Hội xuân Khèn Mông tại Sủng Là
HGĐT- Khèn Mông là nhạc cụ lâu đời của dân tộc Mông. Tiếng khèn là sợi dây nối giữa thế giới thần linh với con người, người đang sống với tổ tiên dòng họ, chỉ đường cho người chết tìm về với tổ tiên... Vì vậy tiếng khèn đã được truyền lại từ đời này qua đời khác, từ rất lâu rồi đến tận ngày nay tiếng khèn vẫn còn nguyên giá trị.
Mỗi khi mùa xuân đến người Mông lại tổ chức hội Khèn. Nơi đây vừa là nơi sinh hoạt cộng đồng của người Mông, vừa là nơi giao lưu văn hoá với các dân tộc khác, vừa là nơi trai gái gặp gỡ tìm bạn tâm tình, vừa là nơi những người già ôn lại chuyện cũ, tìm thấy những kỷ niệm đẹp của một thời.
Trên nền giá trị lịch sử và văn hoá của khèn Mông, huyện Đồng Văn, Trung tâm của Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn tổ chức Hội xuân Khèn Mông lần thứ nhất tại xã Sủng Là, huyện Đồng Văn. Đây là lần đầu tiên tổ chức nên số lượng nghệ nhân tham gia ngày hội còn hạn chế, chỉ có 30 người, của các xã Sủng Là, Phố Cáo, Sảng Tủng, Vần Chải, Sà Phìn và thị trấn Phố Bảng.
Lễ hội sẽ được khai mạc lúc 9 giờ 00 phút, ngày 31.1.2012 (tức ngày mùng 09/01/2012 âm lịch). Lễ hội diễn ra với các tiết mục tiêu biểu của các nghệ nhân như sau: Múa khèn tập thể, múa khèn đôi nam nữ, độc tấu chùm nhạc cụ (do nghệ nhân Và Nhè Mua, xã Vần Chải biểu diễn); hát dân ca; kéo nhị, thổi khèn lá (do nghệ nhân Vàng Mí Nô, xã Phố Cáo biểu diễn); múa sạp của dân tộc Lô Lô; múa khèn mời rượu. Hội xuân khèn Mông được tổ chức chắc chắn không chỉ là nơi tập hợp, giao lưu, gìn giữ văn hoá Mông mà còn là nơi gìn giữ tinh hoa văn hoá các dân tộc khác trên Cao nguyên đá Đồng Văn.
Ý kiến bạn đọc