu, chọi bò, hầu như trận đấu nào của các “đấu sĩ” dê cũng diễn ra rất sôi nổi, có trận kéo dài 30 – 40 phút. Với bản năng mãnh liệt của loài dê trong việc chọn lọc và duy trì nòi giống nên các trận đấu không chỉ có sức mạnh về thể lực mà còn thể hiện cả bản lĩnh của những chú dê đầu đàn. Qua đó, những cú hổ vồ va sừng vào nhau kêu quặc quặc, những pha khóa chân, khóa cổ cũng khá điệu nghệ khiến cho khán giả, đặc biệt là trẻ em và phụ nữ phấn khích rộ lên những trận cười như nắc nẻ vì cách đánh nhau của các “cụ dê”. Thậm chí, có những chú dê hung đến nỗi tấn công cả trọng tài hoặc có những chú dê bị đánh đến gẫy cả sừng khiến chủ phải rơi nước mắt vì thương dê...
Phấn khởi sau khi dê chọi số 08 của mình giành chiến thắng ở hạng cân lớn nhất, anh Tẩn Văn Quỳnh, dân tộc Dao ở xã Túng Sán chia sẻ, dê mình đã từng vô địch tại một hội chọi ở xã Đản Ván năm 2011. Lần này lấy giải 3 triệu về, mình sẽ làm một bữa mời anh em đến chia vui. Anh Quỳnh cũng cho biết, Túng Sán quê anh nuôi rất nhiều dê, ngay đến nhà anh cũng nuôi đến gần 30 con. Do có nhiều núi non hiểm trở nên con dê cũng lì lợm, bản lĩnh lắm...
Tại Hội chọi lần thứ nhất này, với sự chu đáo của huyện trong khâu tổ chức, Hội đã thành công ngoài mong đợi. Công tác xã hội hóa được làm khá chuyên nghiệp. Qua đó, đã có nhiều sự tài trợ, ủng hộ giúp đỡ tổ chức sự kiện và truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Hà Giang. Ghi nhận giá trị văn hóa độc đáo và vai trò của hội chọi dê trong việc thúc đẩy phát triển chăn nuôi, mở mang kinh tế, sở VHTT&DL đã ra quyết định công nhận hội chọi dê huyện Hoàng Su Phì là lễ Hội truyền thống cấp huyện. Đây có thể coi là một điểm nhấn, tạo thêm sức hút cho du khách đến với miền Tây Hoàng Su Phì.
Ý kiến bạn đọc